Đường dẫn truy cập

Từ chiến trường về trường học


Từ chiến trường về trường học
Từ chiến trường về trường học

Những ngày hè còn nở đầy hoa nắng trên mọi ngả đường, sóng còn xôn sao mặt sông hồ, buồm trắng căng đầy cánh gió, bụi còn tung đỏ trên những quốc lộ; cây cao, bóng cả trên những ngả đường xuyên bang; những khách sạn, những nhà nghỉ dọc đường (Bed and Breakfast) không có chỗ cho khách du lịch. Người người da rám nắng, tóc rối tung, môi cười hết khóe, mọi căng thẳng xóa hết trong những tiếng cười ròn rã, tưởng như mùa hè không bao giờ hết. Bỗng dưng lễ Lao Động đến, những chuyến nghỉ hè lần lượt kết thúc, như chim phải về tổ, ai nấy vội vã về nhà. Về nhà để: Con đi trường học mẹ đi trường đời. Cha mẹ quay lại với công ăn, việc làm; các con nhập học. Nơi nơi bắt đầu rộn rã không khí tựu trường. Vào những khu thương xá, quần áo, giầy dép, sách vở, dụng cụ học trò tràn ngập, chưa chạm tay vào lòng đã nôn nao. Cha mẹ lo sửa soạn cho con vào trường. Năm đầu củ đại học, năm cuối của trung học hay chập chững lớp “vỡ lòng” thì trái tim cha mẹ cũng đập sai đi một nhịp khi nhìn con ra xe hay nhìn con cầm cái túi đi học (schoolbag) đầu tiên.

Nhưng những cảm giác đẹp đẽ thanh bình từ những vụ nghỉ hè đầy hoa nắng, trở lại trường đó không phải dành cho tất cả mọi người cầm sách. Nếu chúng ta để ý đến những thanh niên từ mặt trận Iraq mịt mù khói súng, máu lửa và chết chóc trở lại học đường, và nghe những vấn đề họ phải đối diện ở đại học, chúng ta sẽ thương họ biết bao!

Chuyện một chàng trai còn trẻ lắm, xung phong vào bộ binh, chàng may mắn sống sót, trở về từ chiến tranh, chàng tìm lại mái học đường. Nhưng thật là buồn. Khi chiến đấu, chàng có đồng đội, khi đến trường, chàng đến một mình. Sau những ngày tháng sinh tử với chiến tranh, chàng trở về sân trường đại học, chàng như một người đến từ hành tinh khác. Những người bạn mới ở trường, chưa cầm súng bao giờ, họ không nhìn chàng như một anh hùng (vì chàng không trở về trường để làm anh hùng,) họ thì thầm khi chàng đi ngang “Anh ta đã từng giết người”. Họ nói về chính trị, chiến tranh theo hiểu biết của sách vở trước mặt chàng, cho chàng có cảm tưởng họ nói về cá nhân mình mà không biết là mình đang có mặt ở đó. Khi những sinh viên chưa hề ngửi thấy máu và khói súng bao giờ tổ chức chống chiến tranh anti-war thì chàng chỉ muốn hoàn toàn quên đi những cái tên Iraq, Afghanistan. Khi bị các bạn cùng trường lôi cuốn vào những cuộc biểu tình chống chiến tranh, chàng thấy mình phản bội lại chiến hữu của mình, những người còn đang chiến đấu, và những người đã hy sinh. Mặc dù chàng chống lại những cuộc biểu tình này, nhưng trong thâm tâm chàng nhớ lại, có phải khi ở chiến trường chàng đã rất nhiều lần có tư tưởng chống lại cuộc chiến mình đang tham dự, và mong mỏi biết bao nhiêu một đời sống yên ổn, bình thường của một người dân thường, một đời sống chưa hề chạm tay vào chiến tranh Iraq.

Luôn luôn cái dấu ấn người trở về từ chiến tranh khắc trên vừng trán, những trường nào chàng đi qua cũng là một đề tài cho bạn học, chàng không thể nào ứng xử như một người chỉ bước ra từ sách vở. Chàng luôn luôn bị bầm dập ở những câu hỏi “Ô, anh không phải trả lời, nếu anh không thích, nhưng tôi chỉ tò mò: Anh có thực sự đã giết ai không?” Chắc là chàng có chứ. Trong cái khoảnh khắc cận chiến sống còn, viên đạn bay ra khỏi nòng súng, chàng làm sao còn đủ một giây nghĩ được là chàng sẽ lấy đi đời sống của một người nào đó, hay nghĩ đến bất cứ một điều gì gần như thế. Nhưng câu hỏi này thực sự đang tàn phá chàng như một viên đạn nhắm trúng đích.

Một cựu chiến binh đi học lại, dù ở tuổi 20, đã không còn bao giờ có được cái tươi mát, trong sáng như những sinh viên của thành phố. Ngay trong lớp học đã có lúc chàng không thể nào ngồi thêm được một phút nữa khi nghe thầy giáo nói về chiến tranh, về Dân chủ, về Cộng hòa. Những ý nghĩ tương phản giữa thầy trò luôn luôn xẩy ra “Thầy không biết gì cả. Thầy thực sự không biết về những điều mình nói, thầy ở trong trường đại học 30 năm, thầy chẳng làm gì cả, thầy chỉ nói về những cái gì của người khác làm thôi!” còn thầy thì “Đúng rồi, nhưng anh nên biết là chúng ta đang có đại diện Cộng hòa ở trong trường nhé, và tôi luôn luôn đi sát với anh ta”. Đôi khi còn hơn thế nữa, chính ngay trong giờ giảng bài, giảng sư đã miệt thị quân đội bằng câu nói “Họ vào lính vì họ không thể làm cái gì khác được.” Thế là chàng cầm sách đi ra khỏi lớp.

Sau vài tháng thử thách không khí học đường, mong mỏi có một đời sinh viên bình thường thất bại. Chàng tìm đến một ngôi trường có tiếng là thích hợp cho những cựu chiến binh. School of General Studies at Columbia University, một trong ba trường đại học ở Columbia. Ở bất cứ nơi nào, có đám đông là có chính trị, nên khi chọn lớp chàng rất cẩn trọng, chỉ e rằng, mình là cựu quân nhân, thế nào cũng bị một ông thầy nào đó dùng mình để chứng tỏ ông ta làm chủ cả thế giới này.

Sau những khó khăn từ thầy, từ bạn, cuối cùng, may mắn thay chàng thấy mình bắt đầu yêu Columbia, chàng nói “Đây là một ngôi trường rất tốt.”

Đôi khi chàng buồn bã, đôi khi chàng vui, nhưng trong đáy lòng chàng biết, gia đình và bạn hữu của chàng, và ngay cả chính mình đã không hoài công hy sinh cho một điều gì đó.

Chuyện của người lính thuộc quân chủng Thủy quân lục chiến (Marines). Khi ở chiến trường chàng lăn vào giết chóc, đó là nhiệm vụ, là sức mạnh, là mysterious aura của chàng. Nhưng khi ở đại học cái huyền bí vây quanh chàng khác hẳn. Chẳng ai hiểu gì về chàng, vì họ chưa hề vào Marines hay vào một cái gì tương tự như thế cả. Khi không ai hiểu mình thì buồn lắm, chàng uống rượu, tiệc tùng đông đúc hay ngồi quán một mình thì cũng cô đơn như nhau. Đôi khi chàng muốn gọi một người bạn chuyện trò, không phải là nói về chiến tranh, nhưng chẳng ai là Marines hay đã từng đến Iraq, Afghanistan như chàng, nếu cứ ngồi mãi ở một nơi đông đúc, không ai cùng cười, nói được với mình, thì rõ ràng mình không thuộc về nơi đó. Tốt hơn về nhà, đi ngủ trước khi tinh thần xuống dốc.

Ai đó trong thời Đệ nhị Thế chiến đã chứng minh được rằng, nếu người lính nào tham dự một trận chiến kéo dài quá 60 ngày thì 98 trong 100 người đó sẽ bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng, 2 người còn lại thì sẽ đi đến chỗ tính khí mất quân bình. Chàng là một trong số 98 người. Ở tuổi 22, chàng đã tham dự ba lần vào chiến tranh Iraq. Lần đầu là chiếm đóng, lần kế là xáp lá cà ở Fallujah, sau đó là đi lại giữa Fallujah và Ramadi. Chàng là một xạ thủ súng máy. Lần hành quân cuối ở vùng Fallujah-Ramadi chàng chứng kiến những trận đánh mà cứ năm người lính Marines thì có một người chết. Chàng thoát nạn, chàng sống, chàng trở về, nhưng đôi khi trong đêm tối chàng thức giấc gầm lên kinh hoảng. Nhưng không sao, chàng cầm cự được.

“Cứ mỗi lần mất một đồng đội, chúng tôi cảm thấy phải trả thù” chàng thành thật nói:

“Tôi đoán mỗi người ứng xử sự việc khác nhau, nhưng phần đông những đồng đội của tôi thì chỉ muốn trả thù cho bạn mình.”

Bây giờ chàng là một sinh viên của trường Đại Học ở Northwest Nebraska, học phí được trả bằng GI Bill, chàng hài lòng với hoàn cảnh mình.

Với những nhân viên và giáo sư của các trường đại học thì đôi khi những sinh viên này đem tới cho họ nhiều vấn đề khó khăn và tế nhị. Họ nhận xét: “Một vài cựu chiến binh mang đầy phẫn uất và oán hận, một vài người khác thì cố gắng vượt qua những gì mà họ đã chứng kiến.”

Một khoa trưởng của đại học UW-Madison đã phải thốt lên: “Tôi không biết gánh nặng nào họ đang mang vác, đời sống nào họ đã trải qua. Một người mới 19 tuổi đầu này, đã phải chứng kiến những gì khủng khiếp nhất. Tôi không có cách nào mà hiểu được điều này.”

Ngày xưa mẹ vá cho con sách
Dành dụm cho con tới học đường
Ngày nay không vá non sông rách
Mẹ tiễn con ra bãi chiến trường.


Đó là câu thơ của ai đó, tôi nhớ lại khi còn ở quê nhà, mỗi lần nhìn cảnh mẹ già lau nước mắt đứng trông vời theo chiếc xe nhà binh chở con mình đi về một nơi…. mũi tên, hòn đạn.

Nước Mỹ không rách, nhưng vẫn có những người mẹ tiễn con ra chiến trường. Chắc chắn người dân Mỹ tin tưởng con cái và gia đình họ đã hy sinh cho một điều gì đáng được hy sinh.

Trần Mộng Tú

Tài Liệu: Combat Veterans Confront Life on Campus
Current Magazine-MSNBC.com

XS
SM
MD
LG