Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phái tàu hải giám tới quần đảo có tranh chấp với Nhật Bản


Nhóm đảo trong vòng tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (hình chụp ngày 2/9/2012)
Nhóm đảo trong vòng tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (hình chụp ngày 2/9/2012)

Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc

  • Người Nhật gọi Senkaku, người Trung Quốc gọi Điếu Ngư.

  • Gồm 8 đảo không người ở.

  • Nằm trong khu vực có nhiều dầu khí và thủy sản phong phú.

  • Diện tích đất tổng cộng của 8 đảo là 6 kilomet vuông.
Vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản gia tăng cường độ, với việc Bắc Kinh phái hai chiếc tàu tới quần đảo có tranh chấp để “bảo vệ chủ quyền” trong lúc Tokyo đúc kết thỏa thuận để mua những đảo này từ người chủ tư nhân.

Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cho biết sáng sớm hôm nay các chiếc tàu của Tổng đội Hải giám đã tới quần đảo Điếu Ngư Đài, nhóm đảo đang do Nhật kiểm soát và gọi là Senkaku. Tân Hoa Xã nói rằng Tổng đội Hải giám đã có sẵn kế hoạch để bảo vệ quần đảo này, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản cho hay Tokyo đã ký một hợp đồng để mua ba hòn đảo của nhóm đảo không người ở này từ những người chủ tư nhân Nhật Bản với giá 26 triệu đô la. Trung Quốc không công nhận người chủ đảo và nhiều lần cảnh cáo chống lại vụ mua bán.

Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Osamu Fujimura hôm nay loan báo việc ký kết hợp đồng và nói rằng quyết định này không hề có ý làm cho Trung Quốc tức giận mà chỉ có mục đích tạo ra một “môi trường ổn định và an toàn.”

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng một cách giận dữ và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng mà họ không nói rõ là gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay lập lại lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chống lại vụ mua bán mà Trung Quốc gọi là “bất hợp pháp”.

Ông Hồng nói: "Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ thay đổi quyết định sai trái này và ngưng chỉ mọi hành động phương hại chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, dựa theo những diễn biến của tình hình."

Ông Hồng Lỗi cũng nói rằng vụ mua bán đã gây căm phẫn cực độ cho người dân Trung Quốc, trong đó có nhiều người đã đăng những bình luận chống Nhật trên các trang mạng vi blog ngày hôm nay. Một loạt những cuộc biểu tình chống Nhật qui mô nhỏ cũng diễn ra ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc.

Ông Bill Bishop, một phà phân tích độc lập, cho biết vụ tranh chấp biển đảo với Nhật Bản là đề tài số một trên trang mạng weibo. Ông nói rằng tuy chính phủ Trung Quốc đã để cho những luận điệu bài Nhật lan tràn trên internet, nhưng có phần chắc là họ không để cho những vụ biểu tình leo thang.

Ông Bishop cho biết: "Trong bối cảnh chính trị hiện nay, tôi không nghĩ rằng chính phủ muốn để cho những vụ biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát. Bởi vì có rất nhiều vấn đề khác mà người dân cảm thấy bất mãn, như vấn đề lạm phát hay các vấn đề kinh tế. Cho nên việc để cho nhiều người xuống đường có thể là một việc nguy hiểm."

Trong mấy mươi năm nay, nhóm đảo nằm giữa Đài Loan và Okinawa là nguồn gây ra những vụ căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và làm tổn hại các mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Á châu. Nhưng vụ tranh chấp đã trở nên sôi sục hơn trong vài tháng nay vì những người Trung Quốc và Nhật Bản đã tới những hòn đảo đó để khẳng định chủ quyền của nước họ, làm cho Bắc Kinh và Tokyo tố cáo đối phương cố tình khiêu khích.

Hồi đầu năm nay, vị đô trưởng ăn nói thẳng thắn của Tokyo, ông Shintaro Ishihara, loan báo một kế hoạch để chính quyền thành phố này mua lại những hòn đảo vì ông cho rằng Nhật Bản đã không làm đủ để bảo vệ những đảo này trước đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Một số người cho rằng chính phủ Nhật đã phải mua đảo một phần là vì sự đe dọa của kế hoạch của ông Ishihara.

Thời biểu tranh chấp các đảo ở Biển Đông giữa Nhật Bản, Trung Quốc

1894

Chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất bắt đầu.

1895

14-1: Nhật Bản đơn phương chiếm 5 đảo và ba nhóm đá không quặng ở Biển Đông, gọi chúng là “Senkaku.”

17-4: Nhà Thanh của Trung Quốc nhượng Đài Loan và các đảo dọc theo đó cho Nhật Bản theo thỏa ước Shimonoseki, chấm dứt cuộc chiến tranh Trung-Nhật thứ nhất. Quần đảo Senkaku không bao gồm trong thỏa ước này.

1896

Chính phủ Nhật cho thuê bốn hòn đảo - có tên tiếng Nhật là Uotsuri, Minami, Kita, và Kuba - cho ông Tatsushiro Koga. Ông Koga thiết lập các cơ sở cho công nhân để sản xuất cá khô và thâu thập lông chim.

1932

Chính phủ Nhật Bản bán bốn đảo này cho Zenji, con trai của Koga. Đảo thứ 5, Taisho, vẫn còn do nhà nước kiểm soát. Koga xuất khẩu hải sản từ những đảo này.

1940

Koga không đủ khả năng bảo đảm đủ nhiên liệu để xuất khẩu hàng hóa và tiếp tế cho công nhân vì có chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhì. Ông bỏ cơ sở này, khiến cho các đảo không có người ở.

1945

Nhật đầu hàng, chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai và trả Đài Loan cùng các hòn đảo quanh đó cho Trung Quốc theo các tuyên cáo Cairo và Potsdam. Quân đội Hoa Kỳ chiếm quyền kiểm soát các đảo Senkaku và cà các đảo Rykyu của Nhật.

1951

Nhật Bản chấp nhận để Hoa Kỳ quản lý các đảo Rykuyu và Senkaku, có ghi trong hiệp ước San Francisco.

1969

Phúc trình của Liên Hiệp Quốc cho biết các cuộc khảo cứu gợi ý rằng có trữ lượng lớn dầu hỏa trong vùng biển của dãy đảo Senkaku.

1971

Đài Loan, Trung Quốc chính thức đòi chủ quyền trên các đảo này, gọi đó là Điếu Ngư. 1972 Nhật Bản lấy lại quyền kiểm soát Okinawa và các đảo Senkaku (hay Điếu Ngư) từ Hoa Kỳ. Nhật Bản cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng Kuba và Taisho làm nơi tập bắn cho một thời gian “vô hạn.” Bộ Quốc Phòng Nhật Bản thuê Kuba của sở hữu chủ để bảo đảm cho Hoa Kỳ được tới đảo này. Zenji Koga bắt đầu thủ tục bán các đảo Kuba, Uotsuri, Minami, và Kita cho gia đình Kurihara. Vụ mua bán hoàn tất năm 1988.

1978

Tháng 4: Hằng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển chung quanh các đảo này khiến Nhật Bản tức giận trong lúc hai phía đang đàm phán một hòa ước. Tháng 6: Quân đội Hoa Kỳ đình chỉ các cuộc thao diễn bắn đạn thật tại các đảo Kuba và Taisho.

Tháng 8: Trung Quốc, Nhật Bản ký hòa ươc đồng ý để vụ tranh chấp những đảo này cho thế hệ kế tiếp giải quyết. 1992 Quốc vụ Viện Trung Quốc tuyên bố các đảo Điếu Ngư là “lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc” theo một đạo luật mới về “Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.”

1996

Đoàn Thanh niên Nhật Bản dựng một hải đăng trên đảo Uotsuri. Nhiều người Hồng Kông theo chủ nghĩa dân tộc toan tính đổ bộ lên đảo Uotsuri để phản đối hành động của Nhật Bản.

2002

Gia đình Kurihara cho Bộ Nội Vụ Nhật Bản thuê các đảo Uotsuri, Minami và Kita.

2010

Một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc xâm nhập vùng biển chung quanh các đảo này hôm mùng 7 tháng 9. Các tàu tuần duyên Nhật Bản đụng chiếc tàu đánh cá khi họ toan đuổi tàu đánh cá này đi. Nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ viên thuyền trưởng Trung Quốc hai tuần lễ làm Trung Quốc tức giận, và đã phản ứng bằng cách ngưng trao đổi văn hóa, chính trị và ngưng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật.

2012

Tháng 4: Lãnh đạo Tokyo, ông Shintaro Ishihara, nói chính quyền của ông đang thương thuyết để mua những đảo này từ gia đình Kurihara.

Tháng 7: Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda nói chính phủ trung ương cũng đang đàm phán để mua các đảo này.

15-8: 14 người hoạt động ủng hộ Trung Quốc đi thuyền tới các đảo này để khẳng định chủ quyền. 5 người bơi vào bờ trước khi lực lượng tuần duyên Nhật bắt tất cả những người hoạt động này và trục xuất họ.

19-8: Những người có đầu óc dân tộc Nhật Bản đổ bộ lên Uotsuri để khẳng định chủ quyền của Nhật, không đếm xỉa tới cảnh cáo của chính phủ Tokyo là vụ đổ bộ này không được phép.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG