Đường dẫn truy cập

Việt Nam có thể mua chiến hạm Mistral của Pháp


Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp.
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp.

Một chuyên gia hàng đầu trong công nghiệp quốc phòng Nga tin rằng Ấn Độ và Việt Nam có thể mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral mà Pháp đã từ chối giao cho Nga, theo hợp đồng mà hai nước đã ký trước đó.

Một trang mạng về quốc phòng của Nga dẫn lời ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga cho biết như vậy khi nói chuyện với hãng tin TASS của Nga.

Hồi tuần trước, Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã đồng ý hủy hợp đồng để giao hai tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp mà hai nước đã ký vào mùa hè năm 2011.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây đã gợi ý rằng có một số quốc gia đã bày tỏ ý định mua các tàu chiến này của Pháp.

Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Pukhov nói một giả thuyết hợp lý là Pháp sẽ đề nghị bán các tàu chiến Mistral cho các nước khác, những nước đã có kế hoạch sắm loại chiến hạm này trong chương trình nâng khả năng của lực lượng hải quân của họ, hoặc Pháp có thể bán các chiến hạm này với giá hạ cho các nước lâu nay vẫn mua khí tài của Pháp'.

Ông Pukhov nhận định Ấn Độ là nước đầu tiên trong những nước có khả năng mua chiến hạm Mistral, giữa lúc New Dehli đã bày tỏ ý muốn mua một chiếc và xây thêm 3 tàu đổ bộ loại này tại các xưởng đóng tàu của Ấn Độ.

Trang mạng tin tức quốc phòng của Nga cho hay Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối bình luận về bản tin của hãng thông tấn Tass. Nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với trang mạng RBTH rằng hãy còn quá sớm để Ấn Độ và Pháp thương thuyết một thoả thuận về chiến hạm Mistral vì hai nước hiện vẫn chưa kết thúc việc bán phi cơ Rafale cho Không quân Ấn Độ.

Theo chuyên gia quốc phòng Nga, Việt Nam cũng có ý định mua lại chiến hạm Mistral.

Trang mạng RBTH dẫn lời ông Nguyễn Phú Loan, một nhà phân tích tại Hà nội nói rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi thoả thuận mùa tàu chiến Mistral, nếu không tham vấn trước với Nga. Ông Loan được trích lời nói rằng “Chúng ta phải hiểu rằng giới lãnh đạo Việt Nam không muốn làm Nga bất bình, bởi vì Nga là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam.” Ông cho rằng Trung Quốc cũng có thể là một nước có khả năng mua chiến hạm Mistral.

Ông Loan cho biết vấn đề về các chiến hạm Mistral sẽ được thảo luận giữa Việt Nam và Pháp ở Paris trong năm nay. Trang mạng quốc phòng của Nga cho hay họ không liên lạc đươc với Bộ Quốc phòng Việt Nam để yêu cầu bình luận về bản tin này.

Trong khi đó, trang mạng Sputniknews dẫn lời Đại diện chính thức của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới- gọi tắt là TSAMTO, nói với tờ Rio Novosti rằng Nga đã chuyển giao cặp máy bay Su-30 MK2 thứ ba cho Việt Nam. Bản tin cho biết Căn cứ Không quân Việt Nam tại Đà Nẵng đã nhận hai máy bay Su-30 trong khuôn khổ một hợp đồng với Nga.

Theo nguồn tin này, hợp đồng cung cấp 12 chiếc Su-30MK2 trị giá khoảng 600 triệu đôla đã được ký kết hồi năm 2013. 6 chiếc còn lại sẽ được giao trước cuối năm nay, nâng tổng số máy bay loại này của Không quân Việt Nam lên 36 chiếc.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA Việt ngữ, bà Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nói rằng cuộc chạy đua vũ khí trong khu vực đã được khơi lên bởi những hành động ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền trên hầu hết Biển Đông.

Bà Phương Nguyễn nói: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc càng tỏ ra quyết đoán bao nhiêu thì càng có khả năng thái độ ấy sẽ khích động các nước tham gia một cuộc thi đua vũ khí trong khu vực, chúng ta đang chứng kiến không những các nước ở tuyến đầu trong cuộc tranh chấp như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines dẫn đầu xu hướng này, mà cả những nước không mấy quyết liệt đòi chủ quyền tại đây như Malaysia, và cả những nước không đòi chủ quyền nhưng có quyền lợi gắn liền với khu vực như Indonesia, đang tăng cường khả năng quân sự để có thể đáp ứng tốt hơn trước những hành động gây hấn trên Biển Đông.”

- Thưa liệu cô có lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong bối cảnh tất cả các nước liên quan hay có lợi ích gắn liền với Biển Đông đều tìm cách thủ đắc công nghệ quốc phòng và vũ khí tiên tiến hơn?

- Nguy cơ xảy ra xung đột dù cố ý hay vì tai nạn, luôn luôn có đó, nhất là trong lúc này khi mà Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ đóng một vai trò chủ động hơn trong cuộc tranh chấp, và nhất là giữa lúc nhiều người đang tự hỏi liệu Hải quân Hoa Kỳ có thể thực hiện các hoạt động để bảo vệ quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo tân tạo của Trung Quốc trong Biển Đông. Nếu diều đó xảy ra thì theo tôi, không phải là có khả năng xung đột xảy ra hay không, mà bao giờ thì nó xảy ra.

Nhà nghiên cứu nói rằng rất khó có thể nói là xung đột sẽ xảy ra ở nơi nào, nhưng nghiêm trọng nhất là nếu vì tai nạn hay cố ý có sự đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phương Nguyễn hiện cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), và là tác giả của nhiều bài tham luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với các nước ASEAN, và nền ngoại giao Trung Quốc.

Theo RBTH, Sputniknews.

Truyền hình vệ tinh VOA 8/8/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG