Đường dẫn truy cập

Thành phố Mỹ vẫn muốn ‘kết nghĩa’ với Sóc Trăng dù bị phản đối


Ông Tony Chavonne nói rằng việc kết nghĩa với Fayetteville và Sóc Trăng 'sẽ mang lại lợi ích cho người dân cả hai thành phố'.
Ông Tony Chavonne nói rằng việc kết nghĩa với Fayetteville và Sóc Trăng 'sẽ mang lại lợi ích cho người dân cả hai thành phố'.

Thưa quý vị, trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, căn cứ Fort Bragg đặt tại thành phố Fayetteville, thuộc bang North Carolina, đã huấn luyện cho khoảng 200 nghìn binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến. Thành phố này còn được biết tới với tên gọi ‘Fayettenam’ khi các cuộc biểu tình phản chiến nổ ra. Fayetteville muốn rũ bỏ hình ảnh gắn với Chiến tranh Việt Nam nhiều thập kỷ qua, và nay Thị trưởng thành phố này, ông Tony Chavonne, bày tỏ mong muốn kết nghĩa với thành phố Sóc Trăng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cựu chiến binh sống tại Fayetteville đã lên tiếng cực lực phản đối. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với Thị trưởng Tony Chavonne trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Thưa ông, lý do nào khiến Fayetteville muốn kết nghĩa với một thành phố của Việt Nam?

Thị trưởng Tony Chavonne: Trước tiên tôi muốn nói một chút về lịch sử của Fayetteville. Thành phố của chúng tôi là nơi tọa lạc của Fort Bragg, một trong những căn cứ quân sự lớn nhất Hoa Kỳ. Chúng tôi có một cộng đồng quân sự lớn, gắn với quân đội và chính vì thế liên quan tới Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đó của cả hai nước. Thời chiến tranh, các binh sĩ được đưa tới đây trước khi được triển khai sang Việt Nam. Ngày đó và thậm chí cho tới giờ, Fayetteville vẫn còn được một số thành phần trong xã hội gọi là ‘Fayettenam’.

Ngoài cộng đồng quân sự, thành phố chúng tôi là nơi có cộng đồng đa sắc tộc cùng chung sống. Ngoài số dân lớn gốc Nam Triều Tiên và Đức, nước đồng minh truyền thống thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hiện có khoảng một nghìn người gốc Việt đang sinh sống tại thành phố của chúng tôi.

Thực ra chúng tôi đã kết nghĩa với một thành phố nhỏ của Pháp là Saint-Avold. Lý do thành phố này được chọn là bởi vì ở đó có một nghĩa trang quân sự và đó là nơi yên nghỉ của một công dân thành phố chúng tôi hy sinh trong thời kỳ Thế Chiến II. Đó là lý do dẫn tới quyết định của chúng tôi. Tôi sẽ tới viếng mộ ông khi tới nghĩa trang này trong tháng Năm. Sự kết nghĩa của chúng tôi với thành phố này đã mang lại những kết quả tốt đẹp.

VOA: Nhưng vì sao Sóc Trăng, chứ không phải một thành phố khác được lựa chọn, thưa ông?

Thị trưởng Tony Chavonne: Khi chúng tôi đưa ra đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington, đã có bốn thành phố khác của Hoa Kỳ kết nghĩa với các thành phố của Việt Nam. Thực ra lúc đầu chúng tôi đề xuất thành phố Buôn Mê Thuột trên vùng Tây Nguyên của Việt Nam.

Đơn giản chúng tôi muốn kết nghĩa với một thành phố đã có sẵn những liên hệ với Fayetteville mà thôi. Chúng tôi nghĩ rằng có thể có cựu chiến binh hiện sống ở thành phố của chúng tôi từng đồn trú tại nơi đó trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam nên mới đề nghị như vậy.

Rồi sau sáu tháng, chúng tôi nhận được phản hồi từ Đại sứ quán Việt Nam. Họ cho biết rằng thành phố Sóc Trăng bày tỏ mong muốn kết nghĩa với chúng tôi, và rằng từng có một căn cứ không quân của quân đội Hoa Kỳ tại đó. Sau đó, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng ba cựu chiến binh hiện sống ở thành phố của chúng tôi từng chiến đấu tại đó. Đích thân ông chủ tịch Sóc Trăng cũng đã mời tôi tới thành phố này.

VOA: Vậy ông có nhận lời mời đó không?

Thị trưởng Tony Chavonne: Tôi hy vọng chúng tôi có thể thực hiện được điều đó. Chúng tôi đang xúc tiến giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã và sẽ tiến hành các cuộc gặp với các nhóm cựu chiến binh khác nhau vì chúng tôi chủ trương thúc đẩy đối thoại trong cộng đồng. Nhưng nói chung, một trong các mục tiêu là chúng tôi mong chờ ngày có thể tới Sóc Trăng.

VOA: Theo ông mối quan hệ như vậy sẽ mang lại điều gì cho cả hai thành phố?

Thị trưởng Tony Chavonne: Tôi xin được nêu lên một ví dụ về lợi ích chúng tôi có được khi kết nghĩa với Saint-Avold của Pháp. Một số học sinh từ thành phố này sẽ tới thăm chúng tôi. Chúng tôi tổ chức chương trình giao lưu hàng năm. Mỗi năm, một số học sinh sang thành phố của chúng tôi và ăn ở cùng với các gia đình ở địa phương trong vòng mười ngày.

Năm sau, học sinh của thành phố chúng tôi sẽ sang Saint-Avold trong khoảng thời gian đó. Ngoài các em học sinh, sinh viên, thì hàng năm, các nhóm người dân hai thành phố cũng sang thăm lẫn nhau. Tháng Năm này, đích thân tôi sẽ dẫn đầu một phái đoàn sang Saint-Avold. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố sẽ mang tới các cơ hội để người dân đôi bên biết rõ hơn về văn hóa của nhau, tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế và học hỏi kinh nghiệm của nhau. Cho tới nay, tôi nghĩ mối quan hệ Fayetteville và Saint-Avold tương đối thành công.

Gần đây, khi tôi liên hệ với một trường đại học địa phương tham gia các dự án của chúng tôi, họ cho biết sẽ sang Việt Nam để tuyển học sinh trong thời gian tới. Chúng tôi nhận thấy rằng nền kinh tế toàn cầu đã giúp chúng ta liên hệ khăng khít hơn so với trước. Cá nhân tôi sinh ra ở Fayetteville và tôi có hai người cậu từng tham chiến ở Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của quân đội Hoa Kỳ thời gian đó. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng thời thế đã thay đổi. Cuộc chiến đã qua. Hợp tác thương mại rộng mở. Chính thành phố của chúng tôi và Hoa Kỳ giờ cũng cũng có nhiều đổi thay nhanh chóng.

VOA: Nhưng thưa ông, có không ít các cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh Việt Nam phản đối kế hoạch này. Suy nghĩ của ông ra sao?

Thị trưởng Tony Chavonne: Chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của dân chúng, trong đó một số người Mỹ gốc Việt đã tỏ ra quan ngại về chuyện này, vì đây vẫn còn là một vấn đề gây cho họ nhiều xúc động.

Điều tôi nói với họ cũng như các cựu chiến binh Hoa Kỳ là chúng ta có nên tận dụng cơ hội này để hàn gắn hay không? Liệu chúng ta có thể bỏ lại những điều đó sau lưng? Tôi biết đó là thời kỳ không lấy gì làm tốt đẹp đối với mọi người ở tất cả các bên tham chiến. Đó là giai đoạn nhiều người không có những kỷ niệm đẹp. Nhưng đó là chuyện của 40 năm trước. Giờ thì chúng ta có thể hàn gắn, và gạt bỏ mọi chuyện sang một bên và hướng lên phía trước với những câu hỏi như: Chúng ta có những điểm gì chung? Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau những gì? Chúng ta có thể hóa giải những xúc cảm tiêu cực còn tồn tại?

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng những tranh cãi và phản đối không phải là rộng rãi. Có một số cựu chiến binh mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích, nhưng tôi có thể nói rằng số người ủng hộ ý tưởng kết nghĩa với Sóc Trăng cũng ngang bằng so với số phản đối. Điều chúng tôi đang làm là gặp gỡ trực tiếp và trao đổi với những ai phản đối gay gắt nhất. Thật không may là thời điểm chúng tôi đưa ra đề xuất không thuận lợi lắm vì Hoa Kỳ đang bị phân cực và chia rẽ về các vấn đề chính trị, như liên quan tới dự luật cải cách y tế gần đây chẳng hạn. Tôi nghĩ một số người đã lợi dụng vấn đề kết nghĩa với Sóc Trăng để làm chính trị, với hy vọng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ làm một điều gì đó. Nhưng thật đáng tiếc, đây không phải là vấn đề chính trị, mà là chuyện về người dân..

Xin cám ơn ông. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn quý vị.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG