Đường dẫn truy cập

Vũ khí hạt nhân tầm ngắn: Trọng tâm cuộc đàm phán Mỹ-Nga sắp tới


Binh sĩ chuẩn bị phá hủy tên lửa đạn đạo SS-19 tại một cơ sở quân sự Vakulenchuk, Ukraina.
Binh sĩ chuẩn bị phá hủy tên lửa đạn đạo SS-19 tại một cơ sở quân sự Vakulenchuk, Ukraina.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đặt việc giảm thiểu vũ khí hạt nhân trên thế giới là một trong các ưu tiên của chính phủ ông. Hiệp ước START Mới, hạ thấp số vũ khí hạt nhân chiến lược tầm xa của Mỹ và Nga, là một bước quan trọng theo chiều hướng đó. Theo tường thuật của thông tín viên Andre de Nesnera của đài VOA, vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn có thể sẽ là trọng tâm của cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Nga.

Hiệp ước START Mới giới hạn số đầu đạn hạt nhân tầm xa được bố trí ở mức 1,550 đầu đạn, và các hệ thống đưa đầu đạn tới mục tiêu, như hỏa tiễn tầm xa và oanh tạc cơ hạng nặng, được giới hạn ở mức 700.

Nhưng hiệp định mới này không đề cập tới các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn, là loại đầu đạn được gắn trên các phi đạn với tầm bắn chưa tới 500 kilomét. Loại vũ khí này còn được gọi là “vũ khí chiến trường”, được dùng song song với các loại vũ khí qui ước.

Các nhà phân tích cho biết Nga hiện có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong đó có một số không ở trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Có nhiều đầu đạn hạt nhân loại này đang chờ để được tháo dỡ và một số khác được tồn trữ trong những hầm chứa nằm sâu dưới lòng đất.

Ông Daryl Kimball là người đứng đầu một công ty nghiên cứu tư nhân có tên là Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí. Ông nói rằng số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ít hơn rất nhiều so với Nga.

Ông Kimball nói: "Ở Âu châu, chúng ta có khoảng 180 quả bom hạt nhân trọng lực. Đó là loại bom B-61 được chở trên các chiến đấu oanh tạc cơ như F-16. Những quả bom này được bố trí ở 5 nước của NATO: Bỉ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Ý."

Các nhà phân tích cho biết có một cuộc tranh luận bên trong NATO về các loại vũ khí này.

Ông Kimball nói rằng một số nước, trong đó có Bỉ, Hà Lan và Đức, cho rằng những vũ khí hạt nhân chiến thuật nên được loại bỏ vì không còn có ích cho sự phòng thủ của NATO.

Ông Kimball nói tiếp: "Những vũ khí này được tồn trữ trong các boong ke. Phải mất nhiều ngày thì những vũ khí này mới có thể sẵn sàng để được chiến đấu oanh tạc cơ đưa tới mục tiêu. Việc sử dụng loại vũ khí này còn cần có sự cho phép của toàn bộ các nước hội viên NATO. Đó là một việc hầu như bất khả đối với bất kỳ vấn đề nào, chứ đừng nói gì tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ khi bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki."

Nhưng ông David Hollawy, một chuyên gia vũ khí hạt nhân của Đại học Stanford, cho biết các nước hội viên khác của Nato không tán đồng ý kiến đó.

Ông Holloway nói: "Những nước khác, đặc biệt là những hội viên mới ở Đông Aâu và Trung Âu, muốn giữ các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Âu châu như một yếu tố của sự cam kết hoặc một dấu hiệu hay biểu tượng của sự cam kết của Mỹ đối với sự phòng vệ của các nước NATO, bởi vì so với các nước Tây Âu và Nam Âu, họ cảm thấy lo ngại nhiều hơn về mối đe dọa của Nga.

Trong bài diễn văn đọc tại Berlin hồi gần đây, Tổng thống Obama nói rằng Hoa Kỳ và Nato sẽ “mưu tìm một sự giảm thiểu có tính chất táo bạo cho các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Âu Châu.”

Ông Holloway cho rằng đó là một việc vô cùng khó khăn.

Ông Holloway nói: "Vấn đề tài giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật trong nhiều năm qua là một vấn đề cực kỳ khó khăn bởi vì Nga nói rằng “Chúng tôi cần vũ khí hạt nhân chiến thuật vì các lực lượng qui ước của chúng tôi yếu hơn Nato và Trung Quốc. Và vì thế chúng tôi cần có vũ khí hạt nhân chiến thuật để phòng thủ.”

Ông Holloway cho biết đối với các giới chức quân sự của Nga thì việc phòng vệ chống Trung Quốc là một việc thiết yếu.

Ông Holloway nói: "Hãy giả dụ là Trung Quốc quyết định tấn công hoặc xâm lăng miền Viễn Đông của Nga. Đây là một mối đe dọa có vẻ xa vời vào lúc này, nhưng giả dụ họ quyết định như vậy thì Nga có thể làm gì nếu chỉ có vũ khí qui ước? Như một vị tướng hồi hưu của Nga từng nói với tôi: 'Chúng tôi nói về NATO, nhưng chúng tôi lo ngại về Trung Quốc'. Vì thế cho nên, tôi không biết là làm thế nào mà Mỹ hoặc NATO có thể có một hiệp ước với Nga, theo đó Nga có thể giữ các vũ khí này ở vùng biên giới giáp với Trung Quốc, nhưng lại không thể giữ chúng ở Âu châu. Tôi tin rằng điều đó sẽ không được Trung Quốc hoan nghênh."

Các nhà phân tích cho biết việc giảm thiểu các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn của Mỹ và Nga là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với việc giảm một phần ba số phi đạn tầm xa – một đề nghị mà Tổng thống Obama đã đưa ra trong bài diễn văn ở Berlin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG