Đường dẫn truy cập

​Thí sinh chuyển giới là tâm điểm trên truyền hình Việt Nam


Ảnh Lê Thiện Hiếu biểu diễn trên sân khấu Sing My Song được đăng trên trang Facebook cá nhân của thí sinh này.
Ảnh Lê Thiện Hiếu biểu diễn trên sân khấu Sing My Song được đăng trên trang Facebook cá nhân của thí sinh này.

Việc ca khúc “Ông bà anh” của một thí sinh đổi giới có tên Lê Thiện Hiếu gây sốt ở Việt Nam đã chứng minh thêm một điều rằng các nghệ sỹ chuyển giới đang được rất yêu thích trên các chương trình truyền hình.

Trong một video của VTV3, Lê Thiện Hiếu tự giới thiệu mình là một thí sinh 21 tuổi đến từ Thái Nguyên và lần đầu tiên được đến thành phố Hồ Chí Minh sau khi lọt vào vòng thi chung kết của Sing My Song 2016 – một chương trình truyền hình thực tế nhằm tìm kiếm những nghệ sĩ đa năng có thể sáng tác và hát hay.

Bài hát “Ông bà anh” với giai điệu đậm reagge khá lạ và giọng hát mượt mà của Hiếu đã lập tức chinh phục khán giả và cả ban giám khảo gồm nhạc sỹ Lê Minh Sơn và Đức Trí. Nhiều người cho rằng bài hát này được yêu thích còn bởi vì ca từ rất gần gũi với giới trẻ những người đang sống trong thời đại công nghệ và internet. Theo Dân Trí, vì lẽ đó mà Hiếu “được nhiều người xem là ‘hiện tượng’ vượt lên sự khác biệt, chạm tay tới đam mê.” Video này đã có trên 12 triệu lượt xem trên Youtube.

Theo phần giới thiệu của VTV3 cho phần thi của Hiếu, thí sinh này có tên là Lê Phương Thảo trước khi chuyển giới. Và Hiếu không phải là trường hợp đầu tiên gây “bão” trên một show truyền hình thực tế.

Trước đây trên các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc và sân khấu khác đã có nhiều những thí sinh chuyển giới gây “sốt” như Hương Giang Idol (Nguyễn Ngọc Hiếu); Cherry Minh Ngọc của chương trình Thách Thức Danh Hài, Quốc Trí của chương trình Thách Thức Bước Nhảy.

Ca sỹ Mai Khôi, cũng là một người hoạt động cho quyền của người đồng tính, nói với VOA Việt Ngữ rằng những nghệ sỹ đồng giới và đồng tính thường nhận được nhiều sự thu hút của mọi người không chỉ bởi tài năng của họ. Cô cho rằng việc truyền thông đưa tin nhiều hơn về cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã góp phần vào làm cho hình ảnh của họ trở nên gần gũi hơn với công chúng.

"Việc định kiến giới ở Việt Nam đang dần được xóa bỏ và đó là 1 điều tốt. Trước đây người ta không chấp nhận những người như vậy trong xã hội nhưng bây giờ người ta lại thấy hứng thú một phần cũng vì họ thấy vui thấy lạ mắt và một phần cũng vì truyền thông về định kiến giới cũng có hiệu quả."

Lê Minh Ngọc, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Xã Hội (iSEE) cũng cho rằng vai trò của truyền thông trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về người đồng tính và chuyển giới là rất lớn. Chị Ngọc dẫn chứng rằng khi dự án đầu tiên iSEE thực hiện vào năm 2008 với cộng đồng LGBT là phản hồi báo chí bởi lúc đó hình ảnh của người đồng tính và chuyển giới rất xấu trên truyền thông. Và điều đó đã thay đổi.

"Báo Thanh Niên cũng là 1 trong những tờ báo đi đầu trong việc đề cập đến quyền của người LGBT và tạo ra những sự thay đổi trong xã hội. Và thực sự là nó tạo ra những dư luận xã hội mà nó mang lại những việc rất tích cực, những thay đổi rất tích cực trong cộng đồng. Và cũng một cái nữa là những bài báo giật tít câu view như kiểu “người đồng tính giết người”(hay đại loại như thế) thì đã giảm hẳn vì các nhà báo cũng nhìn nhau khi xu hướng report chính xác và tích cực trên báo chí mà nó là xu hướng chủ đạo thì họ cũng tự thay đổi thì đấy cũng là cái rất là thú vị."

Chị Ngọc cho rằng mặc dù đồng tính vẫn được coi là một điều xấu hổ ở nhiều nơi ở Việt Nam và hôn nhân đồng tính không được công nhận về mặt pháp lý nhưng nhận thức của xã hội và nhất là gia đình của những người này đã thay đổi rất nghiều trong những năm gần đây. Chị Ngọc cho biết theo các khảo sát của iSEE gần đây, số lượng người ủng hộ cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã tăng lên và số lượng người công khai đồng tính đã nhiều hơn vì không những họ được xã hội nhìn nhận thân thiện hơn mà họ còn nhận được sự ủng hộ của gia đình nhiều hơn so với trước đây.

Vào tháng 11 năm ngoái, quốc hội Việt Nam đã thông qua quyền chuyển đổi giới tính và đây được xem như là một bước tiến lớn trong việc thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng LGBT. Khi điều luật này chính thức có hiệu lực vào năm 2017, những người chuyển giới ở Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ và được hưởng các quyền thân nhân giống như mọi công dân bình thường theo giới tính mà họ đã chọn.

Giám đốc iSEE Lê Minh Ngọc nói mặc dù điều luật này còn chưa có hiệu lực nhưng việc Quốc Hội công nhận và cho phép chuyển đổi giới tính đã là một sự khích lệ cho những người muốn trở thành một giới khác và trở nên tự tin hơn trong các hoạt động xã hội.

Theo ICS, một tổ chức người đồng giới ở Việt Nam, có khoảng 270.000 người chuyển giới trong 90 triệu dân Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG