Đường dẫn truy cập

Nhân vụ Vinashin, vài suy nghĩ về những Tập đoàn kinh tế VN (Phần 2)


Nhân vụ Vinashin, vài suy nghĩ về những Tập đoàn kinh tế VN (Phần 2)
Nhân vụ Vinashin, vài suy nghĩ về những Tập đoàn kinh tế VN (Phần 2)

Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh báo cách đây ba năm về nguy cơ “phong trào hóa” các Tập đoàn kinh tế (TĐKT). Theo ông, các công ty làm ăn có hiệu quả đi từ nhỏ đến lớn, những bước trưởng thành của doanh nghiệp mất hàng chục năm mới thành TĐ vững mạnh, khác với sự thành lập TĐ từ những quyết định chính trị và hành chính.

Sau chuyến tham quan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Nam Triều Tiên, chính sách kết hợp những tổng công ty (TCT) và công ty nhà nước (CTNN) để lập ra những TĐKT giống kiểu Chaebol được tung hô long trọng. Trước đó, những TCT và CT này đang bắt đầu quá trình kiểm tra hạch toán, và nhiểu cơ sở trù trừ hoãn binh có lẽ vì nợ nần lỗ lã.

TĐKT thành hoàng bào cho Lê Lai cứu chúa, mặc dầu các tổ chức kinh tế gọi là lớn đó (các tổng công ty 90, 91), là nền tảng để hình thành các tập đoàn, quy mô còn khiêm tốn. Mặt khác, khả năng quản lý hệ thống, yếu tố then chốt đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động tốt là cơ chế quản lý, quan hệ giữa người trực tiếp điều hành doanh nghiệp với nhà nước với tư cách là chủ sở hữu lại chưa được làm rõ. Khi xảy ra sự cố bất cập, người điều hành doanh nghiệp thường đẩy trách nhiệm lên trên, nghĩa là những người có trách nhiệm chính trị.

Rõ ràng, người trực tiếp điều hành vừa không đủ quyền tự chủ lại không phải chịu trách nhiệm về kết quả điều hành của mình. Từ phong cách đó dẫn đến tình trạng lạm dụng tài sản của Nhà nước, lợi thì doanh nghiệp hưởng, thua thì nhà nước chịu, vẫn phổ biến. Điển hình là sự yếu kém về quản lý đưa đến các vụ bê bối ở Tổng công ty Dầu khí, Tổng công ty Điện lực hiện nay đã thành tập đoàn…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu: “Dưới cái vỏ bọc mới tập đoàn kinh tế như hiện nay, nhưng thực chất vẫn vận hành với chế độ sở hữu cũ, những con người cũ, phần lớn vị trí chủ chốt được bổ nhiệm vì lý do chính trị chứ không dựa trên năng lực quản trị kinh doanh - điều tối cần thiết của người đứng đầu doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh… Vì vậy, cũng không thể kỳ vọng có thể khắc phục được những khiếm khuyết bất cập của các tổng công ty lớn.”

Trong toàn cục mô hình Tư bản nhà nước (TBNN) “made in Việt Nam”, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn: 60-70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% vốn ODA…, trong đó hơn 80% do các tổng công ty lớn đã hoặc sắp thành tập đoàn nắm giữ.

Được ưu đãi như vậy, hẳn phần kinh doanh và nguồn lực vật chất giành cho khu vực Doanh nghiệp dân doanh (DNDD) vốn khiêm tốn lại càng khiêm tốn. Tuy thế, Báo Lao động số ra ngày 6 tháng 11 năm 2009 có bài ``Trên 45% các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả thấp”. Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, các TĐ, TCT chỉ có tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở dưới mức 10%. Chính điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.

So sánh với các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp có vốn FDI thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại TĐ, TCT chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực tài chính của Nhà nước trong nền kinh tế. Tìm lợi nhuận bằng mọi giá để đạt tâm lý tạo thành tích, các tập đoàn bành trướng sang mọi lĩnh vực kinh doanh khác đi ngược với chủ trương “Nhà nước và DNNN sẽ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân”.

Mặt khác, các TĐ này lại chiếm lĩnh thị trường, thủ đắc phần lớn các nguồn lực vật chất và cơ hội kinh doanh vốn dĩ tương đối ít ỏi cho khu vực tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Hệ luận: khu vực kinh tế ngoài quốc doanh này khó cải thiện được năng lực cạnh tranh, khó lớn lên để phát huy vài trò quan trọng của nó trong nền kinh tế.

Hiện tượng các tập đoàn đua nhau đưa ra những dự án đầu tư và kinh doanh quy mô lớn, tranh thủ xin phê duyệt, nhiều khi thi công ngay cả khi Bộ chủ quản chưa chấp thuận không phải là hiếm hoi. Bình thường, cách thức thẩm định những dự án công cần khoa học, khách quan, nghiêm túc để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của dự án một cách toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường.

Hiện nay, cơ sở để đánh giá đúng năng lực của các tập đoàn chủ trì thực hiện, quản lý và vận hành dự án không đầy đủ. Kèm vào, cách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng nhà nước cam kết hợp vốn đầu tư qua lại cho nhau để làm các dự án lớn vừa không minh bạch, vừa kém khả thi, vừa khó giám sát

Hậu quả cuối cùng có thể là những tổn thất lớn mà nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu. Vinashin là cuộc đổ bể đầu tiên nhưng không hẳn cuối cùng. Hy vọng là tình hình kinh tế Việt Nam không đen tối đến vậy, nhưng hẳn lo ngại về toàn bộ cơ cấu kinh tế Việt Nam là có cơ sở. Chúng ta sẽ đào sâu vấn đề này trong những bài viết đặt trọng điểm trên nền kinh tế TBNN kiểu Việt Nam nhìn dưới dạng tổng hợp trong những bài sau.

[1] Bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 26/7/2007

Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG