Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tràn lan hàng cao cấp bất chấp nỗ lực diệt trừ tham nhũng


Siêu xe cổ điển Rolls-Royce trong một cuộc triển lãm ăn mừng 10 năm kinh doanh tại Trung Quốc.
Siêu xe cổ điển Rolls-Royce trong một cuộc triển lãm ăn mừng 10 năm kinh doanh tại Trung Quốc.
Trung Quốc đang trấn áp tham nhũng và lãng phí công quỹ. Quảng cáo hàng xa xỉ bị cấm chỉ và phô trương sự giàu có gây rủi ro nhiều hơn bao giờ hết cho các giới chức. Nhưng mặc dầu sự chú trọng của chính phủ dồn vào tiết kiệm và nền kinh tế đang trì trệ, nhu cầu hàng cao cấp của Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Tại thành phố cảng Thượng Hải giàu có các cửa hàng cao cấp giống như cửa hàng bách hóa, gần như mỗi góc phố lại có một cửa hàng. Trung Quốc là thị trường lớn thứ nhì trên thế giới về các loại hàng hiệu sang trọng. Ðến năm 2015, McKinsey and Company ước tính Trung Quốc sẽ chiếm hơn 20% thị trường hàng cao cấp trên toàn cầu.

Chuyên gia phân tích và công nghiệp hàng cao cấp Pablo Mauron nói bất kể những khó khăn, ông vẫn lạc quan về tương lai.

Là Tổng giám đốc ở Trung Quốc của Tập đoàn Hàng cao cấp kỹ thuật số, ông Mauron cho biết trong khi có một số dấu hiệu chậm lại, các nhãn hiệu hàng cao cấp nói chung vẫn tin tưởng về Trung Quốc.

Ông Mauron nói: “Họ vẫn đầu tư ồ ạt vào Trung Quốc, mở các cửa hiệu mới. Ở Thượng hải, chúng ta có những thương xá mới, các thương xá hạng sang mở cửa gần như mỗi tháng.”

Sau nhiều năm bành trướng khủng khiếp, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang lơ lửng ở mức 7,5%. Tuy tỷ lệ đó không phải là tệ và là mức mà nhiều nước thèm muốn, đó là một sự thay đổi lớn ở Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng thường niên lên tới trên dưới 10%.

Ảnh hưởng của vụ 'Ðại ca đồng hồ'

'Đại ca Đồng hồ' Dương Ðạt Tài bị tuyên án 14 năm tù về tội tham nhũng.
'Đại ca Đồng hồ' Dương Ðạt Tài bị tuyên án 14 năm tù về tội tham nhũng.
Lúng túng vì các vụ tai tiếng đã làm nổi bật đặc quyền dành cho giới lãnh đạo đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, chính phủ đã cấm những tiệc tùng xa xỉ, tặng quà và phô trương sự giàu có.

Ông Dương Ðạt Tài, cựu viên chức Trung Quốc còn được gọi là “đại ca đồng hồ,” bị kết án 14 năm tù hồi đầu tháng này. Sự tham ô của ông Dương đã bị phơi bày khi một blogger nhận thấy là ông ta thường đeo những chiếc đồng hồ hạng sang và đặt dấu hỏi làm thế nào ông ta có thể mua nổi những chiếc đồng hồ hào nhoáng như thế với đồng lương công chức.

Hồi cuối tháng 8, Trung Quốc loan báo sẽ tăng thuế tiêu thụ thêm nữa đánh vào hàng hóa loại sang.

Trong khi những sự kiện này có thể báo hiệu khó khăn cho các công ty bán lẻ hàng sang trọng, ông Mauron nói cho đến nay các công ty vẫn không lo ngại, và vẫn tập trung vào những thách thức cổ điển của các nhãn hiệu hàng sang trọng.

Ông Mauron phân tích: “Thách thức chủ yếu, cho dù bối cảnh ra sao, quanh một số tranh cãi về vấn đề quà tặng hay tham những, vấn đề về thuế, tôi nghĩ thách thức chính vẫn giữ nguyên. Ðó là làm thể nào thúc đẩy tiêu thụ ở địa phương và làm thế nào để tìm ra một số lý do để mua hàng ngay trong nước khi người tiêu thụ biết rằng giá đắt hơn.”

'Hàng sang có thể mua được'

Cửa hàng Hermes tại Thượng Hải.
Cửa hàng Hermes tại Thượng Hải.
Hàng loại sang đắt hơn ở Trung Quốc so với ở nước ngoài, vì thuế đánh vào hàng nhập khẩu và thuế tiêu thụ cao. Sự kiện đó khiến nhiều người Trung Quốc đi mua sắm ở nước ngoài như châu Âu và Hoa Kỳ để được giá hời hơn.

Những khách mua sắm khôn ngoan đó là một phần trong khu vực “hàng sang có thể mua được” ở Trung Quốc. Ông Kent Grant, người đứng đầu công ty FDKG Insight, nói rằng khu vực này là một khu vực mà các nhãn hiệu nổi tiếng đang tìm cách xâm nhập.

Ông Grant nói: “Các nhãn hiệu sang trọng đang dốc sức tìm khách hàng mới, có nghĩa là họ cần phải sáng tạo trong những gì mà họ làm, họ cần phải giới thiệu các sản phẩm mới. Có lẽ các sản phẩm mà trước đây họ không có, họ mở rộng các mặt hàng, và có thể giới thiệu một số sản phẩm giá thấp hơn để thu hút khách tiêu dùng mới.”

Ảnh hưởng của Ðệ nhất Phu nhân

Ðệ nhất Phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viên.
Ðệ nhất Phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viên.
Mức cầu cũng đang tăng về các sản phẩm xa xỉ của chính Trung Quốc. Phu nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp thúc đẩy sự chú ý vào thời trang cấp cao của Trung Quốc bằng cách mặc những nhãn hiệu thiết kế ở địa phương trong các chuyến xuất ngoại của bà.

Tập đoàn bán lẻ hàng cao cấp Kering của Pháp đã ủng hộ cho công ty nữ trang Qeelin. Nhãn hiệu này phối hợp văn hóa Trung Quốc với tài thủ công của Pháp. Nhãn hiệu Shang Xia của Trung Quốc pha trộn thiết kế kiểu mới với văn hóa Trung Quốc, và nhà đầu tư lớn nhất là nhãn hiệu cao cấp nổi tiếng của Pháp là Hermes.

Không có hậu thuẫn đó, thì các nhãn hiệu địa phương sẽ khó cạnh tranh hơn nhiều. Theo ông Grant, “Họ cần phải có mặt đủ lâu và cái khó của họ là liệu họ có gan để làm điều đó hay liệu những người đầu tư tiền bạc có sẵn sàng đầu tư lâu dài hay không.”

Nhiều hàng hiệu hạng sang cổ điển đã phải mất hàng chục năm để thành danh. Trong một cuộc thăm dò mới đây về các sản phẩm hạng sang được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc, chỉ có một nhãn hiệu của Trung Quốc nằm trong số 50 hàng đầu. Ðó là nhãn hiệu nữ trang Chow Tai Fook, sáng lập ở Trung Quốc từ năm 1929.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG