Đường dẫn truy cập

TQ có thể cho ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough


Một bức ảnh ghép hôm 3/9/2016 được chính phủ Philippines cung cấp cho thấy những hình ảnh giám sát của các tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Một bức ảnh ghép hôm 3/9/2016 được chính phủ Philippines cung cấp cho thấy những hình ảnh giám sát của các tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ xem xét cho ngư dân Philippines tiếp cận có điều kiện vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông sau khi tổng thống Philippines và chủ tịch Trung Quốc hội kiến tại Bắc Kinh trong tuần này, theo hai nguồn tin Trung Quốc nói với hãng tin Reuters.

"Mọi người đều có thể ra đó, nhưng sẽ có những điều kiện," một trong những nguồn tin Trung Quốc thường xuyên nói chuyện với những quan chức cao cấp cho Reuters biết như vậy, nhắc tới những ngư dân Trung Quốc và Philippines.

Khi được hỏi những điều kiện này là gì thì nguồn tin này nói: "Hai nước sẽ phải lập ra những nhóm công tác để giải quyết những chi tiết."

Tuy nhiên chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ chấp thuận những cuộc tuần tra chung bảo vệ bờ biển hay không.

Hai nguồn tin không cho hay liệu Trung Quốc có thể đòi hỏi gì từ Manila hay không để đổi lấy sự nhượng bộ cho ngư dân đánh cá.

"Tình hình sẽ quay lại thời Arroyo," nguồn tin Trung Quốc thứ hai nói, nhắc tới chính quyền của cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (2001-2010). Khi đó ngư dân của hai nước đều tiếp cận được vùng biển gần Bãi cạn Scarborough.

Hai nguồn tin này cho biết thêm rằng nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kịch bản thì hợp tác ngư nghiệp sẽ là một trong hơn 10 thỏa thuận khung rộng lớn mà hai nước sẽ ký trong chuyến thăm của ông Duterte. Họ không cho biết thêm chi tiết.

Bộ Ngoại giao Philippines nói họ "không có bình luận gì vào thời điểm này."

Trung Quốc chiếm giữ Bãi cạn Scarborough - Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham và Manila gọi là Panatag - vào năm 2012, không cho ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường phong phú của đảo này.

Vụ chiếm giữ cấu thành một phần trong vụ kiện của Philippines lên Tòa án Trọng tài Thường trực tại thành phố La Haye. Vào tháng 7 Tòa án đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, bao gồm tuyên bố đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh quần đảo Trường Sa có tranh chấp.

Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố phán quyết này "hoàn toàn vô hiệu," nhưng nói rằng đã đến lúc tái khởi động những cuộc đàm phán giữa các nước có liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ để đạt được một giải pháp hòa bình.

XS
SM
MD
LG