Đường dẫn truy cập

Cựu binh sĩ Mỹ gốc Việt: ‘Tôi muốn trở lại giúp người dân Iraq’


Policeman stand guard as suspected rioters await a court hearing in Kaduna, Nigeria, April 20, 2011
Policeman stand guard as suspected rioters await a court hearing in Kaduna, Nigeria, April 20, 2011

Đại úy James Văn Thạch từng là quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên đảm nhận chức vụ cố vấn quân sự cho quân đội Iraq, nhằm giúp lực lượng này đảm trách nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, sau lần bị thương trong hai vụ tấn công, cựu binh sĩ 34 tuổi đã giã từ quân ngũ, trở về với những lo toan của cuộc sống đời thường tại thành phố New York. Mời quý vị nghe cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với Đại úy James Văn Thạch trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Có phải vì muốn theo đuổi sự nghiệp quân sự như bố (một cố vấn Hoa Kỳ cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa), mà anh gia nhập lực lượng bộ binh sau khi tốt nghiệp đại học luật?

Đại úy James Văn Thạch: Đúng. Đó chính là một trong các lý do đưa tôi gia nhập quân ngũ. Tôi muốn theo bước chân của bố tôi cũng như họ hàng bên ngoại từng chiến đấu trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau khi tốt nghiệp trường luật và cân nhắc hướng đi cho tương lai, tôi nghĩ rằng nếu tôi tham gia lực lượng bộ binh của quân đội Hoa Kỳ, tôi sẽ có thể sát cánh cùng với các quân nhân khác, cũng như chứng kiến trực tiếp những gì xảy ra trên chiến trường. Vậy nên, khi có thông báo tìm người tự nguyện sang Iraq làm cố vấn quân sự hồi đầu năm 2006, tôi đã xung phong ngay.

VOA: Khi còn tại ngũ ở Iraq, trước cảnh bom đạn như vậy, có khi nào anh lo sợ cho mạng sống của mình?

Đại úy James Văn Thạch: Tôi chưa từng lo sợ cho mạng sống của mình. Lúc đó tôi thường nghĩ tới những trải nghiệm chiến đấu của thế hệ trước trong gia đình tôi thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, như bố tôi và họ hàng bên ngoại. Họ đã sống sót sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ. Chính điều đó đã mang lại cho tôi sức mạnh nội tại, giúp tôi vững vàng hơn khi chứng kiến những nỗi đau xảy ra gần như hàng ngày trong hai năm làm nhiệm vụ ở Iraq.

Tôi nhớ, trong chuyến đi tới thủ đô Washington hồi tôi còn nhỏ, tôi tới thăm đài tưởng niệm chiến tranh và biết về sự hy sinh vì Hoa Kỳ của những người đã ngã xuống. Tôi cảm thấy rằng thật là điều tự hào khi trả nghĩa họ. Thêm nữa, tôi không có con, nên nếu tôi có hy sinh, tôi không cảm thấy tệ bạc vì bỏ lại con mình. Nhưng dĩ nhiên, tôi sẽ cảm thấy buồn vì để lại nỗi đau cho cha, mẹ tôi.

Đại úy James Văn Thạch và mẹ trong phòng thu của Đài VOA.
Đại úy James Văn Thạch và mẹ trong phòng thu của Đài VOA.

VOA: Chuyện gì xảy ra khi anh bị thương lần thứ hai (lần đầu là năm 2006) ở Iraq năm 2007?

Đại úy James Văn Thạch: Khi vụ tấn công bằng rocket xảy ra, tôi hoàn toàn bất tỉnh và không biết chuyện gì xảy ra đối với mình. Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện quân y ở thủ đô Baghdad. Ngày hôm sau, lúc tôi ở trong phòng chờ khi họ chuẩn bị đưa tôi sang Đức chữa trị, tôi thấy các binh sĩ Hoa Kỳ khác bị mất tay, chân, và có những người bất tỉnh, tôi quyết định ở lại. Tôi cảm thấy buồn trong lòng, bởi vì tôi vẫn có thể cử động tay, chân. Tôi vẫn có thể đi lại được. Tôi không muốn sang Đức.

VOA: Anh từng được báo chí trích lời nói rằng anh thấy có sự tương đồng giữa tình thế tại Iraq hiện nay và ở Việt Nam Cộng hòa hơn 30 năm trước. Vì sao anh lại nghĩ như vậy?

Đại úy James Văn Thạch: Tôi thấy có sự tương đồng về lời kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp ổn định đất nước của người dân Iraq cũng như đa phần người dân ở miền Nam Việt Nam trước đây. Họ đặt ra mục tiêu tương lai cho mình, và đề nghị Hoa Kỳ giúp đỡ, giúp đạt mục đích đó. Nhưng chúng ta đều biết, và lịch sử Hoa Kỳ cũng cho thấy rằng, hỗ trợ của Hoa Kỳ không phải là mãi mãi.

Sớm hay muộn, họ phải tự kiểm soát tương lai và số phận của mình. Cho nên điều quan trọng là chính phủ Iraq cũng như Afghanistan hiện nay phải nhớ rằng Hoa Kỳ dù là bạn hữu, nhưng trợ giúp của Hoa Kỳ không phải luôn luôn để ngỏ. Chính vì lẽ đó, ngay lúc này, họ phải tận dụng sự hỗ trợ, kiểm soát chính phủ, cải thiện các chương trình phát triển dân sự vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và người dân. Nếu không, họ sẽ tự tạo ra ung nhọt ở bên trong cơ thể mình và dưới tác động từ bên ngoài, họ bị phế truất, sụp đổ như chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

VOA: Đối diện với người dân Iraq, khi anh nói anh là người Hoa Kỳ gốc Việt Nam. Họ phản ứng như thế nào?

Đại úy James Văn Thạch:
Tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt họ. Họ hay nói với tôi về sự tương đồng trong thời kỳ Iraq trải qua sự áp bức của đế quốc Anh, còn Việt Nam là đế quốc Pháp, để giành độc lập tự do, nhưng các thế lực bên ngoài vẫn tìm cách kiểm soát sự ổn định chính trị của hai nước.

Ngoài ra, họ còn nhớ thời kỳ chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, chính phủ và người dân Việt Nam đã gửi tặng họ gạo, giúp tránh xảy ra một nạn đói tại Iraq. Họ rất biết ơn điều đó.

VOA: Vậy mỗi khi đọc hay nghe các tin tức về các vụ tấn công chết chóc thường xuyên xảy ra tại Iraq, anh nghĩ gì?

Đại úy James Văn Thạch: Tôi ước mình có thể trở lại đó, làm hết sức mình để giúp đỡ người dân Iraq, trong khi Washington vẫn còn cam kết trợ giúp. Tôi không muốn chứng kiến những gì tương tự xảy ra như đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Lúc đó, họ yêu cầu được trợ giúp từ Hoa Kỳ khi lực lượng này rời miền Nam Việt Nam, nhưng không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào.

VOA: Từng làm nhiệm vụ cố vấn cho Quân đội Iraq, anh có nghĩ rằng lực lượng này đủ sức đảm đương nhiệm vụ sau khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn vào năm 2011 hay không?

Đại úy James Văn Thạch: Tôi tin tưởng như vậy vì tôi từng hỗ trợ huấn luyện hai tiểu đoàn. Tôi thấy được ý chí và tinh thần quyết tâm của quân đội Iraq, chừng nào họ vẫn nhận được hỗ trợ cùng các sáng kiến ổn định đất nước từ chính phủ. Nó cũng giống như ý chí chiến đấu của các binh sĩ và quân nhân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhưng nếu không cảm thấy chính quyền hành động đúng đắn cũng như phát triển các dịch vụ công như trường học, điện nước và các nhu cầu thiết yếu khác cho người dân, họ sẽ mất tinh thần chiến đấu.

VOA: Giờ nhìn lại, anh nhớ nhất điều gì về quãng thời gian làm nhiệm vụ ở Iraq?

Đại úy James Văn Thạch: Tôi nhớ tới những mất mát của dân thường Iraq trước những cuộc tấn công của những kẻ khủng bố. Ngoài ra, tôi cũng không thể quên những quân nhân Iraq và Hoa Kỳ đã hy sinh mạng sống của mình để mang lại ổn định cho Iraq.

VOA: Vì chấn thương mà phải giã từ quân ngũ, hiện cuộc sống của anh ra sao?

Đại úy James Văn Thạch: Hiện nay, một hoặc hai lần một tuần, tôi tới bệnh viện dành cho các cựu chiến binh để chữa trị thương tích ở cổ, lưng và chân trái. Tôi cũng tới trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần để điều trị chấn thương tinh thần từ cuộc chiến vì tôi luôn gặp ác mộng về thời kỳ tôi ở Iraq cũng như hình ảnh của các binh sĩ Iraq và Hoa Kỳ đã bỏ mạng. Tôi được điều trị cả về tinh thần lẫn thể xác. Theo yêu cầu của bác sĩ, tôi phải uống khoảng 15 viên thuốc mỗi ngày.

Chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các thông tin hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG