Đường dẫn truy cập

Tranh chấp Biển Ðông bùng ra tại Thượng đỉnh ASEAN


Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN chụp hình lưu niệm tại Cung điện Hòa Bình ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/11/2012.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN chụp hình lưu niệm tại Cung điện Hòa Bình ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/11/2012.
Các nhà lãnh đạo khu vực tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á một lần nữa lại nêu ra những bất đồng về Biển Ðông. Thông tín viên Irwin Loy tường trình cho đài VOA từ Phnom Penh.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tìm cách duy trì một sự hiện diện thống nhất trước công chúng khi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này, tiếp theo các cuộc họp cấp bộ trưởng gây nhiều chia rẽ hồi tháng 7.

Chủ yếu họ đã tránh cãi cọ công khai qua giới truyền thông cho đến khi một thông cáo do chủ tịch ASEAN là Campuchia đưa ra hồi khuya hôm qua.

Giới chức Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kimhourn phát biểu với các phóng viên.

Ông Kimhourn nói: “Các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định họ sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông kể từ nay trở đi. Rằng họ sẽ tập trung vấn đề này hoàn toàn bên trong các cơ chế hiện hữu giữa ASEAN và Trung Quốc, hiện đang ở cấp bậc bộ trưởng, và các nhà lãnh đạo, nơi họ sẽ tiếp tục tham gia thảo luận về vấn đề Biển Ðông.”

Ðến thứ hai, Philippines đã phản đối. Phái đoàn Philippines công bố một tuyên ngôn ngắn nói rằng họ muốn giữ nguyên “quyền cố hữu được bảo vệ lợi ích quốc gia khi xét thấy là cần thiết.”

Philippines vội nói thêm rằng họ cũng quan tâm đế việc duy trì tình đoàn kết ASEAN.

Nhưng sự kiện này gợi nhớ đến hồi tháng 7, khi Campuchia bị tố cáo là ủng hộ Trung Quốc trong vụ tranh chấp lãnh hải kéo dài qua việc từ chối các yêu sách của Philippines đề cập đến một dãy đạo có tranh chấp trong thông cáo chính thức chung cuộc.

Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia đều đòi chủ quyền nhiều phần trong Biển Ðông, nhưng chính những khu vực lớn mà cường quốc trong vùng là Trung Quốc đòi chủ quyền, mới gây ra những bất đồng trong nội bộ ASEAN.

Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Trung Quốc muốn thương nghị một giải pháp cho các vụ tranh chấp với từng nước một thay vì với cả khối. Do đó, bất kỳ sự đồng thuận nào của ASEAN nhằm không quốc tế hóa vấn đề, đều có thể được coi là làm theo ý của Trung Quốc.

Nhưng vẫn còn một sự cách biệt lớn giữa ASEAN và Trung Quốc khi nói đến việc bắt đầu thương nghị. ASEAN tuần này quyết định thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử cho các bên có liên quan đã được chờ đợi lâu nay. Nhưng Trung Quốc dường như miễn cưỡng.

Ông Tần Cương, một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc, nói: “Quý vị biết là phải mất một thời gian để Trung Quốc và ASEAN bàn thảo về Bộ Quy tắc Ứng xử, và đây không phải là mất thời giờ bởi vì trong khi thảo luận, chúng ta có thể xây dựng và tích lũy thêm sự đồng thuận và tin tưởng chung để tìm ra những phương sách tốt hơn nhằm giữ cho khu vực được hoà bình và ổn định.”

Dù bằng cách nào, thì dường như có phần chắc vấn đề sẽ được nêu ra trên trường quốc tế ngay từ ngày mai, thứ ba, trong cuộc họp thượng đỉnh Ðông Á, một diễn đàn bao gồm các nước bên ngoài biên giới của ASEAN.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG