Đường dẫn truy cập

Quân đội Myanmar tiếp tục có nhiều quyền lực bất chấp cải cách chính trị


Một số người đã lên tiếng chỉ trích lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi về việc không thúc đẩy cho tinh thần làm việc có trách nhiệm
Một số người đã lên tiếng chỉ trích lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi về việc không thúc đẩy cho tinh thần làm việc có trách nhiệm

Myanmar, tức Miến Điện, đã có nhiều thay đổi lớn trong vài năm qua. Sự kiểm duyệt của nhà nước đã được nới lỏng, tù nhân chính trị đã được thả và đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đổ vào quốc gia Đông Nam Á từng bị cô lập này. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Gabrielle Paluch của đài VOA ở Bangkok, quân đội có nhiều thế lực ở Myanmar hầu như không có gì thay đổi giữa lúc Miến Điện chuẩn bị cho một cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2015.

Nền kinh tế có thời bị kiệt quệ của Myanmar đã có những sự thay đổi to lớn: sự kiểm soát của chính phủ đối với các hoạt động kinh tế đã được nới lỏng, với một hệ thống ngân hàng mới, những chính sách mới về đất đai, và một chỉ tệ với giá trị được định đoạt bởi thị trường chứ không phải bởi chính phủ.
Những bước tiến đó đã góp phần giúp cho quốc gia Đông Nam Á này thu hút khoảng 9 tỉ đô la đầu tư nước ngoài kể từ năm 2011.

Mặc dù vậy, ông Sean Turnell, một chuyên gia về kinh tế Miến Điện của Đại học Macquarie ở Australia, nói rằng tuy những thay đổi đó làm cho nền kinh tế hoạt động có hiệu quả hơn, nhưng nó không ảnh hưởng gì nhiều tới vai trò chủ đạo của quân đội đối với sinh hoạt kinh tế và chính trị.

"Trong một cuộc vận động để tiến tới những chương trình cải cách mới của chính phủ sau năm 2015, vấn đề liên quan tới quân đội và vai trò của quân đội là họ có tiếp tục nắm giữ một vai trò trọng tâm hay không? Họ có lùi bước với một cách thức có ý nghĩa, với một cách thức cần có hay không? Đó là một câu hỏi rất lớn."

Nói một cách cụ thể, quân đội vẫn kiểm soát các tổ hợp kinh doanh lớn nhất nước và hầu hết các khu vực kinh tế mang lại lợi nhuận nhiều nhất, như khai thác khí đốt và khai thác đá quí.

Ảnh hưởng kinh tế của quân đội ở Myanmar phản ánh sức mạnh chính trị của họ. Một phần tư số ghế ở quốc hội được dành cho những người do quân đội chỉ định, khiến cho họ có quyền phủ quyết đối với tất cả những đề nghị sửa đổi hiến pháp. Điều này cũng có nghĩa là quân đội không bị buộc phải chịu trách nhiệm khi các lực lượng quân sự bị tố cáo vi phạm nhân quyền.

Hồi tháng trước, một trung tâm nghiên cứu của Đại học Harvard có tên Phòng mạch Nhân quyền Quốc tế đã phổ biến một báo cáo để tố cáo 4 nhân vật hàng đầu trong quân đội, kể cả người đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ là Thiếu tướng Ko Ko, đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong hai năm 2005 và 2006.

Ông Matthew Bugher là một chuyên gia về nhân quyền Miến Điện làm việc tại Yangon cho Chương trình Công lý Toàn cầu của Đại học Harvard. Ông cho biết mặc dù đã có đủ bằng chứng để ra trát bắt giam, nhưng những người đó không hề bị truy tố. Ông nói thêm rằng quân đội sẽ tiếp tục hành động mà không sợ bị trừng trị cho tới khi nào hệ thống tư pháp do phe dân sự kiểm soát bắt buộc các giới chức quân sự cấp cao phải chịu trách nhiệm đối với những hành động của mình:

"Quân đội đã giậm chân và nói rằng họ không muốn giải quyết vấn đề hành xử của họ và họ đang đe dọa những người tìm cách giải quyết vấn đề đó. Tôi nghĩ rằng những thành phần cải cách trong chính phủ và những chính khách đối lập, những người có thể muốn giải quyết những vấn đề này, vẫn chưa có thái độ rõ rệt để tìm cách giải quyết những vụ vi phạm nhân quyền và giải quyết vấn đề hành xử của quân đội. Chúng tôi cũng nghĩ rằng quân đội đang thăng chức cho những người vi phạm nhân quyền và đưa họ vào những vị trí then chốt."

Phe đối lập ở Myanmar, những người từng bị gạt ra ngoài lề trong nhiều thập niên, đã giành được các ghế đại biểu tại quốc hội, nhưng chưa thể đảo ngược vai trò chủ đạo của quân đội.

Có một điều đáng chú ý là một số người đã lên tiếng chỉ trích lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi về việc không thúc đẩy cho tinh thần làm việc có trách nhiệm. Một số người chỉ trích tin rằng người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình này đã tránh đối đầu với quân đội với hy vọng là điều đó sẽ giúp cho bà có thêm cơ hội ra tranh cử tổng thống.

Đối với những sự chỉ trích nhắm vào quân đội, các tướng lãnh ở Myanmar đã bênh vực cho việc họ tiếp tục có nhiều quyền hành bằng cách nêu ra cuộc nổi dậy kéo dài rất lâu của những chiến binh thuộc các sắc dân thiểu số. Với ảnh hưởng lớn của quân đội tại quốc hội, Myanmar dành 23,2% ngân sách quốc gia cho chi phí quốc phòng, tỉ lệ cao nhất trong khu vực, một phần là để chiến đấu chống lại những nhóm người bác bỏ quyền hạn của chính phủ. Hội đồng An ninh và Quốc phòng, trên thực tế do quân đội điều hành, là cơ quan quyết định vấn đề ngân sách.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nước ngoài cho biết những cuộc nổi dậy đang tiếp diễn một phần là có liên quan tới những quyền lợi kinh doanh của quân đội.

Ông Matthew Bugher của Đại học Harvard nói rằng quyền lợi kinh tế của quân đội đối với những tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực có xung đột đang làm cho tiến trình hòa bình bị trì trệ và làm sút giảm niềm tin của người dân đối với quân đội và chính phủ. Hồi tháng trước, binh sĩ chính phủ đã pháo kích vào một trại huấn luyện của các chiến binh thuộc các sắc dân thiểu số, giết chết 27 người, chỉ một ngày sau khi một vòng đàm phán hòa bình kết thúc. Ông Bugher nói:

Điều mà chúng tôi nhìn thấy là ở một số khu vực trong nước, những nơi có các hoạt động khai thác hầm mỏ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, là những nơi mà sự kiểm soát của quân đội đối với guồng máy hành chánh rất mạnh. Chẳng hạn như ở vùng Hpakant, nơi có hoạt động khai thác ngọc, quân đội rõ ràng là có nhiều ảnh hưởng đối với các giới chức chính quyền địa phương và hệ thống tư pháp và họ dùng những người đó để bảo vệ cho quyền lợi của họ thay vì bảo vệ cho chế độ pháp trị và sự cai trị tốt đẹp.

Chính phủ của Tổng thống Thein Sein muốn ký kết một hiệp định ngưng bắn toàn quốc trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm 2015. Các nhà quan sát cho rằng để đạt được mục tiêu đó hiến pháp Myanmar cần được sửa đổi để giảm bớt vai trò của quân đội trong chính phủ. Trong cuộc tranh luận tại quốc hội hồi tháng trước, các đại biểu thuộc phe quân đội đã nói rất rõ là họ không muốn sửa đổi hiến pháp trước cuộc bầu cử năm 2015.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG