Đường dẫn truy cập

Phụ nữ vẫn có thể thành công trong nghề được coi là của nam giới


Bà Martiny có một danh sách khách đặt mua mà phải đến 3 năm bà mới có thể giao hàng cho đủ
Bà Martiny có một danh sách khách đặt mua mà phải đến 3 năm bà mới có thể giao hàng cho đủ

Thoạt tiên bà Nancy Martiny bắt đầu làm những bộ yên ngựa như một thú vui. Nhưng bây giờ thì bà có một danh sách khách đặt mua mà phải đến 3 năm bà mới có thể giao hàng cho đủ. Bà làm những yên ngựa theo kiểu thủ công từ đầu đến cuối, khắc, chạm cắt dán những mẫu mã rất tỉ mỉ, công phu vào da để bọc yên ngựa. Bà làm công việc trong một lãnh vực mà từ bao nhiêu năm nay do các cao bồi thống trị. Nhưng theo thông tín viên Sadie Babits giải thích, chuyện đó chẳng hề làm cho bà Nancy Martini bận tâm

Làm việc với nam giới chẳng phải là chuyện xa lạ gì với bà Nancy Martiny. Bà sinh trưởng nơi một trại chăn nuôi, làm việc với trâu bò, mục súc, cưỡi ngựa và quăng dây kéo những con bò lạc trở lại đàn. Bà nói:

“Từ ngày còn nhỏ tôi thường làm những chuyện mà nam giới vẫn làm, và khi lớn hơn, tôi cưỡi ngựa, cưỡi bò chứng và biểu diễn những màn rodeo như vậy. Lúc nào tôi cũng làm việc với nam giới.”

Vì thế chẳng bao giờ bà nghĩ là không thể làm được mấy cái yên ngựa đó, những thứ là nghề của những người đàn ông, các cao bồi, vẫn thường làm:

“Có những người cho rằng tôi phải to khỏe mới làm được những bộ yên ngựa như thế này, nhưng không phải vậy, quí vị cần phải có con dao thật bén.”

Và người ta còn cần đến con mắt nghệ sỹ để cắt tỉa và dán những mẫu mã lên trên nền da. Bà giải thích:

“Đây là loại công việc thiên về thủ công tinh tế hơn là sức lực. Nếu như làm mạnh tay quá thì quí vị sẽ làm hỏng cả mảnh da và có thể là không đúng cách.”

Bà Martiny đang dán chặt một mẫu hình của cọng hoa lên trên nền da rồi tiếp tục với những cánh hoa, để cho những mẫu hình này xem chừng như nổi bật lên trên nền da. Đây là một tài khéo mà bà đã học được từ ngày mới lớn, khi xem thân phụ bà chạm hình trên mặt lớp da. Bà kể lại:

“Vì thế khi 15 tuổi, tôi thuyết phục cha tôi để tôi bắt đầu làm công việc chạm hình lên mặt da. Thế rồi tôi dùng đồ nghề của ông làm dây lưng da cho chính tôi dùng, bạn bè ở trường tôi thấy vậy, họ cũng muốn có một sợi dây lưng kiểu miền tây, và mọi chuyện bắt đầu từ đấy.”

Bà Martiny làm dây lưng da, ví da, những vật dụng nho nhỏ, như vậy trong mấy năm. Rồi sau đó bà gặp một người làm yên ngựa cừ khôi nhất trong vùng, ông Dale Harwood. Lúc đó chồng bà có mấy bộ yên ngựa do ông Harwood làm và ông đã thuyết phục ông Harwood làm cho vợ ông một cái khung, để gắn lớp da lót lên. Bà nói:

“Tôi ngồi nhìn cái khung yên ngựa và đoán là ông Dale Harwood chẳng muốn tôi sờ tay vào cái khung này vì sợ tôi làm hỏng nó, thế rồi chúng tôi phải thuyết phục ông, mãi ông cũng xiêu lòng, chỉ dẫn, giúp cho tôi làm bộ yên ngựa đầu tiên.”

Bà Martiny đã từng trang trí mẫu mã cho các bộ yên ngựa nhưng chưa bao giờ làm nguyên một bộ từ đầu đến cuối. Vì vậy bà vẽ kiểu trên mảnh da bọc yên ngựa tại nhà, rồi đến cửa hàng của ông Harwood nhờ ông chỉ dẫn:

“Ông hướng dẫn cho tôi từng bước một và tôi ghi chép lại những gì ông chỉ cho tôi khi tôi làm bộ yên ngựa đầu tiên này.”

Cuốn vở mà bà ghi chép trở thành một thứ linh vật của bà:

“Tôi thu hết can đảm, bắt đầu làm một bộ yên ngựa cho trẻ con, rồi cứ vừa làm vừa ngó vào quyển vở ghi chép. Khi nào tôi làm hư, tôi gọi cho ông, nếu ông có thời giờ, ông sẵn sàng chỉ dẫn cho tôi. rồi tôi làm được những bộ yên ngựa và mọi người thấy vậy đến đặt tôi làm.”

Và đấy là đầu đuôi câu chuyện mà bà Nancy Martiny bắt tay vào nghề làm yên ngựa. Đến nay đã 20 năm, khách hàng của bà thường tìm đến bà do lời quảng cáo truyền miệng mà thôi.

Bà không mở cửa hàng. Bà sống tại Pahsimeroi Valley, gần thị trấn May, bang Idaho, trong một trại chăn nuôi của gia đình chồng bà từ 120 năm nay.

Bà Martiny dẫn khách đến căn nhà thoáng gió cất đồ nghề của trại, nơi bà giữ những bộ yên ngựa cho gia đình. Đuổi một con chuột ra khỏi bộ yên trong lúc bà giải thích rằng hầu hết khách hàng của bà là những chủ trại chăn nuôi, các anh, các cô cao bồi chăn bò, nhận nơi này làm quê hương:

“Tôi đoán đấy là một phần của sự thành công của tôi, và đó cũng là lý do tại sao các vị nam giới không ngần ngại đặt tôi làm yên ngựa cho họ, vì nhiều người đến đặt hàng đều biết tôi hoặc có nghe nói đến tôi, và họ biết là tôi cũng chăn mục súc, biết nắm sừng trâu bò ra sao, thắng yên cương ngựa như thế nào.”

Có những bộ yên cương đơn giản, nhưng cũng có những bộ được trang trí bằng những mẫu mã hoa lá cành tỉ mỉ
Có những bộ yên cương đơn giản, nhưng cũng có những bộ được trang trí bằng những mẫu mã hoa lá cành tỉ mỉ

Nhiều bộ yên ngựa do bà làm trông đơn giản với mặt nháp của lớp da bọc lộ ra với một vài đường trang trí. Đó là những bộ yên ngựa để dãi dầu. Cũng lại có những bộ được trang trí bằng những mẫu mã hoa lá cành tỉ mỉ. Bà cho biết tiếp :

“Tôi muốn những bộ yên ngựa trông đơn giản mà vẫn đẹp như những bộ được trang trí tỉ mỉ. Ví vậy khi có ai khen, tôi hy vọng là họ khen cả hai loại này, đó là mục tiêu mà tôi nhắm tới.”

Bà Martiny liên tục làm những thứ khác trong lúc vẫn làm yên ngựa. Bà làm những mảnh bao chân cho kỵ mã, dây cương và mới đây, bà làm ví xách.

Có thể là bà Nancy Martiny làm một nghề mà nhiều người coi là của những chàng cao bồi chăn bò. Nhưng bà cho biết nói vậy không có nghĩa là thỉnh thoảng bà không thể làm ra những sản phẩm có nhiều nữ tính hơn, như ví xách tay chẳng hạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG