Đường dẫn truy cập

Viet Psychology – khát khao phổ biến ngành Tâm lý tại Việt Nam


Cô Lan Trần, Chủ tịch Viet Psychology tại buổi giao lưu với sinh viên khoa Tâm lý tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM 14.09.2012.
Cô Lan Trần, Chủ tịch Viet Psychology tại buổi giao lưu với sinh viên khoa Tâm lý tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM 14.09.2012.
Nếu như ngành Tâm lý là một ngành học rất phổ biến và lâu đời ở Mỹ, thì ở Việt Nam, Tâm lý vẫn còn khá xa lạ không chỉ với các bậc phụ huynh, mà còn với ngay cả các bạn học sinh, sinh viên. Tổ chức Viet Psychology ra đời được hơn một năm, được thành lập và dẫn dắt bởi các bạn sinh viên Việt Nam hiện đang du học ở Mỹ. Tuy là một tổ chức còn non trẻ nhưng Viet Psychology đang ngày càng lớn mạnh vì ngọn lửa đam mê ngành Tâm lý và mong muốn phổ biến lĩnh vực này tại Việt Nam luôn hừng hực cháy trong con người từng thành viên của Viet Psychology.

Ngày hôm nay, Ban Việt ngữ đài VOA vừa được tiếp xúc và lắng nghe những chia sẻ về Viet Psychology với bạn Trần Nam Phương Bảo Ngọc, phụ trách phát triển quan hệ của Viet Psychology.

VOA: Trước tiên bạn có thể giới thiệu ngắn gọn về bạn và các thành viên chủ chốt trong Viet Psychology được không?
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:09 0:00
Tải xuống

Bảo Ngọc: Mình tên Trần Nam Phương Bảo Ngọc. Ban điều hành của nhóm bao gồm bạn Lan Trần, hiện đang học tại Green Mountain College, chuyên ngành Tâm lý học. Ngoài ra, Viet Psychology còn hai phó chủ tịch là mình, Bảo Ngọc, chịu trách nhiệm phát triển quan hệ, và bạn Trang Linh chịu trách nhiệm về content development – phát triển nội dung.

VOA: Điều gì đã gắn kết các bạn lại với nhau và thúc đẩy các bạn cùng nhau lập nên trang Viet Psychology?

Bảo Ngọc: Lúc đầu bọn mình đến với VietPsych là khá tình cờ. Mới mùa hè năm trước mình về Việt Nam và tham gia một vài buổi giao lưu của cộng đồng sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Khi đó mình có gặp Lan, là trưởng nhóm của VietPsych hiện giờ. Lúc đó Lan có hỏi thăm xung quanh để xem có ai cùng chuyên ngành Tâm lý với Lan không. Lúc đó ở Việt Nam, mình thường chỉ nhắc tới chuyên ngành chính của mình là Kinh Doanh, ít khi nói tới tâm lý, tại vì mình nghĩ Tâm lý không được phổ biến lắm tại Việt Nam. Nhưng mà khi gặp được Lan thì tụi mình nói chuyện rất hợp và tụi mình rất mừng. Lan có nói vui là mình nên lập một fanpage hội những người yêu quý Tâm lý học trên facebook, để có thể liên kết với các sinh viên khác cùng ngành. Nhưng sau đó Lan đã quyết định tạo ra một tạp chí trên mạng vì Lan trước đó có viết rất nhiều bài thể hiện quan điểm trên trang blog cá nhân dựa trên những kiến thức tâm lý học, và nhận được rất nhiều sự quan tâm; nên Lan đã nói là tại sao mình không chia sẻ những kiến thức Tâm lý mình được học tại Mỹ để chia sẻ với người đọc ở Việt Nam vì họ ít có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu khoa học, tạp chí hay từ Mỹ. Tâm lý học chưa được phổ biến ở Việt Nam, trong khi rất nhiều ứng dụng từ lĩnh vực này có thể giúp ích cho nhiều mặt trong cuộc sống và các lĩnh vực khác. Thí dụ như mình học Quản trị kinh doanh thì mình thấy có rất nhiều ứng dụng trong Tâm lý học rất hay trong nghiên cứu về hành vi khách hàng hoặc marketing. Từ đó bọn mình đã quyết định thành lập Viet Psychology vào tháng 8/2011 với mục tiêu chia sẻ kiến thức Tâm lý và các ngành khoa học xã hội tới các bạn đọc Việt Nam.

Lúc đó bọn mình tập trung chủ yếu là các bạn học chuyên ngành Tâm lý hoặc xã hội, nhưng sau này mình có nhiều bạn tham gia hơn, thuộc về các ngành khác, thì cũng đóng góp được nhiều mặt mới cho Viet Psychology. Ví dụ như bạn Trang Linh, theo ngành Điện ảnh và Tâm lý học, thì Trang Linh đã giúp tạo ra một chuyên mục là Viet Psychology Video rất là sống động cho nhóm.


VOA: Lĩnh vực tâm lý mà các bạn hướng tới tập trung nhất là gì?

Bảo Ngọc: Ban đầu Viet Psychology có nhiều bài viết về hướng xã hội và tính cách vì những bài đó thu hút người đọc ở Việt Nam nhiều hơn. Nhưng sau đó khi các thành viên của nhóm có nhiều mối quan tâm khác nhau nên bọn mình đã đi sâu vào được nhiều mảng hơn. Hiện tại bọn mình đang tập trung vào 5 mảng: Thần kinh sinh lý não bộ, Điều trị tư vấn, Giáo dục phát triển, Kinh tế tổ chức, và Tính cách xã hội.

VOA: So với thời điểm mới thành lập, Viet Psychology hiện tại đã và đang đạt được những thành quả gì?

Bảo Ngọc: Website của tụi mình hiện đã có gần 200.000 lượt truy cập thì đó là một con số rất đáng tự hào đối với một tổ chức còn khá non trẻ như tụi mình. Ngoài ra, gần đây có một vài giáo sư của một số trường đại học ở Mỹ tỏ ra hứng thú với tổ chức và có nhã ý làm cố vấn cho nhóm.

VOA: Khi thành lập ra trang web, ắt hẳn các bạn có đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho mình. Tới thời điểm hiện tại, trên con đường thực hiện những mục tiêu đó, các bạn nhận thấy mình đang đứng ở đâu và các bạn nghĩ còn bao lâu nữa thì Viet Psych có thể đạt tới mục tiêu cao nhất?

Bảo Ngọc: Qua một năm hoạt động, tụi mình nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ngoài việc viết bài ra, thì tụi mình đã nghĩ rất nhiều dự án mà tụi mình rất muốn hoàn thành trong thời gian ngắn, có thể là trong vòng hai năm. Một trong những dự án của tụi mình là Viet Psychology English, tập hợp các luận án nghiên cứu tiếng Anh về Tâm lý học của các bạn sinh viên Việt Nam trên toàn thế giới, để chúng mình có thể học hỏi lẫn nhau và mở rộng liên kết trong chuyên ngành. Ngoài ra, có bạn đã đưa ra ý tưởng là Từ điển Tâm lý học, để giúp cho người đọc ở Việt Nam, nắm rõ thuật ngữ chuyên ngành và theo dõi bài viết dễ dàng hơn. Đó cũng là một trong những dự án mà tụi mình đang làm việc. Hy vọng là trong vòng hai năm thì hai dự án này sẽ được hoàn thành. Sau đó mình rất mong muốn là có thể tự tin quảng bá Viet Psychology qua các phương tiện truyền thông ở Việt Nam để Viet Psychology có thể liên kết nhiều với người đọc ở Việt Nam hơn.

VOA: Xin chân thành cám ơn Ngọc lần nữa đã tham gia phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA. Chúc Viet Psychology nói chung và Ngọc nói riêng sẽ ngày càng thành công và sớm thực hiện được những mục tiêu của mình.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG