Đường dẫn truy cập

Tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập cơ quan Asio Australia


Tòa nhà Asio Australia (Ảnh: Chris Beer)
Tòa nhà Asio Australia (Ảnh: Chris Beer)
please wait

No media source currently available

0:00 0:08:47 0:00
Tải xuống

Một chiến trận mới càng ngày càng trở nên khốc liệt là khả năng của tin tặc xâm nhập hệ thống an ninh trong lĩnh vực công quyền hoặc thương trường và công nghệ, đặc biệt là giữa những cường quốc quân sự và kinh tế. Tin tặc có thể là những cá nhân có biệt tài vi tính, hoặc những tổ chức bí mật hoạt động bất hợp pháp, hoặc là do nhà nước chủ động – chẳng hạn như đơn vị tin tặc của quân đội nhân dân Trung Quốc mà công luận quốc tế đã nhiều lần đề cập và Bắc Kinh đã nhiều lần cải chính.

Trong lịch sử, nhu cầu và bản chất của tình báo và phản gián giữa các quốc gia – đôi khi là đồng minh, nhưng nhiều lúc là địch thủ - không thay đổi, chỉ có phương tiện và kỹ thuật áp dụng là thay đổi. Ngày nay, tin tặc là thành phần quan trọng của cuộc chiến mới trong một ‘trật tự mới’ của thế kỷ mới thứ 21.

Tổng thống Obama gặp gỡ Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, California, 7/6/2013
Tổng thống Obama gặp gỡ Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, California, 7/6/2013
Quan trọng đến mức độ mà vấn đề tin tặc và an ninh mạng (cyber security) đã là đề tài quan trọng trong cuộc hội kiến lịch sử lần đầu tiên hồi cuối tuần, giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tân Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Palm Spring thuộc Miền Nam Bang California. Quan trọng đến mức độ mà các diễn đàn an ninh thế giới hoặc khu vực, tin tặc và an ninh mạng đã trở thành đề tài không thể thiếu. Hồi đầu tháng 6 năm nay 2013, tại Đối thoại Chiến lược thường niên Shangri-La tại Singapore, ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ, cũng đã nêu lên vấn đề nầy khi gặp gỡ, thảo luận với các đối tác thân hữu hoặc đối tác cạnh tranh như Trung Quốc.

Tại Australia, một cuộc tranh luận đã dấy lên khi hệ thống truyền thông quốc gia ABC Australia phát hiện điều mà đài ABC TV Australia cáo buộc là tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập được trụ sở mới đang xây của Cơ quan Tình báo Quốc nội Australia gọi tắt là ASIO [Australian Security Intelligence Organisation] ở thủ đô Canberra.

Đài ABC Australia, trong chương trình thời sự Four Corners được phát hình hồi cuối tháng vừa qua, tiết lộ rằng ‘tin tặc Trung Quốc’ đã xâm nhập và đánh cắp được bản đồ thiết kế trụ sở trung ương của Cục Tình báo Quốc nội Asio. Cũng theo nguồn tin nầy, tin tặc đã vượt qua được mạng lưới bảo mật hệ thống điện toán của một công ty xây dựng đối tác với Asio. Người ta không biết là sự xâm nhập này đã xảy ra lúc nào, nhưng có thể là vào năm 2009 hoặc 2010, tức là một, hai năm sau khi công tác xây dựng trụ sở mới bắt đầu. Nếu đúng vậy, thì có thể Asio đã có đủ thời giờ để thay đổi đồ án. Điều này có thể đã xảy ra, cho nên dự án xây dựng này đã quá hạn mà Trụ sở chính của Asio vẫn chưa hoàn tất. Trụ sở này dự trù hoàn tất vào tháng 4 năm nay 2013. Vì sự chậm trễ nầy mà tổng phí công trình đã lên đến 630 triệu dollars Úc, tức là cao hơn ngân sách dự định 41 triệu dollars.

Trụ sở chính của Cơ quan Tình báo Asio đang được xây dựng tại Canberra

Tuy nhiên, ngoài lý do thời gian và tiền bạc, giới nghiên cứu an ninh tình báo Úc Châu đánh giá việc này ở mức độ chuyên môn và coi đây là một ‘sơ hở’ quan trọng. Giáo sư Desmond Ball của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Đại học Quốc gia Úc ANU, nêu lên nghi vấn về tương lai của trụ sở này về phương diện an toàn bảo mật. Giáo sư Desmond Ball lập luận rằng một khi mà tình báo Trung Quốc đã có trong tay sơ đồ của dự án, họ có thể hình dung được hệ thống truyền thông, nên thiết bị bên trong trụ sở có thể sẽ phải tháo gỡ và làm lại ngay từ đầu. Điều này đã có tiền lệ, khi trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, bị tình báo Liên Xô trước đây xâm nhập và do đó các thiết bị bên trong đại-sứ-quán đã phải được tháo gỡ và làm lại.

Dựa vào lập luận này và trước cuộc điều trần Thượng viện, Nghị sĩ Đảng Tự do Arthur Sinodinos chất vấn tiến sĩ Margot McCarthy, Cố vấn An ninh Chính phủ, về việc trụ sở mới của Asio có thể sẽ phải được bố trí theo một sơ đồ mới. Tiến sĩ McCarthy núp sau các lời tuyên bố của chính phủ và từ chối bình luận.

Tiết lộ của Đài Truyền hình ABC Australia – một công quản truyền thông do ngân sách quốc gia đài thọ, nhưng độc lập về phương diện biên tập – còn gây khó khăn cho chính phủ về mặt sinh hoạt chính trị quốc nội và bang giao song phương với Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã bị Cơ quan Tình báo Asio đặt thiết bị nghe lén trong thập niên 1990 - Photo: Fairfax - Andrew Meares.

Theo thông lệ, chính phủ không bình luận về các vấn đề an ninh tình báo. Nhưng Thủ tướng Julia Gillard vẫn phải lên tiếng trấn an công luận khi nói rằng những tiết lộ của Đài ABC Australia ‘không chính xác’ và tấn công tin tặc, nếu có, đã không thành công.

Bộ trưởng Tư Pháp, Dân biểu Mark Dreyfus – là viên chức mà Cơ quan Tình báo Asio tùy thuộc, cũng đã né tránh các chất vấn của phe đối lập và của giới truyền thông Úc Châu. Nhưng Phát ngôn viên Tư Pháp đối lập (Shadow Attorney-General) Nghị sĩ George Brandis thì nói rằng chính phủ phải đối diện với vấn đề này và không thể núp sau ‘bình phong an ninh’.

Ông nói: “Tiết lộ của Đài ABC Australia rất quan trọng, mặc dầu tôi cũng hiểu rằng chính phủ cần thận trọng và không thể làm suy yếu khả năng thu thập tình báo của Asio. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng Bộ trưởng Tư Pháp có thể ‘im lặng như tờ’, vì tính cách quan trọng của sự việc này.

Lãnh tụ đối lập Tony Abbott còn lên tiếng đòi hỏi Thủ tướng Julia Gillard phải bảo đảm rằng chính phủ cung cấp đầy đủ ngân sách cần thiết cho các cơ quan có chức năng bảo vệ an ninh cho Australia như Cục Tình báo Asio, Tổng bha Cảnh sát Liên bang và Tổng Cục Quan thuế/Hải quan.

Về mặt đối ngoại, Nghị sĩ Bob Carr, Bộ trưởng Ngoại Giao Úc, từ chối xác nhận là tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập các cơ sở công quyền tại Úc và xác quyết rằng những tiết lộ của Đài Truyền Hình ABC Australia không làm tổn thương bang giao song phương giữa Canberra và Bắc Kinh. Nghị sĩ Bob Carr nói rằng: “Tiết lộ này không có ảnh hưởng gì đến quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chúng ta có hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc và tôi không bình luận gì về việc có hay không có vấn đề tin tặc như đã cáo buộc.”

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác giao thương số một của Australia. Hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Julia Gillard đã công du Trung Quốc và một thỏa hiệp đối tác chiến lược đã được ký với Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Tại Canberra, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng tiết lộ của Đài ABC Australia hoàn toàn vô-căn-cứ và có thể là do ác ý của một vài phần tử nào đó. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi còn nói thêm rằng: “Trung Quốc chống đối mọi mưu toan tấn công tin tặc mà chính Trung Quốc cũng là một nạn nhân. Và đây là một vấn đề của toàn thế giới”.

Ăn Miếng Trả Miếng

Nhân vụ tấn công tin tặc này, báo chí Úc Châu có dịp nhắc lại chuyện cũ để chứng tỏ rằng nhu cầu thu thập tin tức tình báo không thay đổi qua thời gian, dù là trong thời kỳ chiến tranh lạnh hay hậu chiến tranh lạnh như hiện nay.

Sau khi Thủ tướng Lao động Gough Whitlam công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hồi cuối năm 1972 - và thiết lập bang giao ở cấp đại sứ, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng trụ sở đại sứ quán tại Canberra. Trong tiến trình xây dựng này, tình báo Úc Châu đã đặt nhiều phương tiện nghe lén trong tường của Đại sứ quán. Khi xây cất trụ sở đại sứ quán mới, Bắc Kinh đã đòi hỏi và được Canberra đồng ý – là tất cả công nhân xây cất đều là công dân Trung Quốc đến từ Hoa Lục và không một người Úc nào được phép đặt chân đến công trường.

Một giai thoại tình báo khác với Liên Xô cũng được nhắc đến. Hồi đầu thập niên 1950, sau khi điệp viên KGB Wladmir Petrov đào nhiệm tại Australia, toàn thể nhân viên Đại sứ quán Liên Xô trở về nước và đại sứ quán bị đóng cửa. Trong thời gian trước khi họ mở cửa lại năm 1959, đại sứ quán Liên Xô tại Canberra đã bị tình báo Úc và tình báo Anh Quốc đặt lén nhiều thiết bị. Nhưng nỗ lực nầy có vẻ không thành công, vì Canberra và London đã không thu thập được tin tức gì đáng kể.

Ngược lại, Chính phủ Australia đã đề nghị giúp Liên Bang Nga xây dựng trụ sở đại sứ quán mới tại khu ngoại giao của Canberra, nhưng hảo ý này bị từ chối, mặc dù trụ sở đại sứ quán hiện nay vẫn tọa lạc tại một khu phố khiêm tốn như hồi thập niên 1950. Người ta nghi ngờ sự từ chối nầy, có thể là vì vị trí của Đại sứ quán Nga có tầm nhìn thẳng [direct line-of-sight] đến cột truyền tin trên đỉnh Black Mountain là địa điểm lý tưởng để Đại sứ quán bắt những tín hiệu truyền thông trao đổi ngày đêm tại thủ đô Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG