Đường dẫn truy cập

Việt Nam cứu xét dự án xây đập thủy điện trong Vườn quốc gia Cát Tiên


Vườn quốc gia Cát Tiê
Vườn quốc gia Cát Tiê

Số phận của một trong các công viên quốc gia quan trọng nhất của Việt Nam sắp được định đoạt trong tuần này, giữa lúc chính phủ Việt Nam đang quyết định liệu có nên ủng hộ một kế hoạch để xây 2 đập thủy điện trong khu vực này hay không.

Nằm giữa hai cánh đồng lớn và chỉ cách thành phố HCM, thành phố lớn nhất Việt Nam, có 161 km về hướng đông-bắc, Vườn quốc gia Cát Tiên cung cấp một khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi cho đời sống hoang dã.

Khu vực bao gồm một diện tích rộng gần 80.000 hecta rừng rậm và các khu đầm lầy rộng lớn, là nơi cư trú của các động vật quý hiếm như loài douc langur và culi tí hon (pigmy slow loris), và hơn 100 động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng khác.

Nhưng khu vực này phần lớn có thể thay đổi nếu chính phủ Việt Nam chấp thuận kế hoạch xây 2 đập thủy điện trên sông Đồng Nai, chảy qua vườn quốc gia Cát Tiên. Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ nhì ở miền Nam.

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, ông Trần văn Thành, khuyến cáo kế hoạch đó sẽ tác động nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học tại đây. Ông nói:

“Nếu họ xây đập, nhiều xe tải sẽ được sử dụng trong công trình xây cất, và điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều người hơn lui tới khu vực này để làm việc. Những người đó sẽ phá hủy rừng và sử dụng các sản phẩm lâm nghiệp. Họ có thể dùng tới thuốc nổ để khai quật vật liệu. Họ sẽ gây nhiều tiếng động, sẽ xây đường sá. Họ sẽ tác động rất nhiều tới đời sống hoang dã.”

Nếu được thông qua, dự án xây đập Đồng Nai 6 và 6A sẽ khởi công vào năm 2015.

Giới đầu tư nói rằng các đập thủy điện có công suất 241 megawatt sẽ có tác động tối thiểu đối với môi trường. Tổng cộng 372 hecta rừng ở 4 tỉnh sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trong đó đó chỉ có 137 hecta là đất của Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Bất chấp những lời trấn an đó, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai, nói ông chống đối kế hoạch này. Ông nói:

“Không nên làm. Mặc dù cũng có các hiệp hội nghề nghiệp cho rằng nên làm. Tôi có về tôi nói, tôi yêu cầu các hiệp hội nên đứng ra để dàn xếp theo dõi, để có tiếng nói chung, chứ hiện nay như một số hội thì ủng hộ, một số hội không ủng hộ. Thế rồi khuynh hướng các báo phía Bắc thì ủng hộ, báo phía Nam không ủng hộ. Tôi cho là nên làm cho rõ ra. Với tư cách là người đại biểu của cái địa phương ấy thì tôi thấy người dân tại đấy họ cho là không nên làm.”

Trong một thông cáo phổ biến hồi tháng 9, Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam đã gây xôn xao dư luận báo chí địa phương, khi hội tuyên bố ủng hộ kế hoạch xây đập.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên nói các con đập sẽ không được xây tại trung tâm vườn quốc gia, và do đó sẽ không phương hại đến khu đa dạng sinh thái cốt lõi của vùng này.

Giám đốc vườn quốc gia không đồng với quan điểm đó. Ông Trần văn Thành lập luận rằng trong tình hình khoảng 200.000 người hiện đang sinh sống quanh vườn quốc gia, những hoạt động của con người chưa gì đã tăng tới mức báo động rồi. Bất cứ sức ép nào khác, theo ông, sẽ có tác động vô cùng nghiêm trọng. Ông nói:

“Nhiều người đến hơn thì càng khó bảo vệ khu vực này hơn. Hiện giờ mỗi năm chúng tôi đã chứng kiến từ 300 tới 500 trường hợp vi phạm, người vào rừng lấy lâm sản. Mỗi năm chúng tôi thu hồi rất nhiều bẫy để săn thú và súng ống. Ví dụ, hồi năm ngoái chúng tôi thu hồi được khoảng 25.000 bẫy, và khoảng 20 khẩu súng của những kẻ săn thú.”

Nhiều người khác nêu lên nhu cầu về năng lượng của Việt Nam để bênh vực cho dự án này. Với dân số ngày càng tăng, và kinh tế ngày càng phát triển, mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam được dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới.

Riêng nhu cầu điện lực đang tăng với tỉ lệ khoảng 15% mỗi năm.

Ông Võ văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai nói rằng giới thẩm quyền nhận thức được những lập luận khác biệt vây quanh dự án xây đập thủy điện. Ông Chánh nói:

“Nói chung, chúng tôi cũng mới tổ chức, ủy ban tỉnh thì ông ấy cũng nghe nhiều thông tin trái chiều. Để làm rõ mức độ ảnh hưởng bởi 2 cái đập này thì nó không nằm trên đất Đồng Nai, mà Đồng Nai thì nằm ở hạ lưu của 2 đập này, cho nên ông ấy nghe nhiều thông tin trái chiều về tác động, cho nên ông ấy giao cho Sở Bảo vệ Môi trường chủ trì một buổi hội thảo khoa học để đánh giá xem nó có ảnh hưởng gì trên địa bàn Đồng Nai. Hôm qua, chúng tôi tổ chức hội thảo, qua ý kiến đó chúng tôi cũng đang ngồi lọc lại tổng hợp để chuẩn bị báo cáo lên ủy ban. Ủng hộ hay phản đối thì mình cũng phải nhìn nhận một cách khách quan. Qua cái hội thảo này thì tích cực cũng có mà tiêu cực cũng có, mình đang rà lại hết để coi những gì là tích cực, những nội dung gì là tiêu cực, những cái tiêu cực đó có thể hạn chế, giảm thiểu được hay không. Mình đề nghị, rồi phải xem xét cho nó kỹ lưỡng. Mới hôm qua thôi, hôm nay chúng tôi đang tập trung đọc các bài tham luận để nghiên cứu sâu hơn.”

Tình trạng của rất nhiều động vật có nguy cơ tuyệt chủng hiện đã đến mức báo động, với một thị trường chợ đen buôn bán các vật quý hiếm để chế thuốc cổ truyền, và việc khai thác lâm sản của các cộng đồng địa phương.

Mới tuần trước, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên, cùng với các giới chức vườn quốc gia Cát Tiên, loan báo một trong các động vật nổi tiếng nhất của vườn quốc gia này, con tê giác Java, giờ đây đã hoàn toàn bị tuyệt chủng. Xác con tê giác Java cuối cùng mà người ta biết đến ở Việt Nam đã được phát hiện hồi năm ngoái, với một vết đạn trên chân, và sừng bị cưa.

Một số người e rằng nếu phe xây đập thắng thế, và các đập thủy điện được xây, thì nhiều loại động vật quý hiếm sẽ chung số phận với loài tê giác Java.

VOA Express

XS
SM
MD
LG