Đường dẫn truy cập

Vấn đề đàn ông lấy vợ nước ngoài gây sóng gió tại quốc hội Đài Loan


Ông Huang Chin-tsai, người Ðài Loan, 44 tuổi, và vợ Vũ Thị Minh, 30 tuổi, từ Việt Nam và cô con gái 6 tháng tuổi tại tư gia ở Vạn Lịch, 30 dặm phía bắc Đài Bắc
Ông Huang Chin-tsai, người Ðài Loan, 44 tuổi, và vợ Vũ Thị Minh, 30 tuổi, từ Việt Nam và cô con gái 6 tháng tuổi tại tư gia ở Vạn Lịch, 30 dặm phía bắc Đài Bắc

Những nhận định của một nhà lập pháp ở Đài Loan đã gây phẫn nộ trong công chúng vì một trong những vấn đề xã hội gai góc nhất của đảo quốc này. Càng ngày có nhiều đàn ông Đài Loan chọn vợ nước ngoài nhiều hơn và một số người nói rằng vì thế mà số phụ nữ trong nước bị ế chồng tăng cao. Từ Đài Bắc, thông tín viên VOA Ralph Jennings ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Nhà lập pháp đối lập Trương Hiểu Phong, một người từng viết văn, đã châm ngòi một cuộc tranh luận khi than phiền rằng càng ngày càng có nhiều đàn ông trong nước đi lấy vợ ở các lân quốc nghèo hơn của Đài Loan.

Các số liệu thống kê cho thấy khoảng 427.000 đàn ông Đài Loan đã kết hôn với phụ nữ nước ngoài, chủ yếu từ Hoa Lục hay Ðông nam châu Á. Trong khi đó, có tới 1/3 phụ nữ Đài Loan trên 30 tuổi chưa có chồng, theo một số ước tính.

Trong một cuộc tranh luận về các chính sách đối với di dân mới, bà Trương nói đàn ông thường thích phụ nữ nước ngoài hơn. Bà nói khuynh hướng cưới vợ bên ngoài Đài Loan đã gây “thiệt hại nặng nề cho quốc gia,” và bà gợi ý rằng chính phủ nên dành một khoản trợ cấp cho phụ nữ không chồng ở đạo quốc này.

Bà Trương nói tại một phiên họp quốc hội rằng mỗi khi có một cô dâu nước ngoài thì một phụ nữ Đài Loan lại mất đi cơ hội lấy chồng. Bà lập luận rằng số đàn ông trên đảo chỉ có bấy nhiêu, vì thế, mà Đài Loan rơi vào tình trạng có nhiều phụ nữ sẽ không bao giờ lấy chồng.

Một danh sách dài các tổ chức xã hội và các nhân vật chính trị khác mau chóng lên tiếng phản bác nhà lập pháp được sự hậu thuẫn của một đảng nhỏ này. Đảng Dân Tiến lớn hơn cảm thấy bị xúc phạm vì cách mô tả những người phụ nữ không có chồng như đồ thừa thãi và khái niệm các bà vợ nước ngoài không thích nghi được với cuộc sống mới. Các cơ quan truyền thông địa phương lập luận rằng chính phủ không nên tìm cách đề ra các luật lệ về hôn nhân cho người nước ngoài.

Một nhóm các bà vợ nước ngoài đã biểu tình ở Đài Bắc hôm thứ sáu để bênh vực khả năng làm vợ của mình. Đồng thời, phụ nữ Đài Loan đã biểu tình đòi các nhà lập pháp không nên xen vào quyết định của họ về việc lấy chồng hay ở vậy.

Các nhận định gây tranh cãi của các nhà lập pháp Đài Loan không phải là điều gì mới lạ, nhưng vụ ồn ào mới nhất này cho thấy bà Chang đã chạm vào một vấn đề nhậy cảm.

Bà Linda Arrigo, một giảng viên về xã hội học tại trường Đại học Y khoa Đài Bắc, nói rằng phụ nữ với trình độ học vấn ngày càng cao thường đi vào các ngành chuyên nghiệp và được trả lương cao khiến họ muốn được chấp nhận là ngang hàng với nam giới.

Bà Arrigo nói đó là điều một số đàn ông hoài cổ không thể chấp nhận được, nhiều người còn được các bà mẹ bảo thủ khuyến khích theo quan niệm đó. Do đó mà họ quay sang tìm những người đàn bà nghèo hơn và có trình độ học vấn thấp hơn ở các nước đông nam châu Á.

Nhiều người đàn ông đi kiếm vợ nước ngoài thuộc các tầng lớp kinh tế thấp hơn họ, khiến họ bớt hấp dẫn hơn đối với những phụ nữ cơ động hướng tới một vị thế cao hơn.

Vấn đề này không phải chỉ có ở Đài Loan. Phụ nữ ở Nam Triều Tiên và các thành phố giàu có hơn ở Trung Quốc cũng nằm trong tình trạng tương tự vào lúc nền kinh tế cải thiện và đưa họ vào các ngành nghề chuyên môn, trong khi nam giới bám lấy các khái niệm cổ hủ về vai trò giới tính.

Bà Trương đã bầy tỏ sự ngạc nhiên về nỗi bất bình do bà gây ra. Bà nói bà chỉ muốn kêu gọi nam giới coi phụ nữ Đài Loan là tài giỏi, lành mạnh và có khả năng chịu đựng khó khăn.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG