Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nga tin 'thời gian cầm quyền của ông Gadhafi chỉ đếm từng ngày'


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov

Vào lúc kết thúc một ngày hội đàm về chính sách trong nhiều lĩnh vực giữa Hoa Kỳ và Nga tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng hai cường quốc cùng đồng ý rằng thời gian nắm quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi chỉ còn đếm từng ngày. Bà Clinton và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov đã ký kết một loạt thỏa thuận trong đó có một thỏa thuận nhằm giải quyết một tranh chấp quan trọng về vấn đề con nuôi. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường trình của thông tín viên đài VOA David Gollust gửi về từ Bộ Ngoại giao.

Hoa Kỳ và Nga đã có những quan điểm khác nhau về Libya khi Moscow bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép thực hiện hành động quân sự ở Libya, và chỉ trích qui mô của các cuộc không kích của NATO.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo với ông Lavrov, Ngoại trưởng Clinton đã hoan nghênh vai trò hòa giải của Nga với các phe phái của Libya, và nói rằng cả hai bên đồng ý rằng cuộc khủng hoảng này phải chấm dứt với việc ông Gadhafi từ bỏ quyền lực.

Bà Clinton nói: “Chúng ta vẫn có những tín hiệu trái ngược từ doanh trại của Đại tá Gadhafi. Ông ấy vẫn chưa đáp ứng thời hạn chót mà cộng đồng quốc tế đưa ra để chấm dứt bạo lực đối với người dân nước mình, rút lui lực lượng và từ chức. Vì vậy, mặc dù chưa ai trong chúng ta có thể đoán trước được ngày giờ chính xác mà ông Gadhafi sẽ từ bỏ quyền lực, chúng tôi hiểu và đồng ý rằng thời gian nắm quyền của ông ấy chỉ còn đếm từng ngày.”

Ông Lavrov nói rằng tiến trình chính trị phải được khởi động giữa chính phủ ở Tripoli và phe nổi dậy có trụ sở ở Benghazi ngay lập tức, để thực hiện một cuộc ngưng bắn và đạt thỏa thuận hòa giải và ông nói thêm rằng không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này.

Qua lời người thông dịch viên, bộ trưởng ngoại giao Nga cũng bênh vực quyết định của chính phủ ông trong việc không ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về vụ đàn áp người biểu tình bằng vũ lực.

Ông Lavrov nói: "Quí vị đang hỏi tại sao Nga lại ngăn chặn nghị quyết lên án ông Assad. Quí vị biết đấy, ngoại giao không tồn tại để lên án và lấy điểm chính trị. Mục đích của chúng ta là giải quyết vấn đề. Nhưng chỉ lên án người khác mà không có giải pháp nào thì sẽ chẳng đưa chúng ta đi tới đâu.”

Ông Lavrov nói rằng Nga ủng hộ việc bãi bỏ các biện pháp chế tài đối với Iran theo từng giai đoạn tùy vào từng bước mà Iran thực hiện nhằm giảm bớt quan ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân của họ. Bà Clinton rõ ràng không tán đồng ý kiến đó và nói rằng vấn đề này sẽ được thảo luận thêm ở cấp chuyên gia.

Bà Clinton và người đồng nhiệm Nga đã ký một loạt các hiệp định song phương trong đó có việc hai nước sẽ giảm bớt các qui định về thị thực và tiêu hủy số plutonium có thể chế tạo vũ khí còn sót lại từ thời Xô Viết.

Một trong những hiệp định được nhiều người chú ý nhất là hiệp định về con nuôi. Hiệp định mới được ký kết ban hành các qui định mới cho các trường hợp nhận con nuôi giữa hai nước. Sở dĩ có hiệp định này là do một vụ việc gây xôn xao dư luận hồi năm ngoái khi một bà mẹ nuôi người Mỹ đã để cậu con trai nuôi 7 tuổi mà bà không muốn nuôi nữa tự đi máy bay một mình trở lại Moscow.

Bà Clinton nói rằng các qui định nghiêm ngặt hơn về việc nhận con nuôi sẽ bảo vệ trẻ em của cả hai nước tốt hơn khi tới ngôi nhà mới và giải tỏa những quan ngại của những người Nga vốn đã tức giận về vụ việc hồi năm ngoái.

Bà Clinton nói: “Cả hai nước chúng ta đều muốn những điều giống nhau. Chúng ta muốn tất cả trẻ em, dù là trẻ em Nga hay Mỹ, đều có được những ngôi nhà yêu thương ở những gia đình sẽ chăm sóc tốt cho các em. Và tất nhiên, Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng chúng ta đáp ứng được tất cả những quan ngại mà phía Nga đã nêu lên, và chúng tôi tin là chúng tôi đã làm được điều đó.

Trước đó trong ngày thứ Tư, Tổng thống Obama nói rằng mặc dù còn những khác biệt về một số vấn đề nhưng sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nga đã có một “chất lượng mới”. Bà Clinton đã ca ngợi điều mà bà gọi là “những tiến bộ to lớn” trong quan hệ song phương kể từ khi ông Obama lên nhậm chức cách đây hai năm rưỡi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG