Đường dẫn truy cập

Vụ tai tiếng đe dọa đến hào quang nhân tài của kỳ thi tuyển sinh ở TQ


Thí sinh dự tuyển kỳ tuyển sinh đại học ở một trường tại Trung Quốc.
Thí sinh dự tuyển kỳ tuyển sinh đại học ở một trường tại Trung Quốc.
Hàng triệu học sinh trung học ở Trung Quốc đã dự kỳ thi tuyển sinh rất gay go hồi đầu tháng này. Kỳ thi này được ca ngợi là dành cho các học sinh xuất sắc cơ hội vào các trường tốt nhất, bất kể lý lịch hay địa vị xã hội. Nhưng một vụ tai tiếng hối lộ có liên quan đến một nhân viên tuyển sinh cho thấy rằng kỳ thi này không phải là cách duy nhất để nhập học.

Hàng năm vào tháng 6, giới truyền thông Trung Quốc lại tràn ngập những bài tường thuật về công tác khó nhọc và sự lo lắng của học sinh sắp dự kỳ thi gọi là Cao Khảo – là kỳ thi tuyển sinh gay go quyết định ai sẽ được nhận vào đại học. Trong một nước mà giá trị to lớn đặt vào trình độ học vấn như một phương tiện để tiến thân trong xã hội, điểm cao trong kỳ thi này là chìa khóa để đi vào những trường tốt nhất trong nước.

Nhưng năm nay, trong khi chín triệu học sinh dự thí để tranh giành khoảng bảy triệu chỗ trong đại học, báo chí lại đăng tải những bài tường thuật về tham nhũng tại các trường hàng đầu trong nước.

Một trong những vụ nổi bật nhất gần đây có liên quan đến ông Thái Vinh Sinh, nguyên trưởng phòng tuyển sinh của trường đại học Nhân dân đầy uy tín, bị tố cáo là nhận sinh viên không qua kỳ Cao Khảo.

Nay ông bị cáo buộc nhận hơn một triệu rưỡi đôla tiền hối lộ để “giúp” sinh viên trong giai đoạn tuyển sinh.

Trường hợp ông Thái đã rọi một tia sáng vào cái gọi là “đặc chiêu,” một kênh tuyển sinh thay thế cho hệ thống điểm gay gắt của kỳ Cao Khảo.

Ông Dương Duệ nghiên cứu về chính sách giáo dục ở Trung Quốc tại trường Ðại học Hong Kong cho biết:

“Cao Khảo thực sự đem lại cho hàng triệu người những cơ hội, và đã thay đổi Trung Quốc sau chính sách mở cửa hồi cuối thập niên 1970. Nhưng càng ngày càng nhà trí thức và những người quyềt định chính sách đều nhận ra rằng Cao Khảo không thực sự công bình. Nhiều người có nhiều lợi thế hơn so với những người ở các trường nông thôn chẳng hạn. Ngoài ra, chính hệ thống điểm riêng thôi không thể vẽ ra toàn bộ bức tranh.”

Một số trường đại học ở Trung Quốc được phép chọn không quá năm phần trăm sinh viên năm thứ nhất dựa vào các thành tích ngoại khóa.

Học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Cao Khảo
Học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Cao Khảo

Quyết định đó được định ra để các trường được linh động hơn trong việc thu nhận các ứng viên mà tài năng không trực tiếp thể hiện qua điểm của kỳ Cao Khảo, hoặc bị phân biệt đối xử vì cô-ta dành cho khu vực có lợi cho cư dân thành phố.

Nhưng “đặc chiêu” đã khiến các nhà quản trị có quá nhiều quyền không bị kiểm soát, theo ông Hùng Bính Kỳ, phó chủ tịch viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ thứ 21, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc khảo cứu giáo dục.

Ông nói phải có một tiến trình qua đó một học sinh được trường trung học giới thiệu, và phải qua các kỳ khảo sát tại trường đại học và cuối cùng được đăng ký qua một tiến trình dựa vào thành tích.

Ông Hùng nói thay vì thế, hệ thống này lại bị các nhà quản trị cướp đi nhờ có quyền quyết định về vấn đề ghi danh.

Giới hữu trách đã cấm tập tục bán chỗ nhập học lấy tiền hay lợi lộc. Bộ Giáo dục đã công bố một chỉ thị hồi đầu năm nay kêu gọi có thêm sự minh bạch và kiểm tra.

Ông nói chính phủ muốn có các chính sách đòi hỏi các viện trưởng đại học phải chịu trách nhiệm về tiến trình tuyển sinh, và cũng cần phải có một hệ thống đánh giá thành tích, nhưng vấn đề nay vẫn là không có cơ chế nào để kiểm soát được các nhà quản trị này.

Những vụ tai tiếng trong học thuật có nguy cơ tách rời một công chúng Trung Quốc ngày càng lo ngại về sự phân biệt đối xử mà giới giàu có và thế lực được hưởng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên nắm quyền với sứ mạng ngăn chặn tham nhũng.

Ông đã phái các điều tra viên đến các bộ chính phủ, các cơ sở quốc doanh cũng như các trường đại học.

Nỗ lực này đã dẫn tới một số vụ truy tố chưa từng có từ trước đến nay, nhưng giới chỉ trích nói đường lối của ông Tập chưa đi đến chỗ cải tổ được hệ thống quyền lực không kiểm soát được nuôi dưỡng tham nhũng.

“Chính quyền của ông Tập Cận Bình rất kiên quyết, một lần nữa, vấn đề là kiên quyết đến mức nào và trong bao lâu. Ðó là câu hỏi được nhiều người đặt ra ở Trung Quốc.”

Phần khó nhất, theo ông Dương, là tình trạng tham nhũng đó tràn lan ở mọi cấp bậc trong xã hội Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng ông Tập Cận Bình không thể đối xử với tất cả mọi người trong nước, hay đa số dân chúng trong nước như kẻ thù.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG