Đường dẫn truy cập

Việt Nam tiếp tục phá giá tiền Đồng


Nhân viên ngân hàng đếm tiền tại quầy giao dịch của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội.
Nhân viên ngân hàng đếm tiền tại quầy giao dịch của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới thông báo phá giá tiền Đồng thêm 1% và nâng biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 2% lên 3%.

Đây là động thái mới nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế của nước này.

Thông cáo của NHNN công bố hôm nay, 19/8, nói rằng việc điều chỉnh tỷ giá là để “tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới”.

Việt Nam đang phải trả nợ nước ngoài khá cao và nếu như mà nới rộng biên độ, tức là giảm giá đồng tiền Việt Nam thì dịch vụ phải trả nợ nước ngoài sẽ tốn kém nhiều hơn nữa. Đấy là điều mà Việt Nam cần phải tránh trong việc điều chỉnh sắp tới.
Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.

Bước đi mới nhất này được tiến hành 7 ngày sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 1% lên 2%.

Về quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét:

“Điều này cũng phù hợp với diễn biến của thị trường bởi vì Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ 2% thì lập tức các ngân hàng thương mại đã kịch trần ngay biên độ cho phép. Vì vậy cho nên, việc nới rộng biên độ ra để tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam là điều có thể giải thích được và dễ hiểu.”

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ đã được nâng từ mức 21.673 đồng đổi một đôla lên 21.890 đồng.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ gần 2%, xuống mức thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong ba năm qua. Mức phá giá 1,9% này được coi là mạnh nhất tại Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, gây tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới.

Về các khó khăn mà Việt Nam vấp phải khi liên tiếp phá giá tiền đồng, ông Doanh nhận định:

“Việt Nam đang phải trả nợ nước ngoài khá cao và nếu như mà nới rộng biên độ, tức là giảm giá đồng tiền Việt Nam thì dịch vụ phải trả nợ nước ngoài sẽ tốn kém nhiều hơn nữa. Đấy là điều mà Việt Nam cần phải tránh trong việc điều chỉnh sắp tới. Nếu như xuất khẩu tăng lên thì có khả năng thu ngân sách lại tăng hơn, và có khả năng bù lại thiệt hại về việc trả nợ công đó. Cho nên tôi ủng hộ quyết định của ngân hàng nhà nước có điều chỉnh tỷ giá theo những bước tương đối thận trọng chứ không phải làm dồn dập.”

Trong khi đó, tin tức từ trong nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng “bán ngoại tệ để can thiệp thị trường nếu cần”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Hà Nội nên có nhiều lo ngại rằng việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế của Việt Nam.

Thương mại hai chiều Việt - Trung đạt 59 tỷ đôla năm ngoái, trong đó Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt là 29 tỷ đôla.

Truyền hình vệ tinh VOA 18/8/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG