Đường dẫn truy cập

Snowden xin tỵ nạn chính trị ở Nga


Tin về vụ Snowden trên truyền hình trong phi trường Nga.
Tin về vụ Snowden trên truyền hình trong phi trường Nga.
Một giới chức di trú Nga cho hay hôm thứ hai rằng người Mỹ bị truy nã Edward Snowden đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị ở Nga.

Viên chức nói chuyện với các phóng viên Nga và quốc tế với điều kiện không nêu danh tính nói rằng một người hoạt động của WikiLeaks đang đi cùng với ông Snowden đã chuyển đơn của ông đến một lãnh sự quán của Nga tại khu vực quá cảnh tại phi trường quốc tế Moscow hôm chủ nhật.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, nước ông chưa bao giờ dẫn độ ai trước đây, và rằng ông Snowden có thể ở lại Moscow nếu ông ngưng công bố những tiết lộ.

Hôm thứ hai ông Putin nói nếu ông Snowden muốn ở lại Nga ông ta “phải ngưng công việc nhắm gây phương hại cho các đối tác Mỹ của chúng tôi, cho dù điều này nghe rất lạ tai khi phát xuất từ phía chính tôi.”

Tổng thống Nga nói cựu nhân viên khế ước làm việc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ “không phải là một điệp viên Nga,” và ông nhắc lại rằng các dịch vụ tình báo Nga không làm việc với ông Snowden, người được cho là vẫn còn ở trong khu vực quá cảnh tại phi trường quốc tế Moscow 8 ngày sau khi đến từ Hong Kong.

Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hạ giảm tầm quan trọng của một vụ tranh cãi có liên quan về việc liệu Washington có theo dõi các đòng minh Âu châu của mình hay không, và nói rằng tất cả các dịch vụ tình báo trên thế giới đều cố gắng tìm hiểu xem các quốc gia khác suy nghĩ gì.

Phát biểu tại Tanzania, ông Obama cho biết Hoa Kỳ vẫn còn đang đánh giá các báo cáo của tuần báo Der Spiegel của Ðức về chương trình theo dõi và sẽ liên lạc với các đối tác Âu châu để cung cấp tất cả thông tin mà họ yêu cầu.

Nhiều nhà lãnh đạo Âu châu, kể cả Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Nghị viện EU Martin Schulz, đã cực lực chỉ trích các cáo buộc cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ gắn thiết bị nghe lén tại các văn phòng của EU và xâm nhập các mạng lưới điện toán nội bộ của Liên hiệp.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Merkel hôm nay nói tại Berlin rằng sự tin tưởng lẫn nhau phải được phục hồi sau khi các cáo buộc xuất hiện trên tuần báo Der Spiegel hôm thứ Bảy.

Tạp chí này đưa tin NSA đặt thiết bị nghe lén tại các văn phòng của EU ở Washington, Brussels và Liên Hiệp Quốc ở New York cũng như thâm nhập vào máy tính của EU để theo dõi cuộc trao đổi qua điện thoại, email và các tài liệu khác. Tờ báo trích dẫn các tài liệu bí mật của Mỹ được cựu nhân viên thầu khoán của NSA là Edward Snowden tiết lộ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hiện tham gia các cuộc đàm phán về hòa bình Trung Đông, hôm nay cho biết ông không hay biết về các thông tin vừa kể, nhưng nói rằng “không phải là điều bất thường” khi nhiều nước thực hiện các nỗ lực bảo vệ an ninh nước mình.

Ông Kerry nói: “Tôi có thể nói rằng tất cả mọi nước trên thế giới tham gia vào các vấn đề quốc tế về an ninh quốc gia đều tiến hành nhiều hoạt động để bảo vệ an ninh quốc gia và mọi loại thông tin đều đóng góp vào công tác đó.

Ông Snowden chạy trốn khỏi Hoa Kỳ đến Hong Kong hồi tháng 5 và sau đó tiết lộ các văn kiện quan trọng về các chương trình theo dõi đang được Cơ quan An ninh Quốc gia tiến hành để ngăn chặn khủng bố. Ông được cho là đang xin tỵ nạn ở Ecuador.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa hôm chủ nhật tuyên bố số phận của ông Snowden nằm trong tay chính quyền Nga bởi vì ông ta không thể rời khỏi phi trường mà không có hộ chiếu hợp pháp. Ông Correa nói chính phủ của ông không thể bắt đầu việc cứu xét xin tỵ nạn của ông Snowden cho đến khi nào ông đến Eucuador hoặc một đại sứ quán của Ecuador.

VOA Express

XS
SM
MD
LG