Đường dẫn truy cập

Ủy ban Phối hợp 4 bên họp về đàm phán hòa bình Afghanistan


Các thành viên trong nhóm Đối thoại nhân dân Afghanistan về Sáng kiến Hòa bình tại một cuộc họp báo ở Kabul, ngày 9/1/2016.
Các thành viên trong nhóm Đối thoại nhân dân Afghanistan về Sáng kiến Hòa bình tại một cuộc họp báo ở Kabul, ngày 9/1/2016.

Các giới chức của Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, và Hoa Kỳ hôm 11/1 tề tựu tại Islamabad để chuẩn bị các nguyên tắc cơ bản và xác định ngày giờ cũng như địa điểm cho việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Kabul.

Đây là cuộc họp đầu tiên trong loạt các cuộc gặp lên lịch trong tháng này của Ủy ban Phối hợp Bốn bên thành lập cách đây một tháng trong nỗ lực sớm tái tục tiến trình hòa bình cho Afghanistan, chấm dứt nhiều năm trời khói lửa binh đao tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Phong trào nổi dậy Taliban lan tỏa ở Afghanistan trong năm qua làm dấy lên các mối quan ngại trong khu vực và trên quốc tế rằng cuộc giao tranh mùa xuân sắp tới có thể dẫn tới đổ máu nhiều hơn và bất ổn thêm nữa cho quốc gia bị chiến tranh giày xéo này.

Các quan chức Afghanistan và Pakistan cho biết các cuộc đàm phán bốn bên ở Islamabad nhằm xác định một "lộ trình" và các giới hạn cho việc phục hồi tiến trình hòa bình.

Đại sứ Mỹ tại Islamabad, ông David Hale, nói tiến trình hòa bình Afghanistan là một vấn đề nan giải:

"Mục tiêu, dĩ nhiên là một tiến trình hòa bình do Afghanistan dẫn đầu và làm chủ, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng Pakistan, Hoa Kỳ, các nước khác như Trung Quốc và những đối tác ở Vùng Vịnh, tất cả đều có những phương cách ảnh hưởng tích cực đến kết cục đó. Bây giờ, phần khó khăn hơn chính là xúc tiến mọi việc, và chúng ta hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị, với các cuộc thảo luận đằng sau cánh gà về cách thức tổ chức và phát triển một chiến lược."

​Nhiều người hoài nghi về việc liệu phe Taliban có sẵn sàng từ bỏ bạo lực và tham gia vào cuộc đối thoại hòa bình ‘hướng về thành quả’ với chính phủ Afghanistan hay không.

Lên tiếng hôm 9/1 tại Kabul, Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, tỏ vẻ lạc quan về nỗ lực bốn bên.

Các đại biểu đến từ Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ tham dự cuộc họp về đàm phán hòa bình Afghanistan tại Islamabad
Các đại biểu đến từ Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ tham dự cuộc họp về đàm phán hòa bình Afghanistan tại Islamabad

Ông Ghani nói các cuộc thảo luận có quốc tế giám sát khởi sự hôm 11/1 sẽ giúp tất cả các bên phân biệt giữa các phần tử nổi dậy muốn hòa giải với những thành phần chống đối việc này.

Không nêu đích danh Pakistan, Tổng thống Ghani nói: "Giờ đây, chúng ta có được sự đảm bảo rằng võ lực và các phương tiện khác sẽ được sử dụng để chống lại các chiến binh Taliban không thể hòa giải."

Nhà phân tích an ninh Simbal Khan, người Pakistan, vừa trở về từ thủ đô Kabul, nơi bà cho biết người dân Afghanistan đang nóng lòng tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn với phe Taliban trước chiến dịch mùa xuân.

Bà Khan nói: "Lãnh đạo của Taliban vẫn trú ngụ tại nhiều khu vực của Pakistan, vì vậy, Pakistan không thể tiếp tục phủ nhận thực tế này thêm nữa. Những gì mọi người đang trông đợi chính là đối với những người không chịu hòa giải thì chính phủ Pakistan, quân đội Pakistan sẽ hành động chống lại họ, hoặc là trục xuất, hoặc là bắt giữ và bàn giao cho chính phủ Afghanistan, hoặc tiêu diệt họ."

Theo bà Khan, chính phủ Afghanistan chưa nêu rõ họ muốn mang đến bàn thương nghị những phần thưởng kinh tế và chính trị thế nào dành cho Taliban để chấm dứt tình trạng chiến tranh.

Bà Khan cho biết: "Taliban hiện giờ đang hồi sinh. Họ đang giành được ngày càng nhiều lãnh thổ bên trong Afghanistan. Họ đã chứng minh sức mạnh quân sự của họ, họ đã tấn công và chiếm các trung tâm quận, và họ đang sẵn sàng mở rộng tầm hoạt động đó. Chúng ta thấy hiệu quả hoạt động của chính phủ Afghanistan khá yếu ớt."

Pakistan đã tổ chức vòng sơ khởi của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Afghanistan và Taliban hồi tháng Bảy vừa qua. Tiến trình bị chựng lại sau khi có tin cho hay thủ lãnh Taliban, Mullah Omar, đã thiệt mạng cách đây hai năm. Kể từ đó, những rạn nứt nội bộ đã gây khó khăn cho Taliban bởi vì một số thủ lĩnh không chịu cam kết trung thành với người kế nhiệm của Omar là Mullah Akhtar Mansoor.

Các quan chức của Taliban chưa cho biết rõ ràng liệu nhóm này có sẵn sàng trở lại bàn đàm phán hay chưa. Họ cũng bác các ý kiến cho rằng áp lực từ Pakistan có thể đẩy họ vào bàn đàm phán. Taliban khẳng định bất kỳ nỗ lực nào như thế đều sẽ mang lại tác dụng ngược cho các nỗ lực hòa bình ở Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG