Đường dẫn truy cập

Việt Nam, Trung Quốc tìm cách ‘tránh chiến tranh’


Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự một lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 12/9/2016.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự một lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 12/9/2016.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức bắt đầu chuyến công du Trung Quốc, trong khi có ý kiến cho rằng hai nước “không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau”.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam rời thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, hôm nay, 12/9, để tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức quốc gia đông dân nhất thế giới theo lời mời của người đồng nhiệm Lý Khắc Cường.

Theo dự kiến, ngoài cuộc gặp với người đứng đầu nội các nước chủ nhà, ông Phúc sẽ hội kiến với các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Dy, nhận định về chuyến đi Trung Quốc đầu tiên trên cương vị thủ tướng của nhà lãnh đạo Việt Nam:

“Nếu Trung Quốc mời trước rõ ràng là anh Trung Quốc thấy không thể căng với Việt Nam được nữa, phải dịu thôi. Nếu Việt Nam chủ động trước thì cũng ở trong tình trạng ngược lại như vậy. Trong chuyến này, ai mời trước, ai có đề xuất vấn đề trước là có ý nghĩa đấy. Hai bên thấy rằng là, tiếp tục căng như vậy cũng chẳng có lợi cho hai bên, và ít nhất là cũng phải làm cho nó dịu đi”.

Ông Phúc tới tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc, hôm 10/9 để tham dự các hội chợ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

Chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng hồi đầu năm diễn ra một ngày trước khi Nga và Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển Đông.

Ông Dy nhận định tiếp rằng quan hệ Trung – Việt “không phải là nhân tố quan trọng”, và “không có sức nặng để tác động tới quan hệ Trung – Nga”.

Cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói thêm rằng “rõ ràng là, thực lực của Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh lên cho nên muốn làm gì ở biển Đông thì Trung Quốc không thể không tính tới Việt Nam”.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, Viện nghiên cứu Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng “hai nước đang đứng trước rất nhiều cơ hội và cả một số vấn đề cần phải giải quyết”.

Ông Cường nói thêm:

“Hiện nay vấn đề giải quyết rất nhiều, làm thế nào để đi sâu về hợp tác, làm sao thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định, thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, hai nước vẫn tồn tại quan điểm, lập trường khác nhau về vấn đề biển Đông. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội để hai bên trao đổi sâu hơn và hiểu rõ hơn về lập trường của hai bên và tìm biện pháp để giải quyết. Tôi nghĩ rằng hai nước đang tiếp tục xây dựng, củng cố lòng tin hơn nữa, cần phải xây dựng tốt hơn tin tưởng giữa hai nước”.

Đưa tin về chuyến thăm của ông Phúc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, vốn từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam, dẫn lời các nhà quan sát nói rằng dù quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh nhìn chung vẫn ổn định, các tranh chấp ở biển Đông sẽ vẫn là một vấn đề trong quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam phản ứng vụ TQ kêu gọi ‘chiến tranh trên biển’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:29 0:00

Hồi tháng Tám, Việt Nam kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ lực”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển”.

Theo các nhà quan sát, chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam cho thấy hai nước láng giềng cộng sản đang tìm cách khôi phục lòng tin, nhưng ông Dương Danh Dy không nghĩ vậy.

Cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam nói tiếp:

“Không có cái chuyện tái xây dựng lòng tin đâu. Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều thắc mắc, và còn thắc mắc lâu dài, bởi vì ý đồ của Trung Quốc là bá chiếm biển Đông của Việt Nam là ý đồ bất biến của họ, và Việt Nam cũng quyết tâm giữ, cho nên không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau. Chỉ có cái cố gắng giữ gìn không để xảy ra chiến tranh, không để xảy ra đánh nhau, thế thôi”.

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói rằng ông sẽ cùng phía Trung Quốc “đi sâu trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới”, cũng như tìm cách “cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế”.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 10 tới ngày 15/9.

VOA Express

XS
SM
MD
LG