Đường dẫn truy cập

Nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển: Cần đấu tranh dân chủ để phát triển VN


Nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển tại Trại tù Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
Nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển tại Trại tù Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Hôm nay chúng ta sẽ cùng gặp gỡ nhân vật tranh đấu trẻ, Nguyễn Bắc Truyển, vừa được trả tự do sau 3 năm rưỡi tù giam vì các hoạt động bị chính quyền Việt Nam tố cáo là “tuyên truyền chống phá nhà nước” nhưng giới ủng hộ dân chủ gọi là cổ võ cho nhân quyền, dân chủ, và đa đảng.

Cuối năm 2006, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển và cũng là Giám đốc Công ty vận tải quốc tế Việt-Thịnh-Phát bị bắt cùng với các thành viên thuộc đảng Dân chủ Nhân dân có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đến tháng 5 năm 2007, anh bị kết án 4 năm tù giam. Ba tháng sau, bản án được tòa phúc thẩm giảm xuống còn 3 năm rưỡi. Cũng như trường hợp của các nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam, án tù dành cho anh cùng với những người đồng sự đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.

Ngày vừa ra tù, anh Truyển đã dành cho Tạp chí Thanh Niên cuộc trò chuyện ngắn về những tháng ngày bị giam cầm và những suy nghĩ của một người trẻ tại Việt Nam tranh đấu vì niềm tin và lý tưởng dân chủ.

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi ở phân trại 2, trại giam Xuân Lộc. Nơi đây có khoảng 40 tù nhân chính trị bị giam ở 4 nhà giam trong 1 khu. Phân ra thì mỗi nhà khoảng 6-7 người.

Trà Mi: Những tù nhân chính trị như anh vừa nói được định nghĩa như thế nào. Họ vi phạm những điều luật nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Thật ra, anh em tù thường phạm cũng hay gọi chúng tôi là tù nhân chính trị. Còn những người cảnh sát trại giam ít khi gọi chúng tôi là đội tù nhân chính trị. Họ thường gọi chúng tôi là phạm tội an ninh quốc gia.

Trà Mi: Việt Nam khẳng định không có tù nhân chính trị, nhưng điều này lại được hiểu một cách rộng rãi trong các trại giam, giữa những người tù với nhau. Xin cho Trà Mi được tìm hiểu là cái sự ngầm hiểu chung đó được dựa trên những cơ sở như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Chúng tôi được cách ly thành những khu riêng, không được giam chung với các anh em tù thường phạm hay tù hình sự. Và những quy chế quản lý chúng tôi thì cứng hơn các anh em tù hình sự. Chúng tôi thậm chí không được mang giấy bút vào buồng nữa mà. Nội quy thì cho phép, nhưng thực tế thì không, vì trại giam sợ chúng tôi dùng giấy viết thực hiện những công việc gì mà họ không quản lý được đó.

Trà Mi: Những tù nhân chính trị được giam chung một khu chung quy là phạm những điều luật như 88 hay 79 phải không ạ?

Nguyễn Bắc Truyển:
Dạ, trong đó có các tội danh như “tuyên truyền chống phá nhà nước”, “đi nước ngoài âm mưu lật đổ chính quyền”, nặng nhất là bị gán cho tội danh “khủng bố”.

Trà Mi: Một vài nhân vật được nhiều người biết đến bị giam chung một khu vực chung với anh gồm có những ai?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi bị giam chung với anh Lê Nguyên Sang, người chung một vụ án với tôi. Anh Sang còn 3 tháng nữa là mãn hạn tù 4 năm. Tôi là đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân, cũng là một thành viên của 8406. Các thành viên 8406 bị giam chung khu này có anh Trần Quốc Hiền, Trương Quốc Huy, Phạm Bá Hải, những người mà anh em gọi là những người dân chủ mới, vì đa số các anh em còn lại đã ở tù trên 10 năm rồi. Khu của chúng tôi được quản lý riêng rẽ với tù thường phạm. Trong khu này chia làm 4 nhà. Mỗi nhà khoảng 6-6 người sinh hoạt chung. Từ hôm Tết âm lịch, trại giam mở cửa thường xuyên. Chúng tôi có thể qua lại 4 khu buồng đó bất cứ lúc nào cũng được, trừ giờ họ đóng cửa buồng thôi.

Trà Mi: Những ngày tháng anh bị giam trong 3 năm rưỡi qua như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Theo từng thời kỳ. Thời kỳ tạm giam thì thật là khó cho tôi, bởi điều kiện nhốt quá ngặt nghèo. Nó giống như 1 cái hộp quẹt. Tôi thở không được. Nó quá kín, chỉ có những lỗ thông gió rất nhỏ. Sau khi xử án xong, họ chuyển tôi qua buồng lớn hơn thì có đỡ hơn tí. Sau đó, họ chuyển tôi vào Chí Hòa, rồi lên Bố Lá, rồi chuyển lên trại giam chính thức là trại giam Xuân Lộc. Tôi ở phân trại 1 khoảng 8 tháng thì họ chuyển tôi vào phân trại 2, tức khu giam riêng. Lúc đó, tôi bị biệt lập luôn, không còn gặp những người tù hình sự. Kể từ tháng 7/2009, trại K2 mới được xây. Chúng tôi được chuyển về trại K2 mới cùng với một số anh em ở phân trại K3 chuyển vào.

Trà Mi: Ngoài điều kiện sinh hoạt trong tù, tù nhân được đối đãi trong trại giam như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi chỉ xin phép nói về tù chính trị. Về điều kiện thì chị cũng biết rồi, tù Việt Nam họ chỉ cấp chủ yếu là cơm thôi. Thực phẩm thì một tuần họ cho 2 lần thức ăn mặn. Còn bao nhiêu mình phải tự lo, gia đình phải gửi vào. Trại giam họ chia 4 buồng giam của chúng tôi thành 2 đội. Đội 1 là những người bệnh tật, lớn tuổi, ở nhà. Đội trẻ hơn thì họ giao cho 1 miếng đất để chúng tôi canh tác. Chúng tôi trồng rau quả, trái cây, đem về phân phát cho các anh em ở nhà, san sẻ với nhau trong cuộc sống.

Trà Mi: Gia đình, người thân được tiếp xúc, thăm gặp mức độ thường xuyên ra sao?

Nguyễn Bắc Truyển: Theo quy định, mỗi tháng được thăm gặp một lần. Ban đầu họ cũng quy định rất ngặt nghèo rằng mỗi người được 5 kg thôi. Sau đó, chúng tôi đấu tranh, phân tích sự bất hợp lý của việc chỉ được nhận 5 kg thực phẩm, thì họ cũng chấp nhận cho chúng tôi tương đối thoải mái.

Trà Mi: Lúc nãy anh có nói rằng ngay cả giấy bút cũng không được mang vào buồng giam. Thế còn các nhu cầu về đọc sách báo hoặc học hỏi thêm trong trại giam thì như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Trước đây trại giam không cho phép, nhưng kể từ khi chúng tôi đấu tranh, họ mới cho chúng tôi thêm các loại báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Tuy nhiên, các loại báo Công an, An ninh, Pháp luật, chúng tôi không được đọc.

Trà Mi: Thế còn các ấn phẩm về tôn giáo thì sao?

Nguyễn Bắc Truyển: Không, dĩ nhiên không rồi, họ không chấp nhận các ấn phẩm tôn giáo. Họ không cho phép đem vào đâu.

Trà Mi: Sau khi được trả tự do, cảm nhận đầu tiên của anh như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi thấy rất bình thường bởi vì bản án của tôi 3 năm 6 tháng, ngắn thôi. Còn những anh em khác ở trong đó mới thật sự nặng. Đa số bị kêu án trên 10 năm. Có người như anh Nguyễn Hữu Cầu bị chung thân, anh Trần Văn Thiên bị 19 năm. Họ nay trên 70 tuổi hết rồi. Thành ra tôi thấy bản án tù của tôi so với các anh em đó thật sự là không bằng gì, không thấm thía gì đối với họ cả.

Trà Mi: Về tình hình dân chủ của Việt Nam hiện nay, mục tiêu mà anh đã dấn thân tranh đấu, so với 3 năm về trước, trước khi anh vào tù, anh có nhận xét như thế nào?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi thấy có một điều qua vụ án của anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định. Anh Định trước đây là bạn tôi, học chung khoa luật với tôi ở đại học Tổng hợp. Tôi thấy việc xét xử anh Thức bản án 16 năm là việc làm hết sức tàn nhẫn trong thời điểm này. Còn việc mình đã dấn thân thì mình đã chấp nhận bị ở tù rồi, mình không ngại chuyện đó. Nhưng chuyện kêu án anh Duy Thức 16 năm, theo tôi, là một việc làm hết sức tàn nhẫn. Chúng tôi, những người tù chính trị, không có cơ may được giảm án. Những người tù thường phạm có thể được giảm án bởi vì họ nhận tội. Còn chúng tôi, mỗi lần kiểm điểm, chúng tôi đều nói chúng tôi vô tội. Vì vậy, chúng tôi không có cơ hội được giảm án.

Trà Mi: Mục tiêu mà anh hướng tới đã mang lại cho anh kết cục như vậy, với bản án 3 năm rưỡi tù giam như thế, anh đã rút ra cho mình bài học gì, nghiệm ra điều gì cho bản thân sau bản án đó?

Nguyễn Bắc Truyển: Câu này chị hỏi tôi cũng hơi khó thật bởi vì tôi thấy việc mình làm, đã dấn thân thì phải chấp nhận chuyện tù đày, đó là điều đương nhiên thôi. Tôi chẳng có gì ân hận cả, chẳng có gì nuối tiếc cả. Mặc dù sự nghiệp kinh doanh của tôi đang đi giữa đường bị gãy đổ, có thể phải bắt đầu lại từ đầu sẽ khó khăn hơn, nhưng tôi không có gì nuối tiếc hết.

Trà Mi: Không gì nuối tiếc, nhưng có bài học nào anh đã nghiệm ra không?

Nguyễn Bắc Truyển:
Bài học cho việc đấu tranh của mình thì có nhiều, nhưng tôi xin được giữ lại trong đầu vì chưa thể chia sẻ được.

Trà Mi: Bây giờ sau bản án 3 năm rưỡi tù giam đó, cái mục tiêu anh theo đuổi, cái niềm tin mà dẫn tới kết cục đó, có thay đổi chăng?

Nguyễn Bắc Truyển: Nó vẫn chưa thay đổi. Nó vẫn còn. Việc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cần phải được làm vì điều đó rất cần thiết cho công cuộc phát triển đất nước Việt Nam.

Trà Mi: Tin tưởng vào niềm tin đó, làm thế nào để không bị phạm pháp, không vi phạm điều 88 hay 79?

Nguyễn Bắc Truyển: Điều này khó lắm. Có thể những bản án rất gán ghép và chụp mũ, mình phải chịu thôi, chứ còn tránh thì tôi không biết sao để tránh hết, vì tôi nghĩ những hành động mình làm đâu có gì quá trớn đâu, đối với các nước dân chủ thì đâu có gì quá trớn đâu. Thành ra, tôi không biết làm sao để tránh hết chị Trà Mi ơi.

Trà Mi: Những gì anh đã làm dẫn tới bản án này, bị quy là vi phạm điều 88, những việc làm đó là gì?

Nguyễn Bắc Truyển: Thứ nhất, tôi viết thư cho ông Nguyễn Minh Triết, yêu cầu ông trưng cầu dân ý về chế độ lãnh đạo của đảng cộng sản tại Việt Nam. Tôi viết một bức thư gửi cho bà Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Mỹ, để kêu gọi thúc đẩy Việt Nam thả tù chính trị. Một lá thư khác tôi gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, yêu cầu ông thúc đẩy dân chủ cho Việt Nam. Thứ hai, tôi tham gia đảng Dân chủ Nhân dân, họ nói đó là một đảng chống đối nhà nước, là một tổ chức khủng bố. Họ gán ghép như vậy.

Trà Mi: Việt Nam không chấp nhận đa đảng. Là một người sống trong Việt Nam mà anh tham gia vào một đảng khác ngoài đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc anh cũng đã liệu cho mình rằng những việc này có thể bị cho là phạm pháp?

Nguyễn Bắc Truyển: Hiến pháp Việt Nam đâu có cấm người ta tham gia chính trị, tham gia đảng phái. Công dân được quyền làm những gì nhà nước không cấm. Công chức nhà nước thì ngược lại, chỉ được làm những gì nhà nước cho phép. Cho nên, tôi nghĩ rằng, thật sự đối với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi cũng không có gì sai phạm. Đối với Hiến chương Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã ký kết, tôi cũng đâu có gì sai phạm. Việc tôi tham gia đảng Dân chủ Nhân dân, tôi chẳng có gì sai phạm với Hiến pháp Việt Nam cả.

Trà Mi: Tuy nhiên, một số thành viên của đảng này bị tố cáo là âm mưu khủng bố Tòa lãnh sự Mỹ ở TPHCM..

Nguyễn Bắc Truyển: Khi tôi vô trại tạm giam thì bên an ninh họ mới nói với tôi rằng “Tổ chức của anh là khủng bố, tính đặt bom Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc Cơ quan an ninh điều tra TPHCM số 4 Phan Đăng Lưu.” Họ gán ghép như vậy, họ cũng chẳng có bằng chứng gì hết. Tôi cũng trả lời với họ rằng “Các ông đừng nói như vậy, nói như vậy tôi khinh lắm. Chẳng thà chúng ta nói thẳng, lật bài ngửa nói chuyện với nhau, chứ đừng gán ghép như vậy. Tôi khinh bỉ những lời nói như vậy lắm.”

Tôi cũng cảm ơn bà con Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến anh em tù chính trị. Không có sự can thiệp đó thì chúng tôi chắc sẽ khó khăn lắm, có thể là không thể tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt như vầy.

Trà Mi:
Xin chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho chúng tôi trong buổi nói chuyện này.

Tạp chí Thanh Niên xin được tạm khép lại tại đây để quý thính giả còn thưởng thức những tiết mục khác của chương trình Việt Ngữ VOA hôm nay. Trà Mi thân mời bạn nghe đài đón nghe những câu chuyện mới hằng tuần trên Tạp chí Thanh Niên, các bạn nhé. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG