Đường dẫn truy cập

Thơ: một thế giới ảo


Thơ: một thế giới ảo
Thơ: một thế giới ảo

Trong tiếng Anh, thơ được xếp vào loại phi hư cấu (non-fiction). Trong tiếng Việt, thơ thường gắn liền với mộng, với mơ, nghĩa là với thế giới của tưởng tượng và hư cấu.

Vậy, thơ ở đâu?

Thơ, theo tôi, không thuộc về hiện thực cũng không thuộc về hư cấu. Thơ chỉ là một cách ảo hoá hiện thực.

Nhận định này bao gồm ba khía cạnh: thứ nhất, thơ là một thế giới ảo; thứ hai, thế giới ảo ấy bắt nguồn từ hiện thực; thứ ba, dù bắt nguồn từ hiện thực, thế giới ảo ấy sẽ không tự động quy chiếu (refer) trở lại hiện thực.

Bài này xin tập trung vào khía cạnh thứ nhất trước: Thơ là một thế giới ảo.

Khía cạnh thứ nhất chả có gì mới mẻ. Hàng triệu người, bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, đã nói như thế, từ mấy ngàn năm nay. Ba hình ảnh đầu tiên và nổi bật nhất của nhà thơ trong nền triết học cổ đại Hy Lạp là hình ảnh của những người được/bị thần nhập, hình ảnh của những người điên và hình ảnh của những người nói dối.

Hai hình ảnh đầu được Democritos đưa ra, được nhiều người chấp nhận, có ảnh hưởng sâu đậm, bàng bạc trong tác phẩm của Plato và phảng phất trong tác phẩm của Aristotle. Hình ảnh sau được đưa ra bởi Solon, người từng than phiền là nhà thơ hay đặt chuyện (1).

Hai hình ảnh đầu vốn xuất phát từ kinh nghiệm nhìn trạng thái xuất thần trong lúc người ta đọc thơ hay diễn thơ, về sau, cùng với sự thoái trào của bi kịch, càng ngày càng nhạt dần rồi mất hẳn. Hình ảnh sau kéo dài lâu hơn. Plato sở dĩ đòi đuổi nhà thơ ra khỏi Vương quốc Cộng hoà của ông cũng chỉ vì nhà thơ phản ánh sai sự thật và vì phản ánh sai sự thật nên thơ, theo ông, thay vì có ích lại trở thành có hại: một mặt, nó bóp méo chân lý, mặt khác, nó vỗ về những dục vọng thấp kém của con người (2). Sau này, Dante còn cho thơ là những lời nói dối mỹ lệ (3). David Hume nhìn các nhà thơ như những kẻ nói dối chuyên nghiệp (4). Trong Giấc mộng đêm hè (A Midsummmer Night’s Dream), một nhân vật của Shakespeare đặt nhà thơ bên cạnh tình nhân và người điên: cả ba đều chủ yếu sống bằng tưởng tượng.

Những quan điểm trên chứa đựng hai tư tưởng đối nghịch: một mặt, người ta coi thơ hay văn học nói chung là thế giới tưởng tượng, mặt khác, người ta lại lấy hiện thực làm tiêu chuẩn để đánh giá thế giới tưởng tượng ấy. Điều này khiến cho người ta, về phương diện thực hành, tìm cách uốn nắn thơ vào những khuôn khổ chật chội cho hợp với một số yêu cầu nhất định của xã hội; về phương diện lý thuyết, thất bại trong việc nhận ra vai trò của tưởng tượng trong thơ và do đó, không nhận ra được những đặc trưng cơ bản của thơ.

Sự thất bại trên cũng diễn ra tại Trung Hoa và Việt Nam, đặc biệt trầm trọng tại Việt Nam. Một là vì cả người Trung Hoa lẫn người Việt Nam, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, đều mang nặng tinh thần thực dụng: thơ chỉ được coi là công cụ của đạo đức, của chính trị. Vì vậy, vấn đề chức năng của thơ được quan tâm hơn hẳn bất cứ vấn đề nào khác. Tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của thánh hiền, người ta không hề băn khoăn tự hỏi tại sao thơ phải có chức năng như thế. Hai là vì, riêng đối với Việt Nam, cha ông chúng ta không hề có thói quen đi sâu vào các khía cạnh lý thuyết. Ai cũng làm thơ song không có ai viết được một bài nghiên cứu nào về thơ cho đến nơi đến chốn. Những ý kiến về văn học từ đầu thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 20 gần đây được sưu tập và in thành sách, một quyển sách dày vẻn vẹn hơn 200 trang (5) khiến Chế Lan Viên, cầm đọc, không khỏi bâng khuâng, tự hỏi: “Ít ỏi thế này sao?” (6) Phương Lựu ngầm bào chữa: còn một số bài viết nữa bị bỏ sót (7). Đành vậy. Nhưng nếu cứ in tất cả những gì chúng ta có liệu quyển sách sẽ dày thêm được mấy trăm trang? (8)

Ở Tây phương, mãi đến thế kỷ 17, với Francis Bacon, vai trò trung tâm của tưởng tượng trong thơ mới được nhìn nhận. Theo Bacon, nếu lịch sử gắn liền với ký ức, triết học gắn liền với lý trí, thơ sẽ gắn liền với tưởng tượng (9). Các triết gia thuộc phong trào Khai sáng từ Locke đến Shaftesbury, Hume, Leibniz và đặc biệt là Kant đã tiếp sức nhau đào sâu vấn đề tưởng tượng, mở ra nhiều chân trời rộng rãi không những cho thơ mà cả cho thẩm mỹ học, triết học, tâm lý học, tôn giáo và phê bình (10).

Sự phát hiện này gợi lên niềm say mê vô hạn cho các nhà thơ lãng mạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. William Hazlitt và Percy Bysshe Shelley đều cho thơ là ngôn ngữ của tưởng tượng. William Blake cho thế giới của tưởng tượng là thế giới của vĩnh cửu. John Keats tự nhận là ông chỉ mô tả những gì ông tưởng tượng ra và cho công việc đó còn khó khăn gấp bội công việc của Lord Byron: Byron chỉ tả những gì ông thấy (11).

Dù sao, thế giới tưởng tượng của các nhà thơ lãng mạn cũng còn gần gũi với thế giới hiện thực. Các nhà thơ tượng trưng và siêu thực sẽ đẩy thế giới này ra xa, thật xa, có khi không còn chút liên hệ nào với thế giới hiện thực này nữa. Trong bài “Éloge du maquillage”, Baudelaire chối bỏ quan niệm cho chức năng của thơ là bắt chước hiện thực; trong bài “Bénédiction”, ông có ý so sánh nhà thơ với Thượng đế; trong bài “Elévation”, ông cho nhà thơ là người có thể hiểu được ngôn ngữ của các loài hoa. Rimbaud tự nhận là một thi sĩ thấu thị (voyant), người, bằng trí tưởng tượng của mình, có thể nhìn thấy thánh đường Hồi giáo giữa công xưởng, giàn trống của các thiên thần, những chiếc xe kéo rượt đuổi nhau trên giải Ngân hà; người, bằng sự hỗn loạn của mọi giác quan, có thể nhìn thấy nóc giáo đường chúc xuống đất, hoa biết nhìn và nói, lâu đài làm bằng xương (12). Breton, đại diện nhóm Siêu thực tại Pháp, tuyên bố: trong thơ “không có gì là không thể chấp nhận được” (13).

Tư tưởng của các nhà thơ lãng mạn và phần nào của các nhà thơ tượng trưng và siêu thực của Pháp, từ đầu thập niên 1930, có ảnh hưởng sâu rộng tại Việt Nam khiến cho Xuân Diệu có thể định nghĩa nhà thơ là những kẻ mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây; Thế Lữ tự nhận Tôi là một kẻ mơ màng; Lưu Trọng Lư cũng tự nhận Thơ ta cũng giống tình nàng vậy / Mộng, mộng mà thôi, mộng hão hờ! Huy Cận, đi với người yêu, lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng... Ở miền Nam, thời kỳ 1954-75, nhiều nhà thơ, đi tiên phong là Thanh Tâm Tuyền, muốn kéo thơ ra khỏi thế giới tưởng tượng thơ mộng và hiền lành của Thơ Mới, muốn “phá vỡ những giấc mơ quen thuộc... [để] đưa người ta đi tìm sự thật” (14).

Song, dù sao, Thanh Tâm Tuyền cũng không hề đòi trục xuất tưởng tượng ra khỏi thơ để thơ trở thành một tấm gương soi chiếu hiện thực. Điều ông cổ vũ là đổi mới cách tưởng tượng: tưởng tượng, với các nhà Thơ Mới, vốn gắn liền với cảm xúc, thường nhẹ nhàng, như những tiếng ru, dẫn người đọc đi xa, ra khỏi cuộc đời; với Thanh Tâm Tuyền, gắn liền với ý thức, chứa đầy dằn vặt, như những tiếng thét, kéo người ta ra khỏi giấc mơ để đối diện với những đổ vỡ, những hoả hoạn, những thiên tai ngay chính trong tâm hồn của mình. Tưởng tượng, với các nhà Thơ Mới, nghiêng về khía cạnh thoát ly; với Thanh Tâm Tuyền, nghiêng về khía cạnh nhận thức; với các nhà Thơ Mới, nảy sinh từ đời sống nông thôn, với Thanh Tâm Tuyền, từ đời sống thành thị; với các nhà Thơ Mới, mang màu sắc lãng mạn chủ nghĩa, với Thanh Tâm Tuyền, mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa.

Điều thú vị là ngay cả những người chủ trương trong thơ phải có “thép”, ngòi bút phải là vũ khí làm “xoay chế độ” cũng không hề phủ nhận vai trò của tưởng tượng trong thơ. Sóng Hồng - tức Trường Chinh - người một thời được coi là lý thuyết gia của Đảng cộng sản Việt Nam và là người lãnh đạo tối cao trong lãnh vực văn học nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng coi “thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng” (15).

Như vậy, về vai trò của tưởng tượng trong thơ, các nhà thơ chỉ khác nhau ở mức độ tự giác nhiều hay ít, ở việc nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh kia của năng lực tưởng tượng.

Tuy nhiên, ở đây, xuất hiện một vấn đề: rõ ràng tưởng tượng không phải là đặc quyền của thơ. Mọi khám phá trong khoa học, mọi phát minh trong kỹ thuật, dù lớn dù nhỏ, đều bắt nguồn từ tưởng tượng. Ngay cả trong lịch sử, vai trò của tưởng tượng cũng không nhỏ: không có lịch sử chung chung, phổ quát cho tất cả mọi người, chỉ có lịch sử như câu chuyện của ông này (his-story), của bà nọ (her-story) theo kiểu chơi chữ thường được các học giả Âu Mỹ sử dụng.

Có điều, sự tưởng tượng trong khoa học và sự tưởng tượng trong thơ khác nhau.

Một là, tưởng tượng trong khoa học cần được chứng minh; tưởng tượng trong thơ chỉ cần thuyết phục.

Hai là, tưởng tượng trong khoa học là đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, nghĩa là nó dựa trên nền tảng của những tưởng tượng đã được chứng minh của người trước, do đó nó là sự vận động và tiến bộ liên tục, ngược lại, trong thơ, những yếu tố này đều vắng mặt.

Ba là, như là hệ quả của đặc điểm thứ nhất, tưởng tượng trong khoa học được phân biệt thành hai loại: đúng và sai, trong thơ, vấn đề này không hề được đặt ra, không ai muốn và không ai cần đặt ra. Người ta chấp nhận nó, như là một thế giới tưởng tượng, vĩnh viễn.

Bốn là, như là hệ quả của đặc điểm thứ hai, tưởng tượng trong khoa học là cái gì có thể bị vượt qua, rất mau cũ; tưởng tượng trong thơ, trái lại, cứ mới mãi, tinh khôi mãi. Không ai đọc lại các luận văn khoa học ngày xưa trừ lý do tò mò, muốn lần lại những chặng đường lịch sử đã qua của nhân loại. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục đọc thơ Đường, thơ Tống của Trung Hoa, thơ đời Lý, đời Trần của Việt Nam, dĩ nhiên không phải chỉ vì muốn nghiên cứu cái gì mà chủ yếu, trước hết là vì nhu cầu thưởng thức những giá trị thẩm mỹ đã trở thành bất hủ.

“Bất hủ”: từ này hầu như chỉ được dùng trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Ở các lãnh vực khác, may lắm, chỉ có sự bất tử. Bất tử chưa chắc đã là bất hủ.

***

Chú thích:

1. Xem Stanford, W.B. (1980), Enemies of Poetry, Routledge & Kegan Paul, London.

2. Plato, Republic.

3. Robert S. Haller (biên tập) (1973), Literary Criticism of Dante Alighier, Nebraska, Lincoln, tr. 112.

4. Hume, D. (1960), A Treatise of Human Nature, L.A. Selbye-Bigge biên tập, tr. 121.

5. Nguyễn Minh Tấn (chủ biên) (1981), Từ trong di sản, Tác Phẩm Mới, Hà Nội.

6. Trong bài "Thay lời tựa" của Từ trong di sản, tr. 3.

7. Phương Lựu (1985), Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam, Giáo dục, Hà Nội, tr. 16-17.

8. Gần đây Đỗ Văn Hỷ mới cho in quyển Người xưa bàn về văn chương (nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993), tập 1, dày 248 trang. Soạn giả, trong “Lời nói đầu”, cho biết bộ sách sẽ gồm nhiều tập nhưng không nói cụ thể là bao nhiêu.

9. Theo Alex Preminger (chủ biên) (1986), The Princeton Handbook of Poetic Terms, Princeton University Press, Princeton, tr. 99.

10. Xem quyển The Creative Imagination, Enlightenment to Romanticism (1981) của Janes Engell, Harvard University Press xuất bản và quyển The Quest for Imagination (1971) do O.B. Hardison, Jr. biên tập, The Press of Case Western Reserve University xuất bản tại Cleveland.

11. Foakes, R.A. (1968), Romantic Criticism, Edward Arnold, London.

12. Xem Cardinal, R. (1981), Figures of Reality, Croom Helm, London.

13. Breton, A. (1970), Point du jour, Gallimard, Paris, tr. 26.

14. Thanh Tâm Tuyền, "Nỗi buồn trong thơ hôm nay", Giai phẩm Văn (Saigon), tháng 11.1973, tr. 64-71, in lại trong Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945-1985 của Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, 1993, tr. 274-280.

15. Thơ Sóng Hồng, Văn Học, Hà Nội, 1983, tr. 10.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG