Đường dẫn truy cập

VN tăng cường thương mại, quan hệ khu vực 35 năm sau cuộc chiến


35 năm đã trôi qua kể từ ngày lực lượng Bắc Việt chiếm quyền kiểm soát thành phố Sài gòn, lúc đó là thủ đô của Nam Việt Nam, kết thúc cuộc chiến đẫm máu kéo dài trong nhiều năm. Ngày nay một nước Việt Nam thống nhất chú trọng tới cải tổ kinh tế thị trường tự do trong khi vẫn duy trì hệ thống chính trị cộng sản. Theo thông tín viên kỳ cựu Gary Thomas của đài VOA hệ thống đó là những rào cản trong việc thiết lập những quan hệ mật thiết hơn và giao thương nhiều hơn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, quốc gia cựu thù của Việt Nam.

Ngày nay thì nước Việt Nam quan tâm đến đồng đô la nhiều hơn là chiến tranh và hòa bình. Các vấn đề kinh tế và thương mại chiếm phần lớn những quan tâm của chính phủ. Và nó cũng chiếm phần lớn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhưng kể từ năm 1975, mọi chuyện không dễ dàng cho Việt Nam. Không những họ chỉ phải tái thiết sau cuộc chiến, mà còn phải ứng phó với một thế giới đang thay đổi, trong đó nước đàn anh hàng đầu của họ là Liên Xô, đã sụp đổ, và hệ thống chính trị cộng sản mà Liên Xô bảo trợ tan rã gần hết.

Chuyên gia Frederick Brown, thuộc trường Nghiên Cứu Cao Đẳng Quốc Tế thuộc đại học John Hopkins tại Washington nói rằng Việt Nam không có mấy chọn lựa ngoại trừ chuyện buộc lòng phải thích ứng.

Ông Brown nhận định: “Với tình hình không thể tránh được sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và cộng sản Đông Âu, Năm 1986 Việt Nam thực sự đứng trước ngã ba đường. Họ phải từ bỏ mô hình kinh tế kiểu Mác Xít. Và đó là điều họ đã làm tại Đại Hội Đảng lần thứ sáu vào năm 1986. Đó là khởi thủy cho một cuộc tiến hóa lạ lùng vẫn còn diễn ra cho đến ngày hôm nay.”

Cuộc cải tổ, hay đổi mới, đã được chấp thuận tại đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1986.

Giống như nước láng giềng phương bắc là Trung Quốc, Việt Nam đã cởi trói kinh tế và tìm cách chiêu dụ đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong lúc vẫn duy trì một nhà nước độc đảng. Cải tổ chính trị không đi đôi với cải tổ kinh tế.

Có thể sự tiến hóa của Trung Quốc đã khơi nguồn cho cuộc cải tổ của Việt Nam. Nhưng theo các nhà phân tích thời cuộc thì sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy Việt Nam phải tiến tới với các nước khác tại châu Á và Hoa Kỳ.

Ông Ernest Bower, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại Washington, nói rằng những lo ngại của Việt Nam đối với Trung Quốc là yếu tố chính để nước này gia nhập vào Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á tức ASEAN, năm 1995, cũng là năm khi Việt Nam bình thường hóa bang giao với Hoa Kỳ.

Ông Bower nói: “Việt Nam gia nhập ASEAN vì họ tin rằng ASEAN sẽ là một khối đáng kể có thể liên kết để chống lại áp lực và sự quyết đoán của một nước Trung Quốc đang lên và hay can dự vào nhiều vấn đề. Và tôi nghĩ là Việt Nam thực sự là một thành viên rất mạnh của ASEAN, điều này gây ngạc nhiên ngay cả cho những nước hội viên đã gia nhập khối này từ đầu.”

Theo nhà nghiên cứu Frederick Brown thuộc đại học Johns Hopkins thì thương mại là nền tảng cho các quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.

Nhưng ông nói thêm là ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc vẫn là mối lo ngại cho giới lãnh đạo Việt Nam trong lúc Hà Nội tìm cách cân bằng giữa hai thế lực Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Brown nhận định: “Tại Việt Nam có rất nhiều cán bộ chính trị của chính họ rất lo ngại về mối quan hệ với Hoa Kỳ. Có một câu ngạn ngữ từ lâu nói rằng:”Thân cận quá với Trung Quốc thì mất nước, mà gần gũi quá với Hoa Kỳ thì có thể mất đảng! (Cộng Sản).”

Nhưng vấn đề nhân quyền gây phức tạp cho chiều hướng xích tới gần hơn trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là trong ý muốn được đối xử đặc biệt về thương mại và những quan hệ kinh tế khác.

Những nỗ lực thu hút thêm đầu tư nước ngoài cũng gặp trở ngại vì nạn thư lại, cửa quyền và nạn tham nhũng.

Nhà phân tích thời cuộc Ernest Bower nói rằng nạn tham nhũng khủng khiếp đã được ngăn chặn bớt, nhưng vấn đề vẫn còn đó.

Ông Bower cho biết: “Nạn tham nhũng to lớn đã được ngăn chặn đáng kể vì đảng Cộng Sản thấy rằng tham nhũng qui mô lớn là một nguy cơ cho chính sự sống còn của đảng. Nhưng vẫn còn đầy rẫy nạn quan liêu, cửa quyền. Đến làm ăn tại Việt Nam rất khó xong việc. Người ta phải chạy chọt qua rất nhiều cửa. Và tham nhũng ở qui mô nhỏ hơn vẫn đầy rẫy khắp nơi, đó là một vấn đề rắc rối.”

Mới đây chính phủ Việt Nam đã đề nghị một chương trình để dẹp tham nhũng có tên là “Dự án 30,” dự án này buộc các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trong việc tinh giản các thủ tục hành chính và gia tăng tính minh bạch trong guồng máy công quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG