Đường dẫn truy cập

Trung Quốc khó lường ở biển Đông, các nước chạy đua vũ trang?


Một nhà nghiên cứu tại Australia cho rằng thái độ ‘khó lường’ của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, trong khi Trung Quốc mới phản bác việc Hà Nội bày tỏ quan điểm với tòa trọng tài quốc tế.

Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng các chính sách không đồng nhất của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, dưới tác động của nhiều yếu tố, đã làm các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại.

Tác giả của nghiên cứu dài hơn 50 trang về chính sách an ninh hàng hải của Trung Quốc nói với VOA Việt Ngữ.

“Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc”.

Các dự án lấp biển, các cuộc đối đầu với tàu bè nước ngoài và các hoạt động thăm dò dầu khí đã khiến các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông lên tiếng phản đối.

Hồi tháng Ba vừa qua, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã chặn Philippines, không cho tiếp tế một tàu hải quân của nước này ở vùng biển Đông.

Hai tháng sau đó, chính quyền Bắc Kinh đã đưa một giàn khoan dầu vào vùng mà Việt Nam coi là thềm lục địa của mình, dẫn tới một cuộc đối đầu căng thẳng giữa đôi bên trong nhiều tuần lễ.

Theo bà Jakobson, các tác nhân khác nhau ở Trung Quốc như các nhóm lợi ích, quân đội giải phóng nhân dân, các chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật, các công ty khai thác tài nguyên cũng như các ngư dân đều tìm cách đẩy mạnh các quyền lợi của mình thông qua việc thúc đẩy chính phủ có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

“Họ nắm mọi cơ hội để thuyết phục chính phủ thông qua các dự án lấn biển, trang bị các tàu tuần tra lớn, cũng như các công cụ pháp lý để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, bà Jakobson viết trong bản nghiên cứu của mình.

Trong khi tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao, theo nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “không thể bác bỏ các hành động nhân danh bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”.

Bà Jakobson nói:

“Hiện nay, tại Trung Quốc, có rất nhiều nhóm có đặc quyền muốn thấy chính phủ nước này mạnh mẽ trước các quốc gia khác. Nhìn chung, hiện ở Trung Quốc người ta muốn thấy nước này tỏ ra ít phục tùng hơn trước Mỹ, Nhật Bản hay bất kỳ nước nào khác. Tôi cho rằng xu hướng dân tộc chủ nghĩa này đã dẫn tới thái độ khó đoán định của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.

Nga mới bàn giao chiếc tàu ngầm thứ ba mang tên Hải Phòng cho Việt Nam, sau hai chiếc mang tên Hà Nội và TP HCM. Hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ đôla giữa Nga và Việt Nam được ký hồi năm 2009.

Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines, quốc gia đã đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế Liên Hiệp Quốc, đang vận động chính quyền ở Manila thông qua ngân khoản 10 tỷ đôla để mua các chiến đấu cơ và chiến hạm để đưa quân đội nước này lên “đẳng cấp quốc tế” vào năm 2028.

Trong một diễn biến khác cũng liên quan tới biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 11/12 cho biết Hà Nội “bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện [của Philippines] và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.

Một ngày sau, Bắc Kinh đã lên tiếng nói rằng Việt Nam cần phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh sẽ không tham gia vụ phân xử của tòa trọng tài quốc tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG