Đường dẫn truy cập

Tình trạng phụ nữ Afghanistan khá hơn, nhưng còn sự ngược đãi


Phụ nữ trong thủ đô Kabul, Afghanistăn
Phụ nữ trong thủ đô Kabul, Afghanistăn
Một bản phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc nói nước Afghanistan bị xung đột xâu xé đã đạt được tiến bộ trong việc bảo vệ phụ nữ chống lại bạo lực nhưng nhiều người vẫn bị ngược đãi. Liên Hiệp Quốc kêu gọi giới hữu trách Afghanistan thực hiện “các biện pháp lớn hơn” để giải quyết vấn đề này một cách hữu hiệu. Bản phúc trình được đưa ra một ngày sau khi giới chức phụ trách vấn đề phụ nữ của một tỉnh bị bắn chết trên đường đi làm.

Trong bản phúc trình công bố hôm thứ ba ở Kabul. Phái bộ Hỗ trợ Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan tiết lộ rằng con số các vụ tấn công bạo động nhắm vào phụ nữ đươc báo cáo ở Afghanistan đã tăng hơn gấp đôi trong 1 năm.

Giám đốc phái bộ nhân quyền Liên Hiệp Quốc Georgette Gagnon nói các công tố viên và các toà án Afghanistan hiện đang ghi nhận thêm các trường hợp bạo động nhắm vào phụ nữ và kết án thêm những thủ phạm gây ra các tội ác đó. Bà Gagnon nói:

“Sự gia tăng trong việc báo cáo là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy các nỗ lực của xã hội dân sự, của chính phủ, của các tác nhân quốc tế và giới truyền thông đã làm tăng nhận thức và sự cảm nhận của quần chúng đối với bạo lực nhắm vào phụ nữ và các hậu quả tai hại và tội phạm.”

Nhưng bà nói những vụ bạo động nhắm vào phụ nữ ở Afghanistan vẫn còn chưa được báo cáo đầy đủ vì những hạn chế về văn hóa, các phong tục xã hội và các thói quen thường lệ. Bà cũng nêu ra rằng “sự thiếu an ninh lan tràn và một nền pháp trị yếu ớt” đã gây trở ngại cho việc phụ nữ tiếp cận các cơ chế công lý chính thức.

Bà Gagnon nói: “Các sự việc đến được với cơ quan thi hành công lực và thực sự được đưa lên toà án hay được sự chú ý của công chúng vì bản chất nổi bật của chúng chỉ tiêu biểu cho một phần nhỏ của vấn đề bạo lực nhắm vào phụ nữ trên khắp nước.”

Nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc đang yêu cầu chính phủ Afghanistan thực thi một bộ luật nhằm ngăn chặn bạo lực nhắm vào phụ nữ. Bà nhấn mạnh rằng tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề sẽ bị hạn chế cho đến khi nào bộ luật về việc Diệt trừ Bạo lực nhắm vào Phụ nữ, còn gọi tắt là EVAW được áp dụng phổ biến hơn.

Bà Gagnon nói tiếp: “Mặc dù các công tố viên và toà án ngày càng áp dụng bộ luật trong nhiều vụ đưọc báo cáo hơn về bạo lực nhắm vào phụ nữ, việc sử dụng bộ luật nói chung vẫn còn thấp, cho thấy rằng còn lâu phụ nữ và thiếu nữ ở Afghanistan mới được bảo vệ đầy đủ chống lại bạo lực qua bộ luật này.”

Ban hành vào tháng 8 năm 2009, dự luật của Afghanistan coi là phạm tội và quy định việc trừng phạt các hành động như hôn nhân trẻ em, hôn nhân cưỡng ép, mua bán phụ nữ dưới chiêu bài hôn nhân, đem phụ nữ hay thiếu nữ ra làm công cụ để giải quyết một vụ tranh chấp, cưỡng ép cắt xẻo bộ phận sinh dục, cưỡng hiếp và đánh đập.

Nhà lập pháp Afghanistan Gulalai Noor Safi nói với đài VOA rằng sự thiếu hiểu biết trong giới dân thường về luật pháp và quyền lợi của mình nói chung, cũng như tình trạng thiếu an ninh ở nhiều nơi trong nước, gây trở ngại cho việc thực thi bộ luật. Bà Safi nói:

Thiếu nữ Afghanistan nay đã có quyền đi học.
Thiếu nữ Afghanistan nay đã có quyền đi học.
“Bởi vì nhiều người không biết về bộ luật này. Và nhất là phụ nữ không biết về bộ luật và cách thức sử dụng bộ luật này để đem lại lợi ích cho phụ nữ. Và một điều nữa là, ở những nơi thiếu an ninh lại có hệ thống tư pháp địa phương và cổ truyền. Rất khó mà thực thi bộ luật ấy. Ðể thực thi mỗi luật lệ, ta cần có hòa bình, an ninh và dĩ nhiên là pháp trị.”

Trong khi nhà lập pháp Afghanistan thừa nhận rằng con đường dẫn nước bà đến chỗ giải quyết các vấn đề bạo lực đối với phụ nữ còn xa, bà nói triển vọng không đến nỗi u ám như cách đây 11 năm, khi phe Taliban còn nắm quyền.

Bà cho rằng thiếu nữ Afghanistan nay đã có quyền đi học, trong khi phụ nữ vào quốc hội và được phép làm việc bên ngoài gia đình mà không bị hạn chế.

Trước khi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo tiến quân vào Afghanistan và lật đổ chế độ Taliban vào cuối năm 2011, người Hồi giáo cấm phụ nữ đi làm và các em gái không được đi học.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG