Đường dẫn truy cập

Thắng lợi bầu cử của Thủ tướng Nhật tăng khả năng xung đột với các nước láng giềng


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Tokyo, 15/12/14
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Tokyo, 15/12/14

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các đồng minh của ông đã dễ dàng đạt thế đa số 2 phần ba tại Quốc hội trong cuộc bầu cử hôm qua, mặc dầu Nhật Bản đã rơi vào một cuộc suy thoái dưới các chính sách bảo thủ của ông. Thắng lợi của thủ tướng sẽ đem lại cho ông sức mạnh để tiếp tục các cải cách kinh tế, nhưng cũng để theo đuổi một nghị trình dân tộc chủ nghĩa có nhiều phần chắc làm tăng thêm căng thẳng với các nước láng giềng của Nhật Bản.

Trong một cuộc bầu cử nổi bật vì số cử tri đi bầu thấp và quan ngại về một nền kinh tế trì trệ, Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh là đảng Komeito, đã cùng tăng thế đa số tại Hạ viện Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản nói: “Chúng tôi có một mục tiêu là liên minh chiếm đa số ghế. Mục đích của các cuộc bầu cử hạ viện là để chọn ra đảng cầm quyền. Vì thế tôi rất mừng là chúng tôi đã thành công trong việc tiếp tục liên minh cầm quyền của chúng tôi cùng với đảng Komeito. Nhưng đồng thời đây cũng là một trách nhiệm to lớn.”

Ông Abe nói thắng lợi của ông là một sự uỷ quyền của cử tri để ông tiếp tục với chương trình kinh tế gọi là Abenomics tăng thuế để ngăn chặn nợ công, đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.

Thắng lợi bầu cử sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để thông qua các cải cách không được lòng dân như nới lỏng các chính sách về lao động và nông nghiệp.

Thắng lợi này cũng có nhiều phần chắc giúp ông Abe theo đuổi một nghị trình dân tộc chủ nghĩa có thể khiêu khích Nam Triều Tiên và Trung Quốc. Trong năm vừa qua, ông Abe đã gây căm phẫn các nước láng giềng đông bắc Á qua việc đi thăm một ngôi đền tưởng niệm các liệt sĩ, kể cả các tội phạm chiến tranh đã tử vong trong Thế chiến thứ hai.

Các nỗ lực của chính quyền ông nhằm duyệt lại các sách sử học để phủ nhận việc quân đội Nhật Bản cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục trong thời chiến cũng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nước ngoài.

Giáo sư khoa học chính trị Park Hwee-rhak, của trường Đại học Kookmin, nói việc ông Abe thoái lui trước các vấn đề gây nhiều xúc động này sẽ xoa dịu căng thẳng.

Ông Park cho rằng đông bắc Á, Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nhật Bản chưa sẵn sàng để nhìn vào lịch sử một cách khách quan. Vì thế ông hy vọng ông Abe sẽ nhấn mạnh đến các chính sách thực tiễn có thể bảo đảm hoà bình hay thịnh vượng chung ở đông bắc Á, chứ đừng tập trung vào lịch sử.

Nhật Bản cũng có những khẳng định chủ quyền chồng chéo với cả Nam Triều Tiên và Trung Quốc đối với hai dãy đảo khác nhau ở vùng biển Hoa Đông.

Các nước láng giềng gần nhất của Nhật Bản lo sợ về việc ông Abe ủng hộ việc thay đổi hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản để quân đội Nhật có thể tích cực hơn trong việc chống lại các mối đe doạ khu vực như Bắc Triều Tiên.

Giáo sư khoa học chính trị trường Đại học Sejong, ông Hosaka Yuji nói Nhật Bản quan tâm nhiều hơn về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Giáo sư Yuji nói trong khi Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự, Nhật Bản cũng cần phải củng cố khí tài của họ để không bị thất bại. Để làm được việc này, Nhật bản cần phải có quân đội của chính mình nhưng việc đó đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp.

Hoa Kỳ ủng hộ việc bành trướng quân đội Nhật, để Nhật Bản có thể đóng một vai trò lớn hơn trong liên minh giữa hai nước, mặc dầu các giới chức Hoa Kỳ đã chỉ trích các mưu toan che giấu lịch sử thời chiến của Nhật Bản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG