Đường dẫn truy cập

Thủ lĩnh Nathan Law trong mắt tình nguyện viên người Việt


Nathan Law, 23 tuổi, vừa được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất của vùng lãnh thổ này.
Nathan Law, 23 tuổi, vừa được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất của vùng lãnh thổ này.

Nathan Law, 23 tuổi, một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông, còn được gọi “Cách mạng Dù” năm 2014, vừa được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất của vùng lãnh thổ này.

Nathan Law hiện là thủ lĩnh đảng chính trị mới thành lập Demosisto hồi tháng Tư. Anh cũng là Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông, và từng tham gia phong trào ủng hộ dân chủ cách đây 2 năm, đã khiến cho nhiều khu vực của Hồng Kông tê liệt suốt 79 ngày. Sau cuộc biểu tình rầm rộ, Nathan Law là một trong 5 thủ lĩnh sinh viên được mời ngồi vào bàn đàm phán với các giới chức hàng đầu của Hồng Kông.

Gương mặt thủ lĩnh sinh viên được mô tả là một người “ăn nói nhỏ nhẹ” nói với tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, có trụ sở ở Hồng Kông) hồi tháng 6 rằng thuở ấu thơ, anh chưa bao giờ nghĩ sẽ bước chân vào chính trị vì coi đó là “một trò chơi bẩn thỉu mà trong đó người ta đấu đá với nhau vì lợi ích cá nhân”.

Tin tức về thắng lợi của thủ lĩnh trẻ Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ ủng hộ dân chủ trên thế giới và trong khu vực.

Khánh An của đài VOA có cuộc trao đổi trực tiếp với bạn Effy Nguyễn, một Vlogger được biết tiếng gần đây về những video blog mang tính thời sự, đặc biệt là về sự cố ô nhiễm môi trường Formosa.

Effy Nguyễn là một sinh viên năm thứ 4 ngành Khoa học Chính trị tại Philippines. Anh cũng là một trong những tình nguyện viên trong một chiến dịch vận động của lãnh tụ trẻ Nathan Law. Hiện Effy Nguyễn đang có mặt tại Hồng Kông để tìm hiểu về quá trình bầu cử ở Hồng Kông và để ủng hộ cho những người bạn của mình là Nathan Law và Alex Chow, những lãnh tụ trẻ của phong trào biểu tình Dù, trong quá trình tranh cử để trở thành nghị sĩ quốc hội Hồng Kông.

Trong cuộc phỏng vấn ngắn với VOA tối thứ Hai, Effy Nguyễn cho VOA biết:

Effy Nguyễn: Một trong những lý do em đến Hồng Kông là vì 1 người bạn của em là Nathan Law, cậu ấy hiện giờ ra ứng cử vào chức nhà lập pháp trong nghị viện của Hồng Kông hiện tại bây giờ. Số ứng viên của cậu ấy là số 8.

VOA: Em quen Nathan Law và các lãnh tụ trẻ của Hồng Kông lâu chưa? Em có thể giới thiệu đôi nét đặt biệt về gương mặt lãnh tụ trẻ này không?

Effy Nguyễn: Em quen bạn Nathan Law và Alex Chow khoảng 5 tháng. Tụi em có gặp nhau trong một hội thảo về thanh niên dân chủ châu Á. Tụi em quen nhau qua hội thảo đó, cũng có nói chuyện sơ sơ, cười đùa với nhau… Em cũng tương đối hiểu tính của hai bạn. Bạn Alex Chow thì lớn hơn bạn Nathan Law, nhưng Alex Chow có vẻ tương đối dễ nói chuyện hơn vì bạn ấy còn nói chuyện đến các vấn đề xã hội. Còn Nathan Law thì rất tập trung vào chuyện chính trị. Bạn ấy là một người rất ư là dứt khoát và rất quyết đoán. Bạn ấy đã đặt ra con đường của mình và bạn ấy cứ tiến thẳng theo con đường ấy. Khi nói chuyện với bạn ấy thì thật sự là hơi khó nói về những vấn đề khác, chỉ có thể nói về chính trị với bạn ấy thôi. Bạn ấy có vài sở thích là chơi game, đọc sách hoặc tham gia hội thảo, nói chuyện với người khác về vấn đề chính trị.

Trong kỳ bầu cử vừa rồi, em cũng có tới thăm bạn ấy khi bạn ấy đang đứng ở trên đường, gặp gỡ mọi người, gặp gỡ cử tri để kêu gọi mọi người bầu cho bạn ấy. Bạn ấy cũng vui tính vẫy tay chào mọi người nhưng trông bạn ấy rất mệt mỏi vì chương trình của bạn ấy phải đặt kế hoạch trước 5, 6 tháng, rồi phải vận động tài chánh, người tình nguyện, vận động xã hội để được ngày hôm nay và việc trở thành nghị sĩ quốc hội là một con đường rất dài đối với bạn ấy. 5 tháng trước em gặp bạn ấy trông bạn ấy có vẻ mập mạp chút xíu, mà giờ trông bạn ấy gầy rục đi.

Hy vọng dân chủ cho Hồng Kông từ các lãnh tụ trẻ?

VOA: Theo quan sát của em, mức độ ủng hộ của cử tri Hồng Kông dành cho Nathan Law hiện nay như thế nào?

Effy Nguyễn: Bối cảnh ở Hồng Kông bây giờ không đơn giản như mọi người nghĩ như khi phong trào biểu tình Dù nổ ra. Trước phong trào biểu tình Dù, chỉ có 2 phe trong xã hội là phe dân chủ và phe ủng hộ Bắc Kinh. Phe dân chủ là phe đã làm bùng nổ ra cuộc biểu tình Dù. Nhưng sau cuộc biểu tình Dù, phe dân chủ đã bị vỡ tan tành thành nhiều mảnh. Có những người đồng ý với cuộc biểu tình Dù, có những người không đồng ý vì họ cảm nhận là cuộc biểu tình Dù đã thất bại, nhưng có những người xem đó là một thành công, và sau đó nó trở thành 3 hướng chính trong phong trào dân chủ ở Hồng Kông.

Đó là hướng cũ, tức là tiếp tục đấu tranh biểu tình ôn hòa, đấu tranh nghị trường để giành quyền lợi của mình để có thể đàm phán với Trung Quốc, với Bắc Kinh. Trong khi một phong trào khác trở nên cực đoan hơn. Họ sử dụng bạo lực, họ biểu tình bạo lực và họ đòi độc lập cho Hồng Kông trở thành một nước riêng giống như Singapore và họ được xã hội rất ủng hộ vì xã hội có vẻ mệt mỏi với phong trào đấu tranh ôn hòa và đấu tranh nghị trường.

Ngay sau đó lại có thêm một phong trào khác chống lại cái gọi là phong trào localist (địa phương) này. Họ muốn bảo vệ phong trào ôn hòa và họ thiết lập nên một cái gọi là New People Power, tức là Quyền lực của Nhân dân Mới. Họ cố gắng lấy lượng phiếu trong nhân dân bầu cho họ, để giảm lượng phiếu dành cho phe cực đoan kia.

Những người như Nathan Law và Joshua Wang thì họ lập ra một đảng phái khác. Những người này gọi là “radical”, là những người không đến nỗi cực đoan như những người kia nhưng cũng tương đối cực đoan. Khi em đi cùng họ, em thấy rất nhiều người đi qua đi lại giơ tay lên hô “Yes! Yes” như kiểu “Tôi ủng hộ bạn! Tôi ủng hộ bạn”, nhiều người lại chụp ảnh chung rồi ôm hôn… Nhưng cũng có nhiều người đi qua, đặc biệt là những người già, chỉ vào mặt Nathan Law và Joshua Wang cũng như những người tình nguyện cho Nathan Law, lúc đó em cũng là một tình nguyện viên của Nathan Law, em cũng đi giơ biển để kêu gọi mọi người ủng hộ cho Nathan Law, thì những người già nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Bắc Kinh thì đi qua chửi là “bán nước”, “mấy đứa gây rối loạn xã hội”…

Trước kết quả bầu cử đưa ra, em cảm nhận như xã hội Hồng Kông đánh mất hy vọng cho nền dân chủ. Nhưng khi đa số phần phiếu bầu được công bố ra, em thấy là họ rất ủng hộ Nathan Law và Joshua Wang, vì Nathan Law đứng thứ 2 trong quận mà cậu ấy ra ứng cử. Người đứng đầu là một người thuộc phe Bắc Kinh. Người này rất giàu có, rất có quyền lực trong xã hội và Bắc Kinh họ có cách để giàn xếp lấy được nhiều phiếu. Mà Nathan Law đứng được thứ 2 thì em thấy rất ngạc nhiên. Em nghĩ là xã hội Hồng Kông đang tìm lại hy vọng của mình và họ đang rất hy vọng vào những người trẻ như vậy.

Từ trường hợp Nathan Law, nghĩ về “tự do học thuật” tại VN

VOA: Từ trường hợp của Nathan Law, được xem là một lãnh tụ trẻ trưởng thành từ phong trào biểu tình dù ở Hồng Kông, so sánh với tình hình tại Việt Nam, em thấy có thể có một hay nhiều Nathan Law khác trong giới trẻ của Việt Nam trong tương lai hay không?

Effy Nguyễn: Thật sự mà nói, nó có một sự khác biệt giữa tình hình Hồng Kông và tình hình nước mình. Một phần nào đó Hồng Kông vẫn chịu sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng họ vẫn có chính quyền riêng của họ và họ vẫn có những người dân biểu tại nghị viện là người của họ. Và họ có cái gọi là “academic freedom”, tự do học thuật, và học sinh có quyền tự do thể hiện ý kiến, thể hiện chính kiến của mình và tự do biểu tình. Còn ở Việt Nam, theo em được biết, những cái đó không có.

Tuy nhiên, về tinh thần, em cũng biết và quen rất nhiều người ở Việt Nam họ thể hiện chính kiến của mình, có lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh, xuống đường biểu tình để phản đối bạo quyền, bất công, sẵn sàng lãnh đạo phong trào thanh niên. Nhưng sự đàn áp và bắt bớ của chính quyền Việt Nam căng thẳng hơn. Chính quyền Việt Nam có sự kiểm soát tốt hơn so với chính quyền Hồng Kông. Và người dân Hồng Kông nếu thấy cảnh sát đánh người thì họ lập tức lên tiếng, những cảnh sát này có thể bị tòa tuyên án và có thể bị phạt nữa.

Trong khi ở Việt Nam rất nhiều cảnh sát đánh người mà không bị sao cả. Cho nên cảnh sát cứ mặc sức đánh sinh viên nếu sinh viên xuống đường biểu tình. Một phần nữa là có sự ảnh hưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Họ đã bao vây kín cái gọi là tự do học thuật của sinh viên thì đâu thể có một phong trào sinh viên hùng mạnh ở trong các trường đại học ở Việt Nam được. Cho nên em rất thông cảm với sinh viên ở Việt Nam.

VOA: Cám ơn Effy Nguyễn đã dành thời gian cho đài VOA.

VOA Express

XS
SM
MD
LG