Đường dẫn truy cập

'Bang giao Việt - Mỹ có thể chống chọi các bất đồng'


Cựu Đại sứ Pete Peterson nói rằng đối với vợ chồng ông, 'Việt Nam giờ như ngôi nhà thứ hai'.
Cựu Đại sứ Pete Peterson nói rằng đối với vợ chồng ông, 'Việt Nam giờ như ngôi nhà thứ hai'.

Thưa quý vị, năm 1997, hai năm sau khi Hà Nội và Washington chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Pete Peterson tới Việt Nam trên cương vị Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này, với tuyên bố muốn ‘hàn gắn vết thương’ giữa hai nước cựu thù'. Nhân dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ trong tháng Bảy này, cựu Đại sứ Peterson đã dành cho Nguyễn Trung của Đài VOA một cuộc phỏng vấn. Mời quý vị theo dõi những tâm sự về nhiệm kỳ mang tính lịch sử , cũng như đánh giá của ông Peterson về mối bang giao Việt – Mỹ trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Hà Nội - Washington trong hơn 10 năm qua kể từ khi ông được bổ nhiệm là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam?

Cựu Đại sứ Pete Peterson: Quá trình xây dựng mối bang giao giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với mong đợi của bất kỳ ai. Đó là thành quả của những nỗ lực ban đầu không mệt mỏi của đại diện cả hai nước, và tôi tự hào đã đóng góp một phần công sức của mình.

VOA: Thương mại song phương và tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích được coi là các ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông. Theo ông, các trọng tâm hiện giờ nên là những gì?

Cựu Đại sứ Pete Peterson: Tôi nghĩ vấn đề tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích vẫn sẽ là trọng tâm của Hoa Kỳ trong tương lai gần. Cũng phải nói rằng phía Việt Nam đã tỏ ra rất hợp tác trong lĩnh vực này, nên nỗ lực tìm kiếm của chúng tôi khá thành công. Một vấn đề khác cần phải được tiến hành hiện nay là tiếp tục xây dựng mối quan hệ giao thương vững mạnh giữa hai nước.

Nếu xét kỹ về thương mại, vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm. Nhân quyền cũng sẽ là vấn đề Hoa Kỳ theo dõi một cách sát sao. Nhưng đánh giá về các ưu tiên theo quan điểm của một nhà ngoại giao, nếu tôi cân nhắc lại, tôi sẽ xem xét nỗ lực tăng cường quan hệ trên mọi lĩnh vực cũng như quyền lợi của hai nước. Đó chính là trọng tâm của Hoa Kỳ hiện nay.

VOA: Quan hệ giữa hai quốc gia được đánh giá là phát triển nhanh chóng trong hơn một thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Ngoài nhân quyền, thưa ông, còn vấn đề nào gây trở ngại tới mối bang giao Việt – Mỹ?

Cựu Đại sứ Pete Peterson: Tôi phải nhấn mạnh rằng không có hai quốc gia nào có thể hoàn toàn đồng thuận về mọi vấn đề, và luôn luôn có những bất đồng xuất hiện. Nhưng điều giúp hai quốc gia đó giải quyết những bất hòa này chính là từ sức mạnh của sự đồng thuận đã đạt được. Mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam hiện đã phát triển tới mức có thể dễ dàng chống chọi được trước các bất đồng vì hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán để tìm hướng giải quyết.

Theo tôi, một trong các vấn đề gây khó chịu hiện nay liên quan tới thương mại. Việt Nam quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp và dệt may. Trong khi đó, Hoa Kỳ quan ngại là liệu Việt Nam có bán phá giá một số hàng hóa vào thị thường của mình hay không.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề liên quan tới di sản chiến tranh, đó là hậu quả của chất da cam hay các vật liệu nổ còn sót lại ở Việt Nam. Đó là các vấn đề cần phải được giải quyết một cách thấu đáo. Tôi nghĩ là cả hai bên tỏ ra rất hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề lớn đó.

VOA: Ông từng được trích lời nói: ‘Tôi không thể làm gì thêm trước những gì đã xảy ra ngày hôm qua, nhưng tôi có thể giúp thúc đẩy một cách tích cực và xây dựng những gì diễn ra trong tương lai’. Gần đây, dân biểu Hoa Kỳ gốc Việt Cao Quang Ánh đã khước từ đề nghị từ chính phủ Việt Nam về việc giúp tổ chức một cuộc gặp với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Ông đánh giá như thế nào về sự hòa giải hậu chiến của người Việt Nam?

Cựu đại sứ Pete Peterson: Chắc chắn là tôi vẫn duy trì quan điểm tôi từng tuyên bố lúc đó. Tôi nghĩ rằng những ai khơi lại quá khứ nhiều khả năng họ làm vậy vì các mục đích chính trị của mình.

Tôi tin rằng phần lớn người Hoa Kỳ gốc Việt coi việc củng cố quan hệ giữa hai nước là một diễn biến tích cực, chứ không phải tiêu cực. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ thấy mình nằm trong số những người thiểu số, khi hai nước tiếp tục thúc đẩy bang giao.

VOA: Ông từng lên tiếng cho rằng ‘chính sách đối ngoại tối thượng giữa Hoa Kỳ và một quốc gia khác dựa trên thành công từ việc phát triển mối quan hệ với các cá nhân tại nước đó’. Từng có ai gây ấn tượng mạnh khi ông công tác ở Hà Nội không?

Cựu Đại sứ Pete Peterson: Thật khó để liệt kê ra ngay tất cả các cá nhân từng có ảnh hưởng tích cực tới tôi về Việt Nam. Đúng là sự phát triển của một nước là tập hợp nỗ lực của các cá nhân. Nỗ lực cũng như hy sinh của các dân thường và các lãnh đạo ở Việt Nam rất đáng chú ý.

Tôi không nghĩ là mình sẽ nêu cụ thể từng cá nhân đó, nhưng có một người tôi muốn đề cập tới là cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và cũng là một người bạn tốt của tôi là ông Lê Văn Bàng. Ông Bàng là một người tôi tôn trọng vì ông đã cùng tôi thu hẹp các khoảng cách và khó khăn mà hai nước đối mặt lúc đầu khi bình thường hóa quan hệ. Ông là một trong những người tôi nhớ về thời gian làm việc của mình ở Việt Nam.

VOA: Giờ nhìn lại quãng thời gian ở Việt Nam, giây phút hạnh phúc nhất của ông là gì?

Cựu Đại sứ Pete Peterson: Đó chính là việc tôi gặp được vợ tôi ở Việt Nam và sau đó nên vợ nên chồng. Bà Vi đã giúp phần đời còn lại của tôi có ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

VOA: Ông từng là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam, rồi sau đó kết hôn với một người phụ nữ Australia gốc Việt tại Hà Nội. Việt Nam giờ có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Cựu Đại sứ Pete Peterson: Đối với chúng tôi, Việt Nam giờ như ngôi nhà thứ hai. Gần như sáu tuần một lần, chúng tôi lại bay sang Việt Nam. Chúng tôi tiến hành một chương trình từ thiện ở Đà Nẵng cũng như khắp Việt Nam.

Mục tiêu hiện nay của tôi cũng giống như khi tôi tới Việt Nam lần đầu tiên, đó là giúp cải thiện đời sống của người dân Việt Nam. Cả hai vợ chồng chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đó.

Cám ơn ông Pete Peterson. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG