Đường dẫn truy cập

Tương lai NATO sẽ ra sao? Lãnh đạo Châu Âu chuẩn bị gặp Trump


Tổng Thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt tay sau cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch Ốc hôm 12/4/2017
Tổng Thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt tay sau cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch Ốc hôm 12/4/2017

Các nhà lãnh đạo NATO lên đường sang Bruxelles để dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 25/5, họ trông đợi sẽ đạt thỏa thuận với nhau về các nguyên tắc chính.

Phủ bóng lên hội nghị là cuộc tấn công khủng bố ở Anh hôm thứ Hai, các bên tham hội dự kiến sẽ nhanh chóng đạt đồng thuận về sự cần thiết phải chiến đấu chủ nghĩa khủng bố cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước tại những nơi như Afghanistan. Nhưng chống khủng bố như thế nào?

Chiến tranh ở Afghanistan là một trong những chủ đề mà giới lãnh đạo Châu Âu hy vọng sẽ hiểu thêm một khi đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn các nước NATO gia tăng đóng góp vào nỗ lực chiến tranh.

Nhưng chưa gì Thủ Tướng Đức Angela Merkel dã ra dấu hiệu cho thấy bà không mấy hào hứng về đề nghị này, và muốn chờ các cuộc thảo luận của NATO.

“Chúng tôi đang phối hợp sự hợp tác của khoảng 20 nước thành viên tích cực hoạt động ở đó. Tôi sẽ chờ những quyết định. Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đi tiên phong trong việc mở rộng khả năng chiến đấu tại đó.”

Bên cạnh chiến tranh ở Afghanistan, ông Trump muốn xác định rõ là ông muốn các thành viên NATO thỏa đáng điều kiện đóng góp tối thiểu, là chi ra ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Lãnh đạo EU trông đợi sẽ nghe nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định rằng các nỗ lực chống khủng bố của NATO vượt ra khỏi giới hạn Châu Âu và vùng Đại Tây dương.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Lord David Owen, nói:

“Tôi tin là có lý do để mở rộng vai trò trong lúc này để đối phó với ISIS. Tôi biết đây là điều gây tranh cãi nhưng tôi tin rằng nếu ta tiếp cận vấn đề một cách thận trọng từng bước, NATO sẽ chấp nhận là gia hạn quyền ủy nhiệm ở Iraq để tiến tới đối phó với ISIS, tôi tin đây là một phương thức tốt hơn nhiều để sức mạnh của Mỹ có thể được sử dụng trên toàn cầu trong khuôn khổ NATO.”

Nga cũng là một quan tâm lớn của giới lãnh đạo Châu Âu tại cả hội nghị thượng đỉnh NATO lẫn tại hội nghị Thất cường, G-7.

Đức, Áo và các nước khác hy vọng sẽ có một hướng đi mới trong các quan hệ với Moscow sau cuộc khủng hoảng Ukraine, giữa lúc các biện pháp chế tài áp đặt lên Nga cùng lúc đã tăng sức ép đối với các quốc gia tây phương phụ thuộc vào các mặt hàng năng lượng do Nga xuất khẩu.

Hy vọng lớn của một số nhà lãnh đạo Châu Âu là gặp mặt đối mặt với ông Trump và nghe ông đích thân lặp lại cam kết rằng ông không còn nghĩ NATO là lỗi thời nữa, hầu có thể xoa dịu những âu lo về vai trò của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh cho Châu Âu.

Các bản tin trích dẫn nguồn tin NATO nói rằng các giới chức của liên minh sẽ trì hoãn, không sớm đưa ra một tuyên bố chung như theo thông lệ sau khi kết thúc các hội nghị cấp cao.

Việc ra tuyên bố chung sẽ tùy thuộc vào những gì được phát biểu tại hội nghị. Trong giai đoạn chuyển tiếp có nhiều bất ngờ như hiện nay, không ai dám tiên đoán điều gì sẽ xảy ra tại hội nghị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG