Đường dẫn truy cập

Thượng viện Mỹ bắt đầu thảo luận về Luật Cải tổ Di trú


Các công nhân di dân.
Các công nhân di dân.
please wait

No media source currently available

0:00 0:09:42 0:00
Tải xuống

Thượng viện Hoa Kỳ đã mở các phiên tranh luận xem xét toàn bộ hệ thống di trú nước Mỹ theo một dự luật do một “Nhóm 8 Thượng nghị sĩ” của hai đảng soạn thảo. Những người ủng hộ và chống đối việc cải tổ tranh luận tại Thượng viện vào ngày thứ Sáu vừa qua. Trong câu chuyện nước Mỹ tuần này, mời quý thính giả theo dõi vấn đề cải tổ di trú tại Mỹ qua bài viết của các Thông tín viên Đài VOA Cindy Saine, Jerome Socolovsky và Kate Woodsome.

Thượng nghị sĩ Harry Reid thuộc đảng Dân chủ, lãnh tụ khối đa số ca ngợi dự luật cải tổ hệ thống di trú vào ngày thứ nhất của cuộc tranh luận dự trù kéo dài vài tuần lễ.

“Hệ thống của chúng ta bị hỏng và cần được chỉnh sửa lại. Thật phấn khởi được thấy đà tiến đằng sau những cải tổ hợp lý này, những cải tổ sẽ giúp cho đất nước chúng ta an toàn hơn và giúp cho 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp lệ trở nên hợp pháp.”

Thượng nghị sĩ Reid nói ông hy vọng toàn thể Thượng viện sẽ chung quyết dự luật này trước khi nghỉ lễ Độc lập 4 tháng 7.

Nghị sĩ Jeff Sessions nói nhiều người Mỹ chống lại ý tưởng đưa ra một con đường trở thành công dân Mỹ cho những người đến Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp.
Nghị sĩ Jeff Sessions nói nhiều người Mỹ chống lại ý tưởng đưa ra một con đường trở thành công dân Mỹ cho những người đến Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên sự lạc quan của Thượng nghị sĩ Reid về đà tiến của dự luật bị Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Sessions bang Alabama chặn lại. Nghị sĩ Jeff Sessions nói nhiều người Mỹ chống lại ý tưởng đưa ra một con đường trở thành công dân Mỹ cho những người đến Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp. Ông nói:

“Bạn không được phép trả tiền cho một người hướng dẫn và vượt biên giới bất hợp pháp và 18 tháng sau đó yêu cầu có một con đường trở thành công dân tại Hoa Kỳ. Đây không phải là luật.”

Các tác giả của dự luật nói dự luật đòi hỏi những người có mặt tại Mỹ bất hợp pháp phải trả một khoản tiền phạt và phải trả thuế và phải đợi nhiều năm cho tới khi có cơ hội trở thành công dân, và việc này có liên hệ đến việc kiểm soát biên giới chặt chẽ. Tuy nhiên những người chống đối nói họ e ngại dự luật sẽ tiến đến một sự ân xá trên thực tế, và thêm hàng triệu người khác nữa có thể vào Mỹ bất hợp pháp.

Bà Jill Wilson là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings. Bà nói con đường để trở thành công dân hiện nay là một vấn đề gây nhiều chia rẽ nhất và những người thuộc đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Sessions nhớ lại vụ ân xá cho ba triệu người vào năm 1986. Bà nói:

“Những người chống đối dự luật cần có được sự đảm bảo mạnh mẽ là việc di dân bất hợp pháp trên diện rộng sẽ không xảy ra nữa và sự cần thiết về một chương trình hợp pháp hóa nữa sẽ không diễn ra.”

Bà Wilson nói toàn thể cuộc tranh luận về di trú giống như trượt trên đường vòng xoáy trong vài tháng qua và có thể có những biến chuyển không ngờ khác trong những ngày tới. Một vấn đề khác có thể khó khăn là dự luật sẽ mang thêm vào nước Mỹ những công nhân công nghệ cao và những công nhân có kỹ năng thấp bằng visa làm việc tạm thời.

Ngay cả trong trường hợp được thông qua tại Thượng viện, dự luật cải tổ di trú cũng sẽ gặp nhiều chông gai tại Hạ viện, nơi các nhà lãnh đạo cho biết quyết tâm đưa dự luật riêng về di trú của họ ra thảo luận.

------------------------------------------------

Trong khi đó, nhiều tổ chức tôn giáo đang kêu gọi Quốc hội thông qua luật cải tổ di trú-trong số này có những người bảo thủ trong quá khứ. Những Cơ đốc nhân truyền giảng phúc âm xem đây là một cơ hội để mở rộng các hội thánh.

“Những nữ tu trên xe buýt” đang có chuyến đi trên toàn quốc. Những nữ tu này tạo được nhiều chú ý vào năm ngoái khi vận động chống lại kế hoạch ngân sách của đảng Cộng hòa.

Sơ Simone Campbell nói hiện nay các nữ tu muốn hàng triệu di dân bất hợp pháp được phép ở lại nước Mỹ.

“Chúng ta không được e ngại gì cả. Một nền dân chủ không thể thành công nếu e sợ. Điều chúng ta phải làm là nhìn lại quá khứ của chúng ta một cách rõ ràng. Quá khứ của chúng ta tốt đẹp vì di trú.”

Sơ Campbell nói nhiều người được các sơ Công giáo chăm lo là những người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ đang làm việc trong lãnh vực dịch vụ tại Hoa Kỳ.

“Chúng ta hàng ngày cũng thấy những đóng góp của di dân cho xã hội. Thường họ làm việc trong những công việc cực khổ nhất.”

Có thể nói rằng những phụ nữ tiến bộ này đang nói với những người đồng ý với họ.
Tuy nhiên nhiều nhà lãnh đạo truyền bá phúc âm bảo thủ đang truyền giảng cùng một thông điệp: “Ta là một người xứ lạ.”

Quảng cáo này là một phần của một chiến dịch căn cứ trên phúc âm cho rằng cải tổ di trú là một vấn đề đạo đức.

Mục sư Samuel Rodriguez cho biết có từ 30% đến 40% tín đồ Châu Mỹ La Tinh không có giấy tờ hợp lệ trong các hội thánh. Ông nói:

“Do đó trục xuất 11 triệu người có nghĩa là trục xuất hội thánh Châu Mỹ La Tinh mà trên căn bản khi nhìn vào tỉ lệ cải đạo, xem như chúng ta trục xuất tương lai của Cơ Đốc Giáo Hoa Kỳ.”

Thực vậy, những cuộc thăm dò mới đây cho thấy có ít người trẻ Hoa Kỳ tham gia các tổ chức tôn giáo.

Tuy nhiên ông Mark Tooley thuộc Viện Tôn giáo và Dân chủ có khuynh hướng bảo thủ nói việc ủng hộ cải tổ di trú không giúp cho các hội thánh có thêm tín đồ mới. Ông Tooley cho biết:

“Tôi là người có thái độ hoài nghi đối với ý kiến cho rằng vì một số nhà tryền giảng phúc âm da trắng lên tiếng nhân danh một tiến trình lập pháp đứng về phía những di dân bất hợp pháp thì các di dân sẽ được thu hút vào các hội thánh của họ.”

Những cuộc thăm dò mới đây cho thấy hầu hết những nhà truyền giảng phúc âm thiên về việc cải tổ di trú, dù rằng họ ít ủng hộ hơn các người Mỹ khác.

Một gia đình nhập cư vào Hoa Kỳ
Một gia đình nhập cư vào Hoa Kỳ
Mặt khác, những dữ kiện mới được Bộ An ninh Nội địa DHS công bố cho thấy hàng trăm di dân trẻ em, không có thân nhân đi kèm và không có giấy tờ, bị nhốt trong những trại giam của người lớn tại Mỹ, trái với luật lệ liên bang.

Việc tiết lộ này xảy ra giữa lúc nhà chức trách về di trú vất vả đối phó với con số ngày càng tăng chưa từng có trước đây, những thiếu niên di dân từ Châu Mỹ La Tinh vào nước Mỹ.

DHS giam giữ ít nhất 1.366 trẻ em trong các trại giam di dân người lớn từ năm 2008 đến 2012, theo như dữ liệu được Trung tâm Tư pháp Di dân Quốc gia công bố trong tuần này.

Tổ chức có trụ sở tại Chicago này có được những dữ liệu sau hai năm kiện DHS. Các thỏa thuận của qui định hòa giải đòi hỏi DHS công bố các dữ liệu của 30 trong số 250 trung tâm giam giữ di dân do DHS ký hợp đồng dịch vụ.

Trung tâm Tư pháp Di dân Quốc gia nói báo cáo bị hạn chế này chứng tỏ là con số trẻ em bị nhốt chung với người lớn có thể cao hơn nhiều.

Bà Mary Meg McCathy, giám đốc điều hành trung tâm nói đây là một tiết lộ gây kinh ngạc. Những trẻ em này bị cô lập, không được tiếp cận với các cố vấn pháp lý và có thể bị từ chối được bảo vệ theo luật của Hoa Kỳ. Việc này vượt quá thời gian Quốc hội nhập cuộc và qui trách nhiệm cho DHS về hệ thống giam giữ di dân trở nên quá lớn và không kiểm soát được. Việc khám phá này diễn ra giữa lúc Quốc hội đang soạn thảo luật mới để quản lý hệ thống di dân Hoa Kỳ, gồm có những quyền dành cho những người nước ngoài không có giấy tờ bị giam giữ.

Hiện nay, luật lệ liên bang đòi hỏi DHS giới thiệu trẻ em dưới 18 tuổi cho Văn phòng Tái định cư Người tị nạn thuộc Bộ Y tế và Xã hội trong vòng 72 giờ sau khi bị bắt.

Văn phòng này được giao nhiệm vụ đặc biệt để làm việc với những trẻ em di dân không có người đi kèm, đưa những trẻ em này vào một hệ thống các nơi tạm trú có những hỗ trợ về vật chất, thông dịch, những hoạt động giải trí và những dịch vụ đoàn tụ gia đình.

Tuy nhiên những con số của DHS cho thấy có hơn 1.300 trẻ em bị giam trong các trại giam của người lớn quá ba ngày. Trong 13 tiểu bang có khoảng 390 trẻ em di dân không có giấy tờ bị giam hơn một tháng trong các trại giam của quận, những trung tâm giam giữ và những nhà tù tư do Công ty Corrections Corporation of America điều hành. Trong số những em này có 15 em bị giam trong các trại giam người lớn hơn ba tháng, và bốn em bị giam từ 1.000 đến 3.600 ngày.

Bà Jennifer Podkul, một viên chức cao cấp lo về chương trình tại Ủy ban Người tỵ nạn Phụ nữ nói dữ liệu mới nhất vừa được DHS công bố là đáng lo ngại vì cho thấy chính phủ không hoàn toàn thành công trong việc đối xử với các trẻ em di dân không có người đi kèm. Trong khuôn khổ Luật An ninh Nội địa năm 2002, chính phủ Mỹ tách rời nhiệm vụ của nhà chức trách lo về di dân, trước đây là bắt giam và truy tố trẻ em với việc chăm sóc chúng.

Bà Podkul công nhận những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện tình trạng của những di dân trẻ em nhưng bà nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.

“Chính phủ cần phải cẩn thận hơn đối với trẻ em-cần phải đảm bảo là trẻ em được giam giữ tại những cơ sở thích hợp. Ngay cả trong những trạm kiểm soát biên giới cũng cần phải đảm bảo những điều kiện đặc biệt cho trẻ em.”
XS
SM
MD
LG