Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở bầu cử trước kỳ trong lúc bạo động chính trị gia tăng


Những cột khói bốc lên từ một đám cháy trong một cuộc chạm súng giữa cảnh sát và các chiến binh PKK ở thị trấn Silopi, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Những cột khói bốc lên từ một đám cháy trong một cuộc chạm súng giữa cảnh sát và các chiến binh PKK ở thị trấn Silopi, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc điều đình để thành lập chính phủ liên hiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ dường như không đạt được tiến bộ và một cuộc bầu cử quốc hội trước hạn kỳ có thể sẽ được tổ chức. Theo tường thuật của thông tín viên Jamie Dettmer của đài VOA tại Istanbul, các chính khách đối lập nói rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn tổ chức bầu cử sớm trong lúc bạo động chính trị mỗi lúc một nhiều.

Trong hai ngày qua, một loạt những vụ tấn công, trong đó có vụ nổ súng vào lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul và một vụ nổ bom xe hơi cách đó không xa hồi tối chủ nhật, đã làm gia tăng mối lo ngại là Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cuốn hút vào cơn xoáy bạo động chỉ vài tuần sau khi chính phủ ở Ankara tuyên bố phát động điều mà họ mô tả là “một cuộc chiến đấu đồng bộ chống lại khủng bố.”

Một số cuộc thăm dò công luận hồi gần đây cho thấy đảng AK đương quyền có thể tăng thêm đôi chút tỉ lệ chiếm phiếu trong một cuộc bầu cử mới và sẽ có thể, một lần nữa, thành lập một chính phủ một đảng. Tháng 6 vừa qua, đảng Ak đã bị mất thế đa số ở quốc hội, một phần vì sự thắng lợi đáng kể của một đảng thân người Kurd. Tuy nhiên, các giới chức đảng AK nói với đài VOA rằng cuộc thăm dò của đảng này cho tới nay chỉ cho thấy một sự chuyển dịch không lớn của ý kiến công chúng.

Cuộc điều đình để thành lập chính phủ liên hiệp giờ đây chỉ còn 30 ngày nữa là tới thời hạn chót và các nhà lãnh đạo của Đảng nhân dân Cộng hoà, thuộc phe dân chủ xã hội, tố cáo ông Erdogan đang câu giờ. Họ nói rằng ông Erdogan bề ngoài thì khuyến khích Thủ tướng tạm quyền Ahmed Davutoglu tìm kiếm một đảng liên minh để thành lập chính phủ nhưng bên trong thì chuẩn bị bầu cử sớm giữa lúc có những mối lo ngại về an ninh và bạo động leo thang.

Thủ tướng tạm quyền Ahmed Davutoglu kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị áp dụng một đường lối chung để ứng phó với những vụ nổ súng và đánh bom.
Thủ tướng tạm quyền Ahmed Davutoglu kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị áp dụng một đường lối chung để ứng phó với những vụ nổ súng và đánh bom.

Họ tố cáo chính phủ của đảng AK làm cho bạo động gia tăng qua việc sử dụng một phương pháp mạnh tay trong lãnh vực an ninh để khích động chủ nghĩa dân tộc – một tố cáo mà các giới chức chính phủ đã bác bỏ.

Ông Davutoglu hôm qua kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị áp dụng một đường lối chung để ứng phó với những vụ nổ súng và đánh bom.

“Tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo của các đảng phái theo đuổi việc bảo vệ trật tự xã hội và dân chủ, và theo đuổi một lập trường chung đối với vấn đề buông vũ khí”, ông Davutoglu viết như thế trên trang twitter của ông.

Tuy nhiên, để đáp lại lời kêu gọi đó, ông Selahattin Demirtas, lãnh tụ đảng Dân chủ Nhân dân thân người Kurd, chỉ trích chính phủ về chiến dịch chống khủng bố đang tiếp diễn.

Ông nói đảng AK đang mưu tìm những lợi ích chính trị qua việc tạo ra một nhận thức sai lạc là đất nước đang đối mặt với một mối đe dọa sống còn. Ông Demirtas nói “Hoà bình là cấp bách. Ông Davutoglu chúng tôi không thỉnh cầu ông làm việc này. Ông có bổn phận phải làm.”

Trong lúc cuộc ngưng bắn kéo dài trong 2 năm qua giữa Ankara và đảng Công nhân người Kurd (PKK) giờ đây đã bị đổ vỡ, những phần tử đòi ly khai người Kurd đã gia tăng những vụ tấn công nhắm vào nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

PKK loan báo gia tăng các vụ tấn công vào trung tuần tháng 7 để đáp lại điều mà họ cho là lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm cuộc ngưng bắn ký kết năm 2013
PKK loan báo gia tăng các vụ tấn công vào trung tuần tháng 7 để đáp lại điều mà họ cho là lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm cuộc ngưng bắn ký kết năm 2013

4 cảnh sát viên thiệt mạng và 1 cảnh sát viên bị thương nặng trong một vụ nổ mìn ngày hôm nay ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối tuần qua, 3 cảnh sát viên thiệt mạng trong hai vụ tấn công của PKK tại hai tỉnh Sirnak và Mardin ở miền đông nam. Một cảnh sát viên khác qua đời vì thương tích khi đơn vị của ông bị những dân quân liên hệ với PKK tấn công ở thị trấn Silopi. Các phần tử chủ chiến PKK cũng bắn vào một chiếc trực thăng quân sự ở tỉnh Sirnak, giết chết một binh sĩ chính phủ, nâng số tử vong của lực lượng an ninh trong tháng qua vì những vụ tấn công của PKK lên hơn 30 người.

Bạo động đã lan tới Istanbul. Cuối tuần qua, những kẻ có súng không rõ lai lịch đã bắn vào trụ sở chính của đảng AK, gây thương tích cho một thường dân.

Một trạm cảnh sát trong quận Sultanbeyli ở Istanbul bị tấn công bằng xe bom tối chủ nhật, gây thương tích cho 7 thường dân, hai cảnh sát viên và một viên phó cảnh sát trưởng.

Đài truyền hình CNN nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ loan tin hai phần tử vũ trang và một chuyên viên gỡ bom đã thiệt mạng trong vụ chạm súng kéo dài tới sáng thứ hai sau khi xảy ra vụ nổ bom.

Trong lúc bạo động ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là do PKK thực hiện, lai lịch của những kẻ tấn công ở miền bắc hiện chưa được rõ. Các giới chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ nói với đài VOA rằng thủ phạm vụ nổ súng vào lãnh sự quán Mỹ có phần chắc là một nhóm cực tả có tên là Quân đội Cách mạng Giải phóng Nhân dân. Mấy mươi thành viên của nhóm này nằm trong số hàng trăm nhà hoạt động chính trị bị bắt giữ trong vài tuần qua.

PKK loan báo họ gia tăng những vụ tấn công vào trung tuần tháng 7 để đáp lại điều mà họ cho là lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm cuộc ngưng bắn ký kết năm 2013. Bạo động đã gia tăng đáng kể sau vụ nổ bom của các phần tử thánh chiến vào ngày 20 tháng 7 tại thành phố Suruc, nơi đa số cư dân là người Kurd. Pkk tố cáo giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ cấu kết với những phần tử thánh chiến. Ankara cực lực bác bỏ tố cáo đó.

Sau khi những vụ bạo động của PKK tăng mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động những vụ không kích nhắm vào các căn cứ của PKK.
Sau khi những vụ bạo động của PKK tăng mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động những vụ không kích nhắm vào các căn cứ của PKK.

Sau khi những vụ bạo động của PKK tăng mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động những vụ không kích nhắm vào các căn cứ của PKK trong lúc họ loan báo sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại các phần tử cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo, như Washington đã yêu cầu từ năm ngoái.

Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đều nhắm vào những phần tử đòi ly khai người Kurd. Ông Cengiz Candar, một nhà bình luận ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói “Cuộc chiến chống PKK bị thổi phồng và tạo ra một ấn tượng là lập trường mới của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nhà nước Hồi giáo chỉ là một màn khói để che đậy một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại PKK.” Ông Candar cũng cho biết các nhà lãnh đạo người Kurd nghĩ rằng cuộc chiến của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nhà nước Hồi giáo thật ra là một cuộc chiến uỷ nhiệm để chống lại người Kurd và họ tố cáo rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ và hậu thuẫn cho Nhà nước Hồi giáo.

Đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông Erdogan bị tố cáo làm cho bạo động gia tăng qua việc sử dụng một phương pháp mạnh tay trong lãnh vực an ninh để khích động chủ nghĩa dân tộc.
Đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông Erdogan bị tố cáo làm cho bạo động gia tăng qua việc sử dụng một phương pháp mạnh tay trong lãnh vực an ninh để khích động chủ nghĩa dân tộc.

Hồi tuần trước, trong lúc thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ chống lại những phần tử đòi ly khai người Kur, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng nên dành ưu tiên cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria và những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ phải “được kiềm chế một cách cẩn thận” để không trở thành một cuộc phản công toàn diện nhắm vào PKK. Đây là nhóm có liên hệ với những chiến binh người Kurd ở Syria, nhưng người đã chứng tỏ là một đồng minh đáng tin cậy của liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm chủ nhật nói với một nhật báo ở Đức rằng những vụ giao tranh tái diễn giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có thể mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho toàn thể khu vực.

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhất mực cho rằng Nhà nước Hồi giáo và PKK có ưu tiên ngang nhau trong cuộc chiến của Ankara chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên ông Nuray Mert, một nhà bình luận chính trị, nói rằng Ankara đang tiến hành “một cuộc phản công lớn chống lại giới bất đồng chính kiến” để định hình cho “một phong trào chính trị của chiến tranh.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG