Đường dẫn truy cập

Thu hẹp phạm vi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích


Máy bay trinh sát AP-3C của Không quân Hoàng gia Úc bay ngang tàu Ocean Shield hỗ trợ việc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích ở Ấn Ðộ dương, ngày 9/4/2014.
Máy bay trinh sát AP-3C của Không quân Hoàng gia Úc bay ngang tàu Ocean Shield hỗ trợ việc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích ở Ấn Ðộ dương, ngày 9/4/2014.
Phạm vi tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines được thu hẹp thêm nữa trong ngày hôm nay, sau khi giới hữu trách xác nhận một chiếc tàu ở Ấn Ðộ dương trước đó nhận được thêm hai tín hiệu ping được cho là đã phát ra từ hộp đen của chiếc máy bay. Từ phòng tin Ðông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức cho biết họ tin tưởng nhiều hơn về việc có thể xác định được vị trí của xác máy bay Boeing 777 dưới đáy biển ở nam Ấn Ðộ dương.

Một thiết bị của Hải quân Hoa Kỳ được tàu Hải quân Australia kéo đến đã phát hiện được thêm các tín hiệu ngày hôm qua, sau khi có hai tín hiệu đã nhận được trong những ngày trước đó.

Người đứng đầu trung tâm điều phối cuộc tìm kiếm có nhiều nước tham gia ở thành phố Perth của Australia, ông Angus Houston, nói rằng tuy vậy vẫn còn quá sớm để tuyên bố là đã tìm ra vị trí của chiếc máy bay.

"Tôi tin là chúng tôi đang tìm kiếm tại đúng khu vực, nhưng chúng tôi cần phải nhìn thấy được chính chiếc máy bay thì mới có thể xác nhận một cách chắc chắn rằng đây là vị trí cuối cùng của chiếc máy bay số hiệu MH370."
Đồ họa trên màn hình TV cho thấy các khu vực tìm kiếm hiện nay, ngày 9/4/2014.
Đồ họa trên màn hình TV cho thấy các khu vực tìm kiếm hiện nay, ngày 9/4/2014.


Khu vực tìm kiếm hiện được thu hẹp lại trong phạm vi 75.000 kilômét vuông, tương đương với diện tích của nước Cộng hòa Czech.

Giới hữu trách hôm nay cho biết các tín hiệu âm thanh mà máy định vị tín hiệu ping của Hoa Kỳ do tàu Ocean Shield của Australia kéo theo đã nhận được không phát ra từ “những nguồn tự nhiên,” và có đặc điểm đúng với tín hiệu của thiết bị ghi dữ liệu phi hành và máy ghi âm buồng lái.

Một giới chức quân sự hàng đầu của Australia nói rằng một lớp bùn dày dưới đáy biển có thể đang chặn các tín hiệu phát ra từ chiếc hộp đen, gây khó khăn thêm cho việc xác định vị trí của chiếc máy bay ở dưới độ sâu mà rất ít tàu ngầm tới được.

Giới hữu trách nói rằng trước khi thả tàu lặn không người lái xuống biển để dò tìm chiếc hộp đen, các chuyên viên thực sự cần phải thu hẹp phạm vi của nguồn phát tín hiệu ping xuống còn khoảng vài trăm mét vuông. Điều này khiến cho cuộc tìm kiếm phải chạy đua với thời gian bởi vì thời hạn sử dụng 30 ngày trên lý thuyết của pin trong chiếc hộp đen đã hết.

Cuộc tìm kiếm rất tốn kém mà các giới chức chính phủ Australia và các nước khác thừa nhận là tiêu tốn mấy triệu đôla mỗi ngày đang trở thành một trong những cuộc tìm kiếm có qui mô lớn nhất trong lịch sử.

Nỗ lực thu hồi xác chiếc máy bay và thi thể các nạn nhân từ đáy biển sâu 4.500 mét sẽ là một công việc phức tạp và tốn kém nhiều hơn nữa. Phải mất gần 2 năm mới thu hồi được các chiếc hộp đen của chiếc máy bay của hãng hàng không Air France bị rớt ở Đại tây dương năm 2009. Các hộp ghi dữ liệu phi hành này được tìm thấy ở độ sâu gần 4.000 mét.

Chiếc máy bay, sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur để đi Bắc Kinh hôm 8 tháng 3, đã bay ra khỏi đường bay đã định và biến mất. Cuộc tìm kiếm tốn kém ban đầu đã tập trung vào các khu vực không đúng.

Có tất cả 239 người trên chiếc máy bay, đa số hành khách là người Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG