Đường dẫn truy cập

Hiệp định FTA Hoa Kỳ-Nam Triều Tiên sẽ được thực thi vào ngày mai


Các nhà hoạt động Hàn quốc vẫy cờ Mỹ, Nam Triều Tiên ăn mừng thỏa thuận thương mại tự do FTA với Hoa Kỳ gần đại sứ quán Mỹ tại Seoul, ngày 14/3/2012
Các nhà hoạt động Hàn quốc vẫy cờ Mỹ, Nam Triều Tiên ăn mừng thỏa thuận thương mại tự do FTA với Hoa Kỳ gần đại sứ quán Mỹ tại Seoul, ngày 14/3/2012

Một hiệp định mậu dịch gây nhiều tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ được thực thi vào ngày mai. Tuy nhiên, các nhà chính trị đối lập Nam Triều Tiên vẫn không chấp nhận đây là “một sự việc đã rồi”. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận các lý do vì sao trong bài tường trình sau đây.

Thỏa thuận được gọi là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Hoa Kỳ-Nam Triều Tiên, cùng một lúc loại bỏ các khoản thuế đánh vào 7.000 sản phẩm của Nam Triều Tiên và gần 62.000 mặt hàng và dịch vụ của Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ tại Nam Triều Tiên tiên đoán hiệp định này sẽ giúp gia tăng gần 6% GDP của Nam Triều Tiên trong vòng 10 năm tới.

Nhưng đảng đối lập chính không chấp nhận như thế. Họ dự kiến thỏa hiệp chỉ có lợi cho các tập đoàn lớn và gây thiệt hại cho các công ty nhỏ hơn cũng như giới công nhân và nông dân.

Nhiều người cũng nghi ngờ liệu giới tiêu thụ Nam Triều Tiên có thấy giá cả có giảm tương xứng với việc cắt giảm thuế quan hay không, hay là chỉ những người trong đường dây cung ứng sẽ được hưởng thêm lợi nhuận.

Cựu Thủ tướng Han Myung-sook, là Chủ tịch đảng Dân chủ Đoàn kết, nhấn mạnh rằng thỏa thuận cần phải được thương thảo lại.

Bà Han nói rằng đảng của bà sẽ vận động để mở các cuộc đàm phán mới về thương mại với Washington nếu đảng giành lại được quyền lực trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Nam Triều Tiên năm nay.

Nhưng bà Han đã không đi xa như một số thành viên trong đảng của bà nói rằng hiệp định này phải được hoàn toàn loại bỏ.

Giáo sư về thương mại quốc tế tại đại học Inha, ông Hyun Jung-taik nói rằng lập trường của phe đối lập là vô lý và không thực tiễn.

Ông Hyun nêu ra rằng vào năm 2007, khi phe đối lập kiểm soát chính phủ, họ đã tin tưởng rằng hiệp định với Hoa Kỳ là một hiệp định tốt. Nhưng cách đây 2 năm, đảng đã thay đổi lập trường vì các nhượng bộ dành cho Hoa Kỳ trong lãnh vực xe hơi.

Bất chấp cuộc tranh luận về các ảnh hưởng của hiệp định, điều chắc chắn là bắt đầu từ ngày mai, Nam Triều Tiên trở thành quốc gia Á châu duy nhất thực thi các hiệp định như thế với cả Hoa Kỳ và Liên hiệp Aâu châu, hai thị trường lớn nhất trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG