Đường dẫn truy cập

Thương mại Việt-Trung nở rộ bất kể tranh chấp Biển Ðông


Tàu Hong Ji của Trung Quốc tại cảng than Cửa Ông ở thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, Việt Nam
Tàu Hong Ji của Trung Quốc tại cảng than Cửa Ông ở thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, Việt Nam
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lại nổi lên trở lại hồi tháng 7 vì vùng lãnh thổ tranh chấp trong Biển Ðông. Bất kể sự cãi cọ mang tính dân tộc, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục nở rộ. Nhưng khác với Trung Quốc, Việt Nam đã hoan nghênh sự can dự của Hoa Kỳ vào vụ tranh chấp. Thông tín viên VOA Daniel Schearf vừa đến thăm vùng biên giới Việt-Trung và vùng vịnh chiến lược ở Biển Ðông và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bất kể các tranh chấp mang tính dân tộc, giao thương dọc theo biên giới Việt Trung đang nở rộ.

Các giới chức ở tỉnh Lạng Sơn nói gần 3 tỷ đôla các sản phẩm nông nghiệp và điện tử được trao đổi hàng năm với Trung Quốc.

Ông Nguyễn văn Chương, giám đốc văn phòng hải quan Tân Thanh, cho biết giao thương tăng khoảng 20% mỗi năm.

“Trong lĩnh vực thương mại thì gần đây như các bạn biết vẫn diễn ra bình thường, không có gì là trở ngại cả. Cả hai bên đều tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập bình thường. Như các anh thấy xe cộ đi lại rất là thuận lợi.”

Việt Nam cho phép hàng loạt các cuộc biểu tình công khai hiếm hoi phản đối Trung Quốc hồi tháng 7 sau khi Bắc Kinh đạt các thỏa thuận thăm dò dầu khí trong vùng lãnh hải có tranh chấp với Việt Nam ở Biển Ðông.

Sau đó Bắc Kinh đã loan báo lập thủ đô hành chính để cai quản các khu vực mà cả Brunei, Malaysia, Philippines và Ðài Loan cũng nhận chủ quyền.

Căng thẳng đã gây quan ngại trong giới buôn bán, như ông Nguyễn Việt Ðức, lo rằng các vấn đề chính trị có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.

“Quan hệ của công ty tôi đối với Trung Quốc thì cũng chưa lâu lắm, nhưng từ khi quan hệ đến nay thì liên tục, phát triển và tốt. Tôi cũng mong muốn là ở góc độ vĩ mô chính phủ hai nước quan tâm hơn và duy trì các hoạt động kinh doanh truyền thống trước đây đã có và tạo điều kiện cho hai bên các doanh nghiệp hoạt động tốt.”

Ðể kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam hoan nghênh sự can dự của Hoa Kỳ ở Biển Ðông, kể cả ở Vịnh chiến lược Cam Ranh, nơi đặt một căn cứ hải quân cấm.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta là giới chức Mỹ cấp cao nhất đi thăm vịnh này, từng là một căn cứ không quân Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam và sau đó là một căn cứ của Liên Xô.

Việt Nam đã mở lại vịnh để phục vụ các tàu hải quân nước ngoài vào năm 2010 và ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cam Ranh nói rằng tầm quan trọng của Vịnh đang gia tăng.

“Có thể nói Vịnh Cam Ranh là một nơi rất có tiềm năng để phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo giữ vững chủ quyền biên giới và biển đảo của quốc gia.”

Vịnh Cam Ranh mở về phía quân đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát kể từ khi xảy ra những vụ xung đột với Việt Nam vào năm 1974, cũng như quần đảo Trường Sa mà cả hai nước nhận chủ quyền.

Các giới chức cho rằng sự tập trung chú ý được đặt vào việc khai thác một trung tâm dịch vụ hậu cần mới cho cảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở vịnh này.

Nhưng Việt Nam cũng hoạch định việc trú đóng nhiều tầu ngầm do Nga chế tạo ở đấy để tăng cường khả năng phòng vệ, có thể gây khó chịu cho Bắc Kinh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG