Đường dẫn truy cập

Các thỏa thuận đất đai ở Campuchia là mối quan tâm về nhân quyền


Dân cư sinh sống ven hồ Boeung Kak xuống đường biểu tình đòi bồi thường tại Phnom Penh, ngày 4/5/2012
Dân cư sinh sống ven hồ Boeung Kak xuống đường biểu tình đòi bồi thường tại Phnom Penh, ngày 4/5/2012

Cơ quan giám sát nhân quyền kêu gọi Campuchia thu ngắn khoảng cách biệt giàu nghèo. Ông Surya Subedi là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Campuchia. Ông nói chính phủ phải hành động nhiều hơn để bảo đảm các nhóm người bị bỏ rơi không phải gánh chịu đau khổ vì tập tục của chính phủ nhượng đất cho các công ty phát triển địa ốc. Phóng viên Irwin Loy nói chuyện với ông Subedi và ghi lại chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong một chuyến thăm Campuchia tập trung vào vấn đề cấp giấy phép sử dụng đất cho các công ty địa ốc tư nhân, ông Subedi đã xem xét các cáo giác của các tổ chức nhân quyền nói rằng tập tục bất công đối với hàng chục ngàn người phải bỏ nhà cửa mà không được bồi thường hoặc được bồi thường rất ít.

Ông Subedi cho biết: “Dường như có sự thiếu minh bạch, thiếu thủ tục hợp pháp và các cộng đồng bị ảnh hưởng không được dành cho sự chọn lựa nào. Họ được báo rằng công ty này hay công ty nọ sẽ đến và bắt đầu ủi đất để dọn chỗ cho các hoạt động nông nghiệp hay hoạt động này khác trên phần đất. Nhưng những người này đã làm nghề nông trên khoảng đất này từ nhiều thế hệ. Họ sẽ phải làm gì đây, sinh nhai bằng cách nào đây?”

Giới hoạt động nói vấn đề này tiêu biểu cho vấn nạn của một cộng đồng ở Phnom Penh gọi là Borei Keila.

Năm 2004, chính phủ định danh khu vực này là một khu đất chuyển nhượng cho một công ty địa phương. Thỏa thuận này đi kèm với một dự án phát triển gia cư cho hơn 1.700 gia đình sinh sống trong khu vực lúc đó. Nhưng công ty này đã không thực hiên cam kết, và vào đầu năm 2012, các nhóm nhân quyền nói gần 1/4 các gia đình đã bị mất nhà cửa.

Ông Subedi đã đến thăm cộng đồng trong tuần này. Ông nói ông lấy làm kinh động trước những điều ông nhìn thấy.

Ông Subedi cho biết: "Họ sống trong các điều kiện thật là thảm thương. Một số người dường như sống trên một đống đổ nát, cơ bản là một đống rác. Tôi đã đến thăm họ, và thấy tình trạng thực không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ không phải là chỉ là một vấn đề nhân quyền, mà còn là một vấn đề nhân đạo.”

Ông Subedi nói những sự chuyển nhượng đất đai và kinh tế có thể là một công cụ tích cực cho tăng trưởng trong một nước vẫn còn nằm trong số các nước ít phát triển nhất trong khu vực. Nhưng theo ông chính phủ phải bảo đảm có một cuộc tranh luận với công chúng về việc các chính sách như thế được thực thi ra sao.

Ông Subedi nói: “Mối quan ngại của tôi có liên quan nhiều hơn đến vấn đề thủ tục, hơn là nhu cầu - liệu quốc gia có nên chuyển nhượng đất kinh tế hay không. Nếu đó là một chính sách được tính toán tốt, nếu khuôn khổ pháp lý hợp lý, thì đất nước có thể hưởng lợi ích của việc chuyển nhượng đất kinh tế. Khi tôi nói là đất nước, thì có nghĩa là cả những người nghèo ở nông thôn, các cộng đồng bản xứ cũng phải được lợi ích. Dân chúng có thể hưởng lợi ích. Ta có thể tạo ra một tình hình có lợi cho tất cả các bên.”

Tuần này, chính phủ Campuchia loan báo sẽ tạm thời đình chỉ việc cấp thêm các giấy phép chuyển nhượng đất, mặc dầu chính phủ đã không có mấy biện pháp giải thích tiến trình sẽ được cải tiến ra sao. Ông Subedi coi lệnh đình chỉ này là một biện pháp tích cực; Ông nói chính phủ nay phải chứng tỏ là họ nghiêm túc trong vấn đề cải cách.

Ông Subedi nói tiếp: “Những vẫn còn phải chờ xem liệu luật pháp có được thực thi đúng cách hay không. Tại Campuchia, có rất nhiều luật lệ tốt trong một số lãnh vực, nhưng việc thực thi đã là một vấn đề. Tôi hy vọng quy định cụ thể này sẽ được thực thi một cách toàn diện và thích đáng.”

Ông Subedi cho hay ông sẽ gặp các giới chức chính phủ để bày tỏ mối quan ngại. Chuyến thăm của ông sẽ kết thúc vào ngày thứ Sáu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG