Đường dẫn truy cập

Tưởng niệm liệt sĩ và nạn nhân cuộc chiến biên giới


Người dân tụ tập trước tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội để tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc 38 năm trước, ngày 17/2/2017.
Người dân tụ tập trước tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội để tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc 38 năm trước, ngày 17/2/2017.

38 năm đã qua, kể từ ngày cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt kéo dài gần 10 năm, cho đến nay vẫn chưa thật sự chấm dứt. Chính quyền "hèn với giặc, ác với dân" không muốn nhắc đến, còn ngăn cản việc nhân dân tưởng niệm các liệt sĩ và nạn nhân bỏ mình hồi ấy. Mấy ngày qua các cuộc lễ tưởng niệm trước tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội) và trước tượng Trần Hưng Đạo (Sài Gòn) đều bị cản phá bởi lực lượng Công an theo lệnh chính quyền. Mọi tấm lòng yêu nước thương dân lại càng phải cùng nhau tưởng niệm sâu rộng các liệt sĩ, rút ra cho mình những bài học thiết thực về cuộc chiến tranh này.

Qua bài này tôi xin góp vài ý kiến riêng về nguồn gốc của cuộc chiến tranh, diễn biến, hậu quả của nó và lối thoát để giành lại độc lập trọn vẹn và xây dựng dân chủ, tự do cho đất nước ta.

Trước hết là sự khác biệt giữa lý luận, học thuyết chính trị của 2 đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Cả 2 đảng đều tự nhận là theo học thuyết Mác - Lênin, nhưng thật ra sự tiếp thu các luận điểm của học thuyết ấy ngay từ khởi đầu có những khác biệt khá rõ. Karl Marx đề ra học thuyết của mình sau khi tổng kết phong trào công nhân trong các nước Âu Mỹ phát triển rất cao trong các trung tâm có hàng triệu dân vô sản công nghiệp. Ở Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn chưa có các trung tâm công nghiệp; giai cấp vô sản công nghiệp chưa thành hình, chỉ có giai cấp nông dân đông đảo với tầng lớp vô sản bần cố nông thất học mù chữ, bên cạnh một tầng lớp tiểu tư sản trung lưu ở thành thị.

Do đó sự trục trặc không ăn khớp xảy ra. Ở Trung Quốc các cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tiếp nổ ra và những nhà lãnh đạo nông dân trong thế kỷ 18 đã học được từ phương Tây công nghiệp một số quan điểm về đấu tranh giai cấp, gắn bó nông dân vào với cỗ xe của công nhân. Do đó nó vẫn mang bản chất vô sản nông thôn, tự phát, rất nghèo nàn về tri thức, về lập luận khoa học. Bản chất gia trưởng, phong kiến còn khá nặng. Bản chất hung dữ, trả thù, có khi khát máu, mông muội, hỗn loạn là phổ biến. Ở Việt Nam, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là phong trào nông dân do đảng cộng sản lãnh đạo cũng mang bản chất nông dân vô học quá khích cực đoan, với các khẩu hiệu tiêu biểu "diệt trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ", kiểu gần như "chu di tam tộc" thời phong kiến.

Chính vì vậy mà Mao luôn tự nhận là thay mặt cho nông dân, cho bần cố nông của châu Á, với cuộc "cách mạng văn hóa vô sản" tàn bạo, truy lùng trí thức. Chính vì vậy mà trong vài chục năm nay đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn rêu rao nhiều về chủ nghĩa Mác - Lênin, không còn trưng ảnh 2 ông này trước Đại hội đảng, cũng không nêu Chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít, thay bằng "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc".

Cũng chính do bản chất nông dân sâu đậm mà Mao đã ra sức ủng hộ bọn Khơ-me Đỏ (đảng Cộng sản Campuchia), một quái thai khác của chủ nghĩa Mác - Lênin, mang đậm bản chất vô sản nông dân, còn hơn chủ nghĩa xã hội Mao-ít, khi chúng chủ trương giết hết dân loại 2 bao gồm tư bản, tiểu tư sản, trí thức, dân thành thị có học, địa chủ, phú nông, trung nông.

Việt Nam tiến quân vào Campuchia giữa cơn diệt chủng là một hành động nhân đạo cao quý, nhưng đã chạm nọc bọn bành trướng Trung Quốc coi Khơ-me Đỏ là bọn đồ đệ cực kỳ hiếm hoi, cùng chung một học thuyết nông dân thuần túy đội lốt vô sản và cộng sản. Thế là Đặng Tiểu Bình công khai bênh bọn diệt chủng, ra lệnh động binh để "dạy cho Việt Nam một bài học" là không được hiếp đáp một nước láng giềng nhỏ bé.

Đặng Tiểu Bình sang Hoa Kỳ đầu năm 1979, đến bang Texas, cưỡi ngựa đội mũ da bò, tuyên bố sẽ mang quân vào Việt Nam trong một cuộc "hành quân sư phạm" có hạn chế trong không gian và thời gian. Vì thiếu quân, Trung Quốc huy động cả lực lượng ở Đông Bắc xuống. Đây là một âm mưu rất thâm độc của Đặng, kẻ nổi tiếng là đánh bài tây bridge rất sành sõi, giỏi lừa gạt đối phương. Ở Washington nhiều người bị mắc bẫy. Cả Tổng thống Jimmy Carter, và Henry Kissinger (cựu ngoại trưởng thời Tổng thống Richard Nixon) đều khuyến khích Đặng vì vẫn còn cay là Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam, coi việc Trung Quốc đánh Việt Nam còn là một hành động rửa hận giúp cho Hoa Kỳ. Ngay sau đó Bắc Kinh được Hoa Kỳ ủng hộ vào Liên Hiệp Quốc cuối năm 1979, thay thế Đài Loan theo quan điểm "một Trung Quốc". Cái giảo hoạt của Đặng còn ở chỗ lớn tiếng phê phán Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc về sự kém cỏi, lạc hậu, thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới, đánh trận thường tập trung số quân gấp 3, 4 lần, nhưng thương vong thường gấp 2, gấp 3 đối phương, đến mức không kịp tải thương theo. Đặng Tiểu Bình đã tận dụng các báo cáo trung thực ấy để nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về hiện đại hóa quân đội và quốc phòng, tăng mạnh ngân sách quân sự và tranh thủ đến mức cao nhất sự tiếp sức của Hoa Kỳ.

Một điều không thể không nhấn mạnh là Đặng Tiểu Bình, do thất bại nặng nề, nên tỏ ra cay cú và tàn bạo không kém gì bọn phát-xít Hitler, khi đích thân ra nghiêm lệnh ngày 5/3/1979 là trước khi rút lui, quân lính chúng phải tàn phá cho tan nát để dân Việt Nam trở lại vùng chúng từng chiếm đóng không sao sống nổi. Chúng bắn chết hết trâu bò, lừa ngựa, dê, lợn, gà vịt, tàn phá các chuồng trại, đồng ruộng, phá nát các cầu cống, chặt đứt đường xe lửa, đốt hết các nhà ga, trường học, thư viện.

Tôi từng dự một số cuộc tổng kết chiến tranh biên giới tại Quân khu I ở Thái Nguyên, nghe tướng Nguyễn Hữu An và tướng Hoàng Đan báo cáo trước hội trường và tâm sự riêng. Được biết ngay từ quý 4 năm 1978 Bộ Quốc phòng đã phân phối rộng rãi vũ khí mới đồng lọat cho các sư đoàn và bộ đội địa phương 6 tỉnh biên giới phía Bắc, chuyển vài chục vạn khẩu súng cho dân quân giữ tại nhà, kiểm tra các kho đạn dược.

Phần lớn chiến công diệt bành trướng Trung Quốc là thuộc về 3 sư đoàn chính quy, các bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, quận, các dân quân xã, trong khi gần 10 sư đoàn chính quy - là phần lớn quân chủ lực của Quân đội Nhân dân - vẫn còn đang chiến đấu trên đất Campuchia.

Trên đây tôi thuật lại để toàn dân ta ghi nhớ, coi như một thẻ hương thiêng thắp lên tưởng niệm hơn 20 vạn liệt sĩ và nạn nhân đồng bào ta đã nằm xuống, để tố cáo thêm tội bán nước của 5 đời Tổng Bí thư ĐCSViệt Nam, cụ thể là Nguyễn Văn Linh, đã khiếp sợ bạc nhược sau khi phe xã hội chủ nghĩa và Liên Xô sụp đổ; là Lê Đức Anh, người đã ra lệnh cho hải quân dù bị tấn công cũng không được nổ súng kháng cự; là Nông Đức Mạnh, người đã ém nhẹm bản báo cáo đầu tiên của Ban điều tra liên ngành do Đại hội X cử ra về Vụ án siêu nghiêm trọng của Tổng cục II do các Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết, các Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và Phùng Thế Tài, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương… cùng vài chục đại tá, thượng tá nêu ra, đến nay vẫn còn là vấn đề thời sự nóng hổi trong đảng và trong xã hội, không thể nào chôn vùi mãi được.

Mong rằng anh linh các liệt sĩ chống bành trướng linh thiêng phù hộ cho nhân dân ta dành lại được công lý, trừng phạt thật đích đáng, công minh mọi tội ác bán nước cầu vinh, giúp nhân dân ta dành lại tự do và quyền sống làm người trong phồn vinh và hạnh phúc.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG