Đường dẫn truy cập

Đầu năm Cọp nói chuyện sách báo


Một năm qua sách báo ở hải ngoại in ấn ra sao? Tác phẩm nào được nói đến nhiều nhất? Tác giả nào nổi bật? Bao nhiêu đầu sách đã in? Thể loại nào chiếm đa số? Truyện ngắn, truyện dài, thơ, hồi ký, khảo cứu, lý luận phê bình văn học, mặt mạnh, mặt yếu?

Có bao nhiêu tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật? Số lượng in mỗi kỳ? Độc giả là những ai? Thành phần? Lứa tuổi, giới tính, khu vực, trình độ?

Khó mà có được một câu trả lời chính xác. Một cách chung chung có thể nói số đầu sách in đã giảm, số tác giả tự in tác phẩm của mình có tăng lên đôi chút [một phần là do người viết “tự động” in, và một phần là do một số nhà xuất bản đã ngưng hoạt động].

Ngoài nhà xuất bản Văn và Thế Kỷ 21 thỉnh thoảng in vài đầu sách, nhiều nhà xuất bản chuyên nghiệp như Văn Nghệ, Thanh Văn đã ngưng hoạt động. Có chăng chỉ còn lại hai nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Falls Church, Virginia và nhà xuất bản Văn Mới ở Gardena, California là còn hoạt động.

Ông Nguyễn Khoa Kha, giám đốc nhà Văn Mới cho biết số đầu sách in đã giảm và số lượng in mỗi đầu sách cũng đã giảm theo – nghĩa là mỗi lần chỉ in 500 bản, khi nào hết tuỳ theo nhu cầu sẽ in đúng số đòi hỏi. Ông cho biết năm qua nhà Văn Mới đã in 14 đầu sách: Từ Đỉnh Gió Hú, bản dịch của Nhất Linh [tái bản], qua các Tuyển tập Ngự Thuyết, Tuyển tập [Mai Ninh, Cổ Ngư, Mạch Nha], các tập truyện ngắn của Điệp Mỹ Linh, của Trần Thị Diệu Tâm - Cầu Pont Neuf, Đặng Mai Lan - Tập Sống, Trần Mộng Tú - Vườn Măng Cụt, Dương Như Nguyện - Bưu Thiếp Của Nam, Nhân Vật Miền Nam Một Thời Vang Bóng và Món Ngon Miền Nam của Nam Sơn Trần Văn Chi, Trung Thần Thời Phong Kiến và Cộng Sản của Trần Viết Đại Hưng, Trăng Lạnh, Cõi Tình – Vu Quy của Nam Dao, Hương Tràm Trà Tiên, và Quê Ngoại hồi ký của Tuệ Chương Hoàng Long Hải, Bài Sử Khác Cho Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường….

Trong khi đó, nhà văn Uyên Thao, người chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương cho biết năm qua do tình hình sức khoẻ ông chỉ cho in được hai cuốn: Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải [sách dày 620 tr] và mới đây Tiếng Chim Báo Bão của Tiêu Dao Bảo Cự [sách dày 646tr.]. Uyên Thao nói mỗi năm Tiếng Quê Hương in chừng 6 đầu sách và mỗi lần in trung bình 600 bản. Phần lớn từ các tác giả hiện sống trong nước – như trước đây đã in Sinh Ra Để Chết và Đi Tìm Nhân Vật của Tạ Duy Anh, Vũ Trụ Khôn Cùng và Viết Về Bè Bạn của Bùi Ngọc Tấn, Thân Phận Ma Trơi của Nguyễn Thuỵ Long, Ngã Tư Hoàng Hôn của Văn Quang. Đó là những tác giả viết ra nhưng không xuất bản được trong nước, và Tiếng Quê Hương chính là tiếng nói bên ngoài của các tác giả đó. Ông cũng cho biết năm nay ông sẽ in Hậu Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, truyện Đất Nước Tâm Thần của nhà văn Vương Văn Quang, Miền Nam 1955-1975, Hồi ký của Nguyễn Văn Lục, Trong Vòng Kẽm Gai, Hồi Ký của Hoàng Yên Khang, Sài Gòn Cát Bụi, Hồi Ký của Hàng Ngọc Hân, Mưa Nắng Quê Nhà, Tạp Ký của Uyên Thao. Ngoài ra, vẫn theo Uyên Thao, Tiếng Quê Hương sẽ in Một tập truyện [cũ] của những nhà văn Không quân VNCH trước đây, một tác phẩm khác [dịch] của nhà văn Herta Muller, giải Nobel văn chương 2008….

Những cuốn sách đang có trong tay

Tôi không nhớ cuốn sách in đầu tiên trong năm 2009, nhưng có lẽ cuốn Cuối Cùng tác phẩm mới nhất của nhà văn Võ Phiến vừa được Thế Kỷ 21 xuất bản tại California là sách in đầu năm 2010 và là tác phẩm in sau cùng của năm Kỷ Sửu. Tác phẩm gồm 4 bài thơ và 15 bài tạp văn hay tùy bút. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc trong bài đọc sách nêu câu hỏi Tại sao là “Cuối Cùng”? trong khi “chủ đề của cuốn sách tập trung vào hai khía cạnh chính: sự sống và viết lách, không có dính líu gì đến ý niệm cuối cùng” và không có bài nào mang tên Cuối Cùng cả. Nguyễn Hưng Quốc đoán có lẽ đặt tên sách như vậy “Võ Phiến chỉ muốn xem đó là tác phẩm kết thúc sự nghiệp văn học kéo dài hơn nửa thế lỷ của ông mà thôi”. Trước cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến là cuốn Hồi Ký của Võ Long Triều do nhật báo Người Việt xuất bản, tác phẩm dày 482 trang. Trong Lời Giới Thiệu giáo sư Nguyễn Thanh Liêm viết ông Võ Long Triều là người “rất thiết tha với đất nước dân tộc, nhưng có tánh ngang tàng, ăn nói bạt mạng, đụng đâu nói đó, dám nói thật, không kiêng nể ai, không sợ một áp lực nào, hay nói thẳng, dám làm, phần lớn thuộc kiểu anh chị của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh”…

Trước đó là hai tập thơ: Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ của Lữ Quỳnh [nxb Văn Mới] và Thơ Tuyển của Trần Mộng Tú [tác giả xuất bản], truyện dài Mây Đưa Lòng Giạt Mãi Đâu của Huy Trâm [Hương Văn xuất bản]…

Đặc biệt là cuốn Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại do nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy biên sọan đã được VAALA (Vietnamese American Arts & Letters Association) xuất bản lần đầu năm 2008 tại California, nhưng sách chỉ mới ra mắt người đọc hôm thứ Bảy 30/1/10 tại Phòng Sinh hoạt Nhật báo Người Việt ở Westminster Quận Cam. Hoạ sĩ Trịnh Cung trong phần giới thiệu phát biểu: “Với 10 năm làm bản thảo cho Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, nhưng thật ra, Huỳnh Hữu Ủy đã bỏ cả đời mình cho cuốn sách vừa là lịch sử vừa là tổng quan của riêng tác giả về một nền mỹ thuật hiện đại đã nẩy nở và phát triển kỳ diệu trên một đất nước lạc hậu, nghèo nàn, liên tiếp bị tàn phá bởi 2 cuộc chiến tranh: chống thực dân và chiến tranh ý thức hệ kéo dài gần nửa thế kỷ và sau năm 1975 đất nước thuộc vào tay người cộng sản, những nghệ sĩ ở lại phải chịu sự quản lý chính trị ‘một hệ thống’. Dù đã hơn 30 năm qua, những di chứng ấy vẫn tiếp tục gây nên những cơn đau tinh thần trong mỗi chúng ta.”

Về cuốn Tiếng Chim Báo Bão của Tiêu Dao Bảo Cự do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành là một tác phẩm đi theo một hướng khác: thể loại chính luận và bút ký. Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản thì Tiếng Chim Báo Bão không chỉ là tiếng nói can trường của một người sống giữa “móng vuốt của bạo quyền” mà còn phản ánh tâm tư mọi tầng lớp con dân Việt Nam…

Tạp chí Văn học

Về các tạp chí văn chương ở hải ngoại có thể nói cho đến nay chỉ còn lại hai tờ: Nguyệt san Khởi Hành của Viên Linh và Hợp Lưu [phát hành mỗi hai tháng] do nhà thơ Đặng Hiền chủ biên là còn tồn tại, sau khi các tạp chí Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Chủ Đề,… đình bản, tạm ngưng hay đã đóng cửa hẳn.

Nguyệt san Khởi Hành số Tết Canh Dần ra ngày 1 tháng Hai, 201 là một số đôi [159-160] dày 70 trang khổ lớn với các tác giả Hư Chu, Nguyễn Hữu Hiệu, Viên Linh, Nguyễn Tà Cúc, Cao Tiêu, Mặc Đỗ, Phan Khắc Hàm, Nguyễn Tôn Nhan, Vũ Ngọc Phan, Đàm Trung Pháp, Hoàng Khởi Phong, Duy Thanh, Huỳnh Hữu Ủy, Ngô Thế Vinh, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Lương Vỵ, Khoa Hữu, Huỳnh Liễu Ngạn, Trần Thiện Hiệp... Và Hợp Lưu Xuân Canh Dần, số 108, tháng 1 & 2, 2010, dày 320 trang, tranh bià Đinh Cường và nội dung gồm bài viết của các tác giả Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, Mai Văn Phấn, Kiệt Tấn, Đỗ Quyên, Luân Hoán, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trùng Dương, Hoàng Chính, Bùi Ngọc Khôi, Đinh Cường, Nguyễn Đông Giang, Trần Thiện Đạo, …Đặc biệt trong số này là bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền của Tạp chí Thi Bình Hàn Quốc.

Có thể nói sự hiện diện của hai tạp chí này là công lao rất lớn của người chủ trương: Nhà thơ Viên Linh của Khởi Hành và nhà thơ Đặng Hiền của Hợp Lưu.

Nói chung, năm qua phải nói sách báo chuyên về văn học nghệ thuật ở lại thì ít, mà ra đi hơi… nhiều. Tại sao?

Có thể nói từ một thập niên nay, sự bùng nổ của internet đã và đang thay đổi bộ mặt của báo giấy và sách giấy. Không phải chỉ sách báo Việt bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ internet mà cả báo chí trên toàn thế giới cũng chịu ảnh hưởng của internet. Ngày nay, ta có thể đọc các thứ báo [của các quốc gia không riêng gì Anh hay Pháp] trên mạng, không chỉ báo tin tức mà cả báo văn học, không chỉ báo mà còn cả sách nữa. Ta có thể đọc tin của BBC, VOA, RFA, RFI, VnExpress,… văn học thì đọc Tiền Vệ, Da Màu, Gió O,…cả VN Truyen, VN Thư quán, cả New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, Time, Times, Newsweek, cả Paris Match, Le Figaro, Le Monde, cả Iran News, Iraq News, … nghĩa là không thiếu thứ gì…. Nói riêng về báo văn học, các tác giả giờ đây thích gửi bài đến các websites văn học hơn là gửi đến các báo giấy. Lý do bài viết của họ đến tay độc giả nhanh hơn và rộng rãi hơn. Rồi đây liệu sách báo giấy [nhất là tác phẩm văn học] sẽ ra sao trong những năm tháng sắp tới? Và tủ sách gia đình liệu có còn nữa không trong phòng khách của mỗi căn nhà chúng ta? [NXH]

XS
SM
MD
LG