Đường dẫn truy cập

Người Việt ở Canada


Quốc hội Canada
Quốc hội Canada

Nhờ trong thời gian vừa qua tôi phải bay sang khá nhiều thành phố ở Canada để làm phóng sự nên tôi mới biết được thêm một tí về đất nước này. Đặc biệt là về cộng đồng người Việt ở đây. Có những dữ kiện tôi phải lên mạng tìm tòi khá lâu mới biết được. Nhưng cũng có những nét đặc trưng của từng vùng một mà đến nơi rồi tôi mới nhận ra. Đúng là như ông bà mình thường nói: đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Các bạn có biết không, theo Văn Phòng Thống Kê Dân Số của Canada thì vào năm 2001 có khoảng trên 150,000 người Canada cho mình là có gốc Việt Nam. Phần đông họ sống ở 4 thành phố lớn ở Canada đó là Toronto, Montreal, Vancouver và Calgary. Có trên 96% cộng đồng Việt Nam tập trung sống trong 4 tỉnh bang của 4 thành phố này. Và gần 70% trong số này khai là họ sinh ra ở Việt Nam.

Như vậy chúng ta có thể tạm kết luận là gần 30% người Canada khai nhận mình có gốc Việt Nam được sinh ra ở… Canada. Tôi cho là chỉ có ‘gần’ 30% vì biết đâu có một số người Việt đã được sinh ra ở Lào hoặc Kampuchea hoặc ở một xứ nào đó trước khi được nhận sang Canada định cư vĩnh viễn.

30%. Đây là một con số khá cao . Nếu so đến thời điểm này thì chắc phải có ít nhất là 50,000 người Việt được sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương thứ nhất của họ. Thế nhưng họ là ai, đang làm gì, cuộc sống ra sao, tiếng nói của họ có được tôn trọng không trong cơ cấu của các cộng đồng người Việt ở địa phương?

Đây là những câu hỏi mà lần lượt tôi đã tìm được câu trả lời sau khi đi đúng một vòng nước Canada để phỏng vấn những người con Việt Nam về chủ đề cũng như câu nói ‘Tôi là người Việt Nam’. Trong những bài viết sắp tới tôi sẽ cho các bạn biết về những điều mà tôi mới vừa tìm được này. Rất thú vị bạn ạ.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết, chúng ta thử nhìn lại bức tranh tổng quát của cộng đồng người Việt ở Canada.

Cũng theo Văn Phòng Thống Kê cho biết, có khoảng trên dưới 25% người Việt làm việc trong các hãng xưởng sản xuất; 11% ghi nhận là họ đang làm việc trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật; 6% làm managers và khoảng 10% có việc làm riêng, tự làm chủ.

Nếu so với người bản xứ thì số lượng người Việt trong tuổi đi làm và có công ăn việc làm là tương đương với họ: 62%.

Tuy nhiên, nếu so về con số thất nghiệp thì người Việt Nam có phần cao hơn. 9.3% so với 7.4% người bản xứ. Vào năm 2000, lương trung bình của người Việt cũng thấp hơn khá nhiều ($23,000 đô) so với tiền lương trung bình của người Canada ($30,000).

Về phương diện giáo dục, thống kê cũng cho thấy người Việt ở Canada có phần thua kém với người bản xứ, mặc dù đây không phải là một con số quá lớn. Có 13% người Canada gốc Việt khai là họ có bằng đại học hoặc hậu đại học trong khi đó con số cho người bản xứ là 15%.

Và có khoảng 45% người Việt khai là họ không có bằng trung học so với con số 31% của người bản xứ.

Vì vậy, nếu chỉ nhìn thoáng qua, có lẽ ai trong chúng ta cũng có thể thấy là nếu so với người bản xứ thì nhìn chung người Việt ở Canada vẫn còn có phần thua kém.

Nhưng có thật vậy không?

Sau khi tìm hiểu kỹ hơn cũng như thảo luận vấn đề này với một số người hiểu biết về các cộng đồng di dân khác thì tôi đã được cho biết là câu chuyện không hẳn đơn giản như vậy. Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những người mới đến, thí dụ như cộng đồng Việt Nam – họ đã phải trải qua những gì, họ đã mất mát những gì và hiện nay họ đã đạt được những gì – trước khi những con số được đưa ra để so sánh.

Và đấy là điều tôi muốn nói đến trong những bài viết tới.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG