Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Ấn Độ xem xét luật ly dị cấp tốc của đạo Hồi


Tối cao Pháp viện Ấn Độ đang thụ lý đơn kiện của một phụ nữ Hồi giáo về luật cho phép ly dị cấp tốc.
Tối cao Pháp viện Ấn Độ đang thụ lý đơn kiện của một phụ nữ Hồi giáo về luật cho phép ly dị cấp tốc.

Tối cao Pháp viện Ấn Độ đang xem xét một luật lệ về gia đình của Hồi giáo, theo đó những người đàn ông theo đạo Hồi có thể ly dị vợ bằng cách nói “talak” ba lần. Tòa án này đang thụ lý đơn kiện của một phụ nữ Hồi giáo cho rằng ly dị cấp tốc và đa thê là vi phạm hiến pháp. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đà VOA tại New Dehli, các tổ chức Hồi giáo bảo thủ mạnh mẽ chống đối sự duyệt xét của các cơ quan tư pháp đối với những luật lệ Hồi giáo chi phối những vấn đề liên quan tới gia đình.

Đơn kiện này được nộp bởi bà Shayara Bano, một phụ nữ Hồi giáo kết hôn được 13 năm và bị chồng ly dị thông qua thủ tục gọi là “nói talak ba lần”. Bà cho rằng luật lệ đó xem phụ nữ như “đồ tế nhuyễn của đàn ông” và đi ngược với những nguyên tắc hiện đại về quyền con người và bình đẳng giới.

Trong đơn kiện, bà Bano cho biết đã có những trường hợp người chồng ly dị vợ bằng cách gởi cho người vợ 3 chữ talak qua Facebook, Skype hoặc tin nhắn.

Ấn Độ có những luật lệ riêng rẽ cho mỗi tôn giáo liên quan tới các vấn đề hôn nhân, thừa kế, nhận con nuôi và cấp dưỡng.

Yêu cầu của bà Bano đòi loại bỏ thủ tục “nói talak ba lần” nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người tranh đấu cho nữ quyền – những người lâu nay đã hô hào cấm chỉ tập tục mà họ cho là không để cho phụ nữ có tiếng nói.

Bà Noorjehan Safia Niaz là người đồng sáng lập BMMA, một tổ chức Hồi giáo dẫn đầu cuộc vận động đòi hủy bỏ chế độ “nói talak ba lần”. Bà Niaz cho biết như sau:

"Sự độc đoán này tác động rất nhiều đối với bà ấy. Bà ấy không có quyền gì trong toàn bộ tiến trình này. hòan toàn không có chỗ cho ý kiến của bà ấy, tiếng nói của bà ấy".

Những tổ chức như BMMA và một số học giả về luật Sharia của đạo Hồi cho biết chế độ “nói talak ba lần” hiện hành đi ngược với thủ tục ly dị mà Kinh Koran nói tới. Họ cho biết tiếng talak lẽ ra phải được nói lên 3 lần trong vòng 3 tháng và phải đi kèm với những nỗ lực hòa giải.

Việc nói talak ba lần cùng một lúc, như được cho phép ở Ấn Độ, bị cấm chỉ tại nhiều nước, trong đó có Pakistan, Iran, Indonesia và Bangladesh.

Nhiều phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ đang hô hào cho việc áp dụng những luật lệ Hồi giáo rõ ràng để hình sự hóa đa thê và ly dị đơn phương.

Một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức BMMA cho thấy hơn 90% phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ muốn cấm ngay những vụ “ly dị miệng”. Họ nói rằng tập tục này là một sự bất công hết sức lớn.

Một ủy ban của chính phủ chuyên nghiên cứu về địa vị phụ nữ ở Ấn Độ cũng đề nghị đặt tập tục “nói talak ba lần” ra khỏi vòng pháp luật. Họ nói rằng hủ tục này làm cho những người vợ Hồi giáo thiếu an toàn và dễ bị tổn thương.

Thứ Hai vừa qua, trong lúc xem xét đơn kiện của bà Sharaya Bano, Tối cao Pháp viện đã ra lệnh cho chính phủ nộp bản báo cáo đó.

Phụ nữ Hồi giáo ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đang cầu nguyện tại đền thờ Sufi Saint Syed Abdul Qadir Jilani.
Phụ nữ Hồi giáo ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đang cầu nguyện tại đền thờ Sufi Saint Syed Abdul Qadir Jilani.

Ông Tahir Mahmood, một chuyên gia về luật Hồi giáo, cho biết tuy nhiều phụ nữ đã yêu cầu Tối cao Pháp viện phân xử để bảo vệ quyền lợi trong hôn nhân của họ, nhưng đơn kiện mới nhất này theo đuổi một cách thức hoàn toàn mới mẻ.

"Thay vì duy trì sự tán đồng đối với những gì mà luật Hồi giáo cung cấp, có người đang nói rằng toàn bộ tiến trình này là vi hiến. Đây là một việc mới mẻ".

Tuy nhiên, nỗ lực cải cách luật ly dị gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các giáo sĩ và những tổ chức Hồi giáo có nhiều thế lực, như Hội đồng Luật Hồi giáo Cá nhân Toàn Ấn (AIMPLB). Tổ chức này cho rằng các cơ quan tư pháp không có quyền phán xét về hiệu lực của các luật lệ cá nhân của đạo Hồi.

Ông Syed Qasim Rasool Ilyas, một thành viên nổi tiếng của AIMPLB, cho biết như sau:

"Chúng tôi nói với Tối cao Pháp viện rằng luật Hồi giáo không do quốc hội của nước này làm ra. Nó được quy định bởi Kinh Koran. Đây là một vấn đề tôn giáo, và trong các vấn đề tôn giáo, Tối cao Pháp viện không có vị thế pháp lý".

Ông Ilyas cho rằng vấn đề “nói talak ba lần” đã bị thổi phồng và tổ chức AIMPLB đang tiến hành một chiến dịch cải cách để hạn chế việc sử dụng tập tục này và nâng cao nhận thức của những người đàn ông theo đạo Hồi.

"Họ nên được dạy dỗ một cách thích đáng, họ nên được giáo dục một cách thích đáng, để cho những tình huống như thế này không còn tồn tại".

Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của phụ nữ cho rằng AIMPLB không đại diện cho cộng đồng Hồi giáo và những nỗ lực giáo dục của họ về vấn đề này không mang lại kết quả nào đáng kể.

Về việc này, bà Niaz của tổ chức BMMA, cho biết như sau:

"Mặc dầu rất nhiều phụ nữ phải bị khổ sở, mặc dù nhiều tổ chức của phụ nữ Hồi giáo muốn thay đổi, tổ chức này không hề đáp ứng những đòi hỏi của họ và không muốn thay đổi, không muốn đi theo thời đại. Như vậy thì tại sao người ta lại nghe họ?"

Tuy có sự can thiệp của tư pháp, học giả Tahir Mahmood cho rằng cuộc vận động để loại bỏ “nói talak ba lần” khó lòng đạt được kết quả một cách nhanh chóng bởi vì một sự thay đổi như vậy cũng cần có sự ủng hộ của chính phủ.

"Cộng đồng chưa sẵn sàng, bộ phận của cộng đồng đang chịu ảnh hưởng của các đại giáo sĩ. Vấn đề khó khăn là những kẻ cầm quyền chỉ nghe theo những giáo sĩ đó, mà không chịu lắng nghe tiếng nói của những người tỉnh táo hơn, khôn ngoan hơn".

Vì không muốn gây bất bình cho các giáo sĩ và những tổ chức Hồi giáo có nhiều thế lực, những đảng phái nắm quyền ở Ấn Độ đã né tránh vấn đề nhạy cảm này. Người Hồi giáo là khối tôn giáo thiểu số lớn nhất ở Ấn Độ. Họ chiếm đến 13% dân số và là một khối cử tri mà nhiều đảng phái cần phải ra sức để tranh thủ sự ủng hộ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG