Đường dẫn truy cập

Taliban đe dọa cử tri Afghanistan


Hình ảnh các ứng cử viên tổng thống tại trung tâm thủ đô Kabul. Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được xem là rất quan trọng cho sự ổn định của Afghanistan.
Hình ảnh các ứng cử viên tổng thống tại trung tâm thủ đô Kabul. Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được xem là rất quan trọng cho sự ổn định của Afghanistan.
Phe nổi dậy Taliban tại Afghanistan cảnh báo các cử tri không nên tham gia cuộc bầu cử tổng thống ngày 5 tháng 4 và ra lệnh cho các chiến binh của họ sử dụng “toàn bộ sức mạnh” có thể được để phá hoại cuộc bầu cử. Theo tường thuật của thông tín viên Ayaz Gul tại trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở Islamabad, tuyên bố của nhóm Hồi Giáo hiếu chiến này là đe dọa chính thức đầu tiên về việc dùng bạo động để ngăn trở tiến trình bầu cử.

Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được xem như là rất quan trọng cho sự ổn định của Afghanistan sau khi lực lượng liên minh do NATO lãnh đạo chấm dứt nhiệm vụ tác chiến vào tháng 12 năm nay. Cuộc bầu cử này đánh dấu cuộc chuyển giao quyền hành có tính chất dân chủ đầu tiên của Afghanistan.

Tuy nhiên an ninh vẫn còn là thách thức lớn nhất của tiến trình của dân chủ và lời đe dọa của phe Taliban làm gia tăng những lo ngại này.

Một tuyên bố của Taliban đưa ra ngày thứ Hai lên án cuộc bầu cử là “một âm mưu của Hoa Kỳ” và thúc giục người Afghanistan “hoàn toàn bác bỏ” cuộc bầu cử và không nên gây nguy hiểm cho mình bằng cách đi bỏ phiếu. Tuyên bố nói các chiến binh Taliban đã được lệnh là “gây gián đoạn cho cuộc bầu cử giả mạo này bằng vũ lực và tấn công các nhân viên bầu cử, các nhà hoạt động, những người tình nguyện và những người bảo vệ an ninh.”

Người đứng đầu Tổ chức Bầu cử Tự do và Công bằng Afghanistan, ông Jandad Spinghar, nói đe dọa như thế gây phương hại cho tiến trình bầu cử và làm cho các cử tri không đi bầu vì lo sợ.

“Hiện nay mọi việc tùy thuộc vào chính phủ Afghanistan, đặc biệt là các tổ chức an ninh, để đáp ứng với tuyên bố như vậy, không chỉ bằng một tuyên bố khác nhưng bằng một số nỗ lực và biện pháp rõ rệt để đảm bảo là Taliban không thể làm gián đoạn cuộc bầu cử. Nếu không, việc này sẽ ảnh hưởng đến dân chúng, đặc biệt về mặt tâm lý, đối với sự suy nghĩ của cử tri về việc tham dự cuộc bầu cử.”

Hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc bầu cử năm 2009 có nhiều gian lận. Đương kim Tổng thống Hamid Karzai tái đắc cử trong cuộc bầu cử đó. Luật bầu cử cấm ông không được ra tranh cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp.

Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến trong tháng qua đã giết chết hai nhân viên bầu cử, và ứng cử viên hàng đầu Abdullah Abdullah thoát chết trong một vụ mưu sát. Taliban nhận trách nhiệm đối với các vụ bạo động.

Trong khi đó, những ứng cử viên đang dẫn đầu và một số quan sát viên độc lập cáo buộc chính quyền Karzai can thiệp vào tiến trình bầu cử.

Ông Spinghar nói các quan sát viên của tổ chức ông đã phát giác một số sự việc bất hợp lệ.

“Các giới chức chính phủ, trái ngược với những qui luật chúng tôi có đối với chiến dịch tranh cử, đã tham gia một số hoạt động tranh cử hay đã bày tỏ sự ủng hộ qua truyền thông đối với một số ứng cử viên. Những việc đó vi phạm luật lệ bầu cử. Và tại nhiều nơi, dụng cụ của chính phủ hay xe cộ đã được sử dụng nhằm gây lợi thế cho một số ứng cử viên cá biệt.”

Tổng thống Karzai không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào và đã cam kết giữ vị thế trung lập trong cuộc bầu cử.

Các giới chức cũng bác bỏ những cáo buộc là những cuộc họp gần đây tại Dinh Tổng thống có mục đích tranh thủ sự ủng hộ cho người kế vị được Tổng thống Karzai lựa chọn.

Loan báo rút lui khỏi cuộc chạy đua vào chức vụ tổng thống trong tuần qua của anh đương kim tổng thống là ông Qayum Karzai để ủng hộ cựu bộ trưởng ngoại giao Zalmay Rassoul đã làm những quan sát viên Afghanistan không còn nghi ngờ gì nữa về ứng cử viên được Tổng thống Karzai chọn.

Nhiều người tin rằng ông Karzai ông đang tìm kiếm vai trò cố vấn đứng đằng sau có nhiều ảnh hưởng trong chính phủ tương lai Afghanistan và các nhà phân tích nói việc ủng hộ ông Rassoul có ích rất nhiều cho việc đạt được mục đích đó.

Một số người chỉ trích cũng cho rằng những tranh cãi liên quan đến việc Tổng thống Karzai từ chối ký một hiệp ước an ninh song phương với Hoa Kỳ đã làm chệch hướng sự chú ý quốc tế đối với cuộc bầu cử quan trọng này và giúp cho nhà lãnh đạo Afghanistan có thể sử dụng mánh khóe để cuộc bầu cử diễn ra theo chiều hướng có lợi cho ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG