Đường dẫn truy cập

Trung Quốc 'chiếm' Biển Đông, Trump đổ lỗi Obama?


Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc Trung Quốc xây “khu phức hợp quân sự” ở Biển Đông “xảy ra dưới chính quyền của ông Obama”, và “đáng lẽ không được cho phép làm vậy”.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters hôm 24/2, khi được hỏi về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, “ông chủ” Nhà Trắng nói: “Tôi biết chính xác chuyện đang xảy ra giữa Trung Quốc và Bắc Hàn và mọi nước khác. Nhưng tôi không thích nói chuyện chiến lược quân sự trên báo chí… Tôi không thích”.

“Điều này không xảy ra dưới thời kỳ nắm quyền của Trump mà dưới thời của ông Obama. Nhiều chuyện xảy ra mà đáng lẽ không được cho phép. Một trong số đó là việc xây dựng một khu phức hợp quân sự cực lớn, cực lớn ở giữa Biển Đông”, ông Trump nói tiếp.

Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm: “Và cũng đừng quên là tôi mới nắm quyền được bốn tuần. Đây là điều đã xảy ra và được bắt đầu ba năm trước và ta có vị thế đàm phán tốt hơn ba năm trước. Tôi không vui vì chuyện đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Trên trang Twitter chính thức với gần 17 triệu người theo dõi, ông viết hồi cuối năm ngoái: “Trung Quốc có hỏi chúng ta việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ vậy”.

Đoạn tweet mà truyền thông quốc tế cho là “thách thức Trung Quốc” của ông Trump đã được hàng chục nghìn người “thích” và “chia sẻ”.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm đầu tiên trong tháng này.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm đầu tiên trong tháng này.

"Khó đoán định"

Trong khi đó, người được ông Trump chọn làm ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson cũng từng nói cứng rắn về hành động của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc điều trần chuẩn thuận vào chức Ngoại trưởng Mỹ cuối năm ngoái, ông Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 17/2 gặp ông Tillerson, trong cuộc tiếp xúc được coi là cấp cao nhất đầu tiên giữa phía Hà Nội và chính quyền của Tổng thống Donald Trump bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Bonn của Đức. Tuy nhiên, chưa rõ hai bên có bàn tới vấn đề Biển Đông hay không.

Ông Phạm Bình Minh (đứng thứ ba hàng hai, từ trái sang) chụp ảnh chung với người đồng nhiệm nhiều nước như Trung Quốc và Mỹ ở Bonn, Đức, hôm 16/2.
Ông Phạm Bình Minh (đứng thứ ba hàng hai, từ trái sang) chụp ảnh chung với người đồng nhiệm nhiều nước như Trung Quốc và Mỹ ở Bonn, Đức, hôm 16/2.

Trong một bài phân tích đăng hôm 26/2 có tựa đề, “Lo ngại sự khó đoán định cử ông Trump, Trung Quốc củng cố khả năng hải quân”, hãng tin Reuters viết rằng “giờ với việc Tổng thống Donald Trump cam kết việc cấp tập sản xuất tàu thuyền và gây lo ngại cho Bắc Kinh với cách tiếp cận khó đoán định về các vấn đề nóng như Đài Loan và Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, Trung Quốc đang đẩy mạnh rút ngắn khoảng cách với hải quân Mỹ”.

Mới đây, một hàng không mẫu hạm cùng đội tàu chiến của hải quân Mỹ đã trở lại bắt đầu tuần tra ở Biển Đông giữa bối cảnh có nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Hải quân Mỹ nói rằng lực lượng của Mỹ, gồm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông hôm 18/2. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi cuối tháng Một.

Mời quý vị xem thêm:

Việt Nam xác minh ‘kho chứa tên lửa’ của Trung Quốc

Cuộc gặp cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên thời TT Trump

XS
SM
MD
LG