Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ phát biểu của Đức Giáo Hoàng về vụ diệt chủng người Armernia


Đức Giáo Hoàng Phanxicô (trái) và đức Thượng phụ của Giáo hội Chính thống và Tông truyền Armenia Karekin II, tại thánh lễ kỷ niệm 100 năm vụ diệt chủng. 12/4/15
Đức Giáo Hoàng Phanxicô (trái) và đức Thượng phụ của Giáo hội Chính thống và Tông truyền Armenia Karekin II, tại thánh lễ kỷ niệm 100 năm vụ diệt chủng. 12/4/15

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu mạnh mẽ chỉ trích việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả vụ thảm sát người Armernia năm 1915 là một vụ diệt chủng. Theo tường thuật của thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tại Istanbul, chính phủ ở Ankara cũng triệu hồi Đại sứ của họ ở Vatican.

Thủ tướng Ahmed Davutoglu đả kích Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì nhà lãnh đạo giáo hội Công giáo hôm chủ nhật mô tả những vụ giết hại tập thể người Armenia năm 1915 bởi chính quyền Ottoman, những người cai trị Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó, là một vụ diệt chủng. Ông Davutoglu nói rằng những phát biểu đó có tính cách một chiều.

Ông nói rằng việc trình bày những nỗi đau buồn này với một cách thức một chiều như vậy là không thích hợp cho Đức Giáo Hoàng và những quyền hạn của nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican.

Giới hữu trách Ankara cho rằng số người Armenia bị giết hại đã bị thổi phồng và những người đó đã bị thiệt mạng trong một cuộc nội chiến.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những phát biểu đó tại một Thánh lễ đặc biệt tại Đại giáo đường Thánh Phê Rô, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo tinh thần của người Armenia, để kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra vụ thảm sát.

Vị thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Đức Giáo Hoàng có thiên kiến. Ông nói ông trông chờ các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi hoà bình. Ông cũng cho rằng việc gợi lại những chuyện trong quá khứ cho những trái tim khép kín là một việc không có ích lợi gì cả.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo rằng phát biểu của Đức Giáo Hoàng có thể làm cho sự bài xích nhắm vào những người Hồi giáo sinh sống ở Âu châu trở nên nghiêm trọng hơn. Ông cũng tố cáo nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican có hành động mâu thuẫn với thông điệp đã đưa ra khi đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11.

Ankara cũng bày tỏ sự bất bình bằng cách triệu khâm sứ của Vatican tới trụ sở Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó còn triệu hồi đại sứ của họ ở Vatican tham khảo ý kiến.

Các nhà quan sát cho rằng ông Davutoglu có phản ứng kịch liệt như vậy có lẽ vì Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị tổng tuyển cử và những cử tri có xu hướng dân tộc cực đoan là thành phần chính trong số những người ủng hộ đảng ông.

Trong lúc những sự kiện kỷ niệm 100 năm vụ thảm sát người Armenia được tổ chức, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao để chống lại cuộc vận động của chính phủ Armenia và những kiều dân nước này nhằm kêu gọi thế giới thừa nhận vụ diệt chủng. Các nhà phân tích cho rằng sự chỉ trích Đức Giáo Hoàng có phần chắc sẽ tăng cường cho chiến dịch ngoại giao đó.

Hiện giờ có hơn 20 quốc gia công nhận vụ thảm sát người Armenia là một vụ diệt chủng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG