Đường dẫn truy cập

Quân đội Ðài Loan mất uy tín sau các vụ từ chức, tử vong của binh sĩ


Bộ trưởng Quốc phòng Ðài Loan Dương Niệm Tổ đã từ chức vì đạo văn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ðài Loan Dương Niệm Tổ đã từ chức vì đạo văn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ðài Loan vừa từ chức chỉ sau 6 ngày nhận chức vì bị tố cáo đạo văn. Ông Dương Niệm Tổ được bổ nhiệm là bộ trưởng quốc phòng dân sự đầu tiên của Ðài Loan dưới áp lực phải thay đổi sau vụ một hạ sĩ quân đội chết khi đang làm nhiệm vụ. Từ Ðài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường trình về những thiệt hại gây ra cho uy tín của quân đội và chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu.

Bộ trưởng quốc phòng Ðài Loan từ chức chiều tối thứ Ba sau khi bị tố cáo có dự phần vào các tài liệu đạo văn cho một cuốn sách xuất bản năm 2007. Cựu học giả này được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng dân sự đầu tiên cách đây chưa đầy một tuần, sau cái chết của một hạ sĩ 24 tuổi có thể là vì tập luyện quá sức trong trời nóng, khiến công chúng bất bình đối với quân đội. Ông Dương nhận trách nhiệm trong cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Ông Dương nói rằng ngay vào lúc này chính phủ và quân đội đang đối diện với những thử thách lớn, nhưng lỗi của cá nhân ông đã ảnh hưởng đến danh dự của chính phủ và quân đội , và cũng ảnh hưởng đến uy tín của tổng thống và thủ tướng. Ông Dương nói ông phải nhận trách nhiệm và do đó ông đã trình bày với tổng thống và thủ tướng về quyết định từ chức của ông.

Tổng thống đã chấp nhận đơn từ chức của ông Dương.

Tình trạng rối ren trong quân đội của đảo quốc này gây thiệt hại thêm cho tỉ lệ ủng hộ của công chúng dành cho Tổng thống Mã Anh Cửu, hiện chỉ còn ở mức khoảng 20%.

Tổng thống Mã đã bị công chúng trong nước chỉ trích về chính sách ngoại giao yếu kém và quá dễ dãi với cựu thù Trung Quốc. Bắc Kinh xem nước Ðài Loan tự trị là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu tiến trình tái thống nhất bằng con đường hòa bình cuối cùng đổ vỡ.

Quân đội Ðài Loan, với quân số 290.000, là quá nhỏ bé so với quân số 2,29 triệu của quân đội Trung Quốc. Nhưng chế độ bắt buộc nhập ngũ đã không còn được công chúng ủng hộ vào lúc các mối quan hệ với Trung Quốc đang cải thiện dưới chính phủ của ông Mã. Do đó Tổng thống Mã đang nhắm đến một lực lượng quân sự hoàn toàn do tình nguyện vào năm tới và dựa nhiều hơn vào công nghệ quốc phòng tân tiến.

Tuy nhiên, thế sẵn sàng của quân đội đã trở nên cấp thiết hơn trong hai năm qua trong lúc Việt Nam, Philippines và Trung Quốc tăng cường việc đòi chủ quyền trong vùng biển giàu tài nguyên rộng 3,5 triệu kilômét vuông ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Ðông. Ðài Loan cũng nhận chủ quyền trong vùng biển đó, nhưng chỉ được xem là một bên thứ yếu trong cuộc tranh chấp.

Giáo sư Alexander Huang thuộc khoa nghiên cứu chiến lược của Ðại học Ðạm Giang ở Ðài Loan nói rằng những người định gia nhập quân đội có thể sẽ cảm thấy ngần ngại vì bất mãn về cái chết của viên hạ sĩ hồi đầu tháng 7. Giáo sư Huang nói thêm rằng bộ quốc phòng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức ngân sách như hiện nay.

“Thiếu sót của quân đội trong việc giải quyết cái chết của viên hạ sĩ và chuyện xảy ra tiếp theo sau đó trong tháng qua càng làm tổn hại các mối quan hệ giữa quân sự và dân sự. Tổng thống Mã ắt hẳn không hài lòng về cách thức bộ quốc phòng giải quyết vấn đề hồi tháng trước. Tôi nghĩ vấn đề hàng đầu hiện nay là một bầu không khí yên ổn để quân đội có thể tiến hành những chấn chỉnh và hoạt động cần thiết.

Cũng trong tuần này, quốc hội đã quyết định tạm ngưng tòa án quân sự sau khi hàng ngàn người biểu tình phản đối cách giải quyết cái chết của viên hạ sĩ trẻ. Các nhà lập pháp thay đổi quy định áp dụng trong thời bình là tòa án dân sự sẽ xử các vụ án quân đội. Trong số các vụ án này sẽ có vụ xử 18 người bị tình nghi có dính líu đến cái chết của viên hạ sĩ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG