Đường dẫn truy cập

TQ vẫn đối mặt với biến cố Thiên An Môn và kêu gọi cải cách


Quảng trường Thiên An Môn
Quảng trường Thiên An Môn
Hơn 20 năm sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đối mặt với những lời kêu gọi đưa ra lời giải thích đầy đủ về vụ đàn áp đẫm máu các vụ biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn.

Và trong khi đảng không tỏ dấu hiệu nào thay đổi lập trường đối với các vụ biểu tình, những lời kêu gọi cởi mở hơn về chính trị và sự chán ghét của công chúng đối với tình trạng tham nhũng vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay.

Sự khác biệt hiện nay, theo các nhà phân tích, các nhà viết sử và các nhà hoạt động là các nguyên tắc tranh đấu cao hơn và những vấn đề đảng đối mặt thậm chí còn lớn hơn.

Lời kết án chính thức của Đảng Cộng Sản đưa ra về các vụ biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn là cuộc nổi loạn phản cách mạng. Và khi bị thúc giục trả lời về vụ này thì các viên chức tập trung nói về những thay đổi Trung Quốc đã thực hiện từ ngày đó.

Người ta không biết bao nhiêu người chết trong vụ đàn áp này, nhưng theo các tổ chức nhân quyền thì có mấy trăm người bị giết.

Tuyệt Vọng Ngày Càng Lớn, Hy Vọng Bị Lung Lay

Bà Trương Tiên Linh (Zhang XianLing) có người con trai bị chết trong vụ đàn áp hồi đầu tháng 6 năm 1989 này. Sau hơn 20 năm, những nhận định của bà dao động giữa tuyệt vọng và hy vọng.

Bà nói bà hy vọng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khác Cường có thể có một cái nhìn mới. Cùng lúc bà lại lo ngại họ sẽ tiếp tục phớt lờ các sai lầm của Đảng Cộng Sản.

Bà nói, “Chúng tôi hy vọng họ có thể xem xét lại những nổi đau khổ trước đây và bắt đầu có một cái nhìn mới. Rằng họ có thể công nhận vụ tàn sát Thiên An Môn như thế giới đã làm và có cái nhìn thoáng hơn về ngày 4 tháng 6 qua việc bày tỏ rằng họ muốn giải quyết nó.”

Bà Trương là một trong những người thuộc tổ chức các bà mẹ, thân quyến, bạn bè của những người bị giết có tên là Các Bà Mẹ Thiên An Môn. Từ 1995 đến nay nhóm này thúc giục chính phủ nói lên sự thật về những gì xảy ra vào ngày 4 tháng 6 và truy cứu trách nhiệm những người làm việc này.

Nhóm này cho biết họ đã viết 36 bức thư cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và “nghị gật” của Quốc hội. Và cho đến giờ họ không hề nhận được một lời trả lời nào.

Trong bức thư năm nay, nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn kêu gọi Đảng Cộng Sản nhanh chóng giải quyết tất các những sai lầm trong 60 năm qua.

Bà Chương nói “Biến cố Thiên An Môn xảy ra trong thời gian của 30 năm thứ nhì. Trong thời Cách mạng Văn hóa và Bước Đại Nhảy Vọt, Đảng Cộng Sản đã làm cho hàng người triệu dân bị chết đói và giết hàng triệu người. Trong cả 2 khoản thời gian 30 năm đều có những vụ thảm sát. Làm thế nào chúng ta có thể phủ nhận điều này?”

Cải Cách Trở Thành Từ Ngữ Xấu Xa

Các sinh viên tụ tập tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 là để yêu cầu chính phủ đẩy mạnh một loạt những cải cách từ tự do chính trị đến giải quyết vấn đề tham nhũng.

Những lời kêu gọi cải cách vẫn tiếp tục cho đến hôm nay, nhưng nhận thức về sự thay đổi của công chúng khác biệt rất lớn.

Nhà sử học Trung Quốc Chương Lập Phàn (Zhang Lifan) nói:

“Những năm trong thập niên 1980, cải cách là một từ ngữ được mọi người ủng hộ và ca ngợi. Tư tưởng cải cách và đẩy mạnh tiến trình cải cách là những quan niệm tích cực. Giờ đây từ ngữ này không còn có nghĩa như vậy nữa, cải cách giờ đây là một ý niệm được dùng để cưỡng đoạt. Chẳng hạn, để thực hiện được tăng trưởng kinh tế và khen tặng về chính trị một viên chức thành phố sẽ chiếm đoạt đất đai để xây dựng một khu vực mới – và đây là cải cách.”

Trong thời gian cải tổ giới lãnh đạo hồi gần đây của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo mới đã phác họa một loạt cải cách, nhấn mạnh đến sự cần thiết về cải thiện pháp quyền, thúc đẩy cải cách kinh tế hơn nữa và giải quyết khoản cách giàu nghèo.

Cải cách chính trị đã không được đề cập đến. Mặc dù phần lớn người Trung Quốc nói rằng họ vẫn lạc quan một cách thận trọng, và rằng còn quá sớm để phán đoán, đã có sự lo ngại ngày càng tăng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khác Cường nói mà không làm.

Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần nói rằng rằng cuộc chiến với tham nhũng là vấn đề sống còn. Nhưng đồng thời trong những tuần gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã bắt nhiều nhà hoạt động vì kêu gọi các viên chức chính phủ công khai tài sản cá nhân.

Tham Nhũng Kiểu Mafia

Tham nhũng là mối lo ngại của công chúng vào những năm cuối thập niên 1980 cũng như ngày hôm nay. Sự khác biệt, theo các nhà phân tích, là tham nhũng trong những năm thuộc thập niên 1980 đơn giản hơn nhiều.

Ông David Kelly thuộc nhóm Chính sách Trung Quốc, một nhóm nghiên cứu về các vấn đề của Trung Quốc nói, “Tham nhũng hiện nay đã khác, nó thực sự ở bên trong của tổ chức, nó theo kiểu mafia, kiểu thân tộc”

Ông Kelly nói rằng khi các viên chức vi phạm những luật lệ vào những năm thập niên 1980 và kiếm chút tiền, họ thực sự giúp phá vỡ bế tắc trong vấn đề cung cấp hàng hóa.

Ông nói, “Bây giờ nó không còn là vấn đề có chút xăng mà quý vị cần cho công ty taxi, giờ đây đó là việc mua một công việc cho con trai bạn, ‘chúng ta hãy mua cho nó một chức vụ trong quân đội.’ Một số trong các tin này có thể là cường điệu nhưng hiện nay nó là một thế giới khác.”

Nhà viết sử Trung Quốc Chương Lập Phàn nói rằng sự việc bắt đầu thay đổi trong thập niên 1990 khi các viên chức hỏi các cá nhân rằng họ sẵn sàng trả bao nhiêu để được họ giúp hay họ muốn cho con ra học ở nước ngoài để đổi lại sự giúp đỡ.

Ông Chương nói: Cách làm và lòng ham muốn đã khác rồi. Chẳng hạn vào khoảng năm 2000, một bí thư đảng ở thành phố bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ khoảng 1 triệu đồng nguyên Trung Quốc. Nhưng nếu quý vị nhìn vấn đề với nhãn quan của hôm nay, một người nào đó nhận hối lộ 1 triệu đồng nguyên lại là một quan chức chính phủ tốt.”

Thêm Tự Do, Siết chặt Kiểm Soát Chính Trị

Mùa xuân năm 1989, ông Zhou Duo được yêu cầu giúp chính phủ thương lượng dàn xếp với những sinh viên biểu tình. Cuối cùng, ông đã tham gia cùng với họ trong một cuộc tuyệt thực cùng với học giả cấp tiến Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo).

Cho đến hôm nay ông Zhou vẫn còn tiếp tục trả giá cho hành động này vì đã không đứng về phía chính phủ, nói lại những gì đã xảy ra và ông đã bị tù một năm sau vụ đàn áp. Bất chấp những gì phải chịu, ông nói người Trung Quốc được hưởng tự do hơn so với những năm cuối của thập niên 1980. Ông cũng lạc quan một cách thận trọng rằng thay đổi sẽ tiếp tục diễn ra mặc dù nó diễn ra từ từ.

Ông nói: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ lớn về vấn đề tự do. Vào lúc đó, nếu anh nói về ô nhiễm môi trường, mặc quần ống rộng hay mặc trang phục lạ anh sẽ bị khiển trách. Hiện nay tự do đã gia tăng ở Trung Quốc, những vẫn không có tự do chính trị. Sự đàn áp đối với những ý kiến và những bất đồng chính trị rất mạnh.”

Cũng như những sự kiện khi đến gần ngày 4 tháng 6, những ai đưa vấn đề đi quá xa, quá nhanh, nhanh chóng bị bắt và bị giữ không truy tố hoặc bị tống giam.

Ông Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hòa Bình, đang thụ án 11 năm tù vì đã chia sẽ quan điểm trên mạng.

Theo Tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc - Chinese Human Rights Defenders - hàng chục người bị sách nhiễu hay bị bắt giữ khi ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn năm nay đến gần.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc nên “chấm dứt sách nhiễu những ai đã tham gia các cuộc biểu tình và đưa ra lời giải thích đầy đủ về số người chết, bị bắt giữ, hay mất tích.“

Chính phủ Trung Quốc nói Hoa Kỳ nên lo việc của mình và họ đã có kết luận rõ ràng về biến cố 1989. Trung Quốc cũng cảnh báo rằng như lệ thường, những nhận xét có “thành kiến” như vậy có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ họp thượng đỉnh lần đầu tiên vào cuối tuần này ở California, và vấn đề gay go về nhân quyền có thể được đề cập đến.

Mặc dù Trung Quốc có những thay đổi đáng kể từ tháng 6 năm 1989, sự thiếu quyền tự do chính trị và thiếu tôn trọng pháp quyền tiếp tục gây phiền toái cho mối quan hệ của nước này với các nước Tây phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG