Đường dẫn truy cập

Quân đội Ai Cập có làm đảo chính hay không?


"...nhận thức sai lầm về những ưu tiên của người dân Ai Cập bình thường đã khiến ông Morsi phải trả giá đắt..."
"...nhận thức sai lầm về những ưu tiên của người dân Ai Cập bình thường đã khiến ông Morsi phải trả giá đắt..."
Ngày 3 tháng 7, quân đội Ai Cập lật đổ ông Mohamed Morsi, Tổng thống dân cử và thành viên cao cấp của nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Ông bị hạ bệ sau một năm nắm quyền, và ba ngày sau khi hàng triệu người Ai Cập xuống đường phản đối cách ông điều hành đất nước.

Bà Mirette Mabrouk thuộc Trung tâm Hariri Rafik nghiên cứu Trung Ðông của viện nghiên cứu Atlantic Council nói, ông Morsi giành hết quyền về phía mình, từ chối không nghe bất kỳ lời khuyên nào và không muốn làm việc với bất cứ ai khác. Nói tóm lại, ông làm tổng thống rất tệ, theo bà Mabrouk.

Kinh tế bị bỏ lơ

Ông John Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nói rằng chính phủ ông Morsi hoàn toàn bỏ lơ nền kinh tế.

"Đó là lý do thực sự vì sao hàng triệu người Ai Cập đổ ra đường biểu tình chống ông Morsi. Họ muốn nền kinh tế được chỉnh đốn trước hết," ông Bolton nói. "Họ lẽ ra có thể sẵn sàng chấp nhận một chính phủ Hồi giáo, nhưng chỉ sau khi nền kinh tế hồi phục vững vàng. Tôi nghĩ rằng nhận thức sai lầm về những ưu tiên của người dân Ai Cập bình thường đã khiến ông Morsi phải trả giá đắt."

Nhưng khi quân đội ra tay lật đổ tổng thống được bầu chọn dân chủ, phải chăng đó là cuộc đảo chính theo đúng nghĩa của từ này?

Ðảo chính hay không?

Ông Jeffrey Martini, một chuyên gia về Ai Cập làm việc tại viện nghiên cứu RAND, nói chắc chắn đó là một cuộc đảo chính quân sự.

"Quân đội có thể can thiệp bằng con dao nhỏ, nhưng họ dùng tới búa. Họ lật đổ tổng thống rồi câu lưu ông ấy. Họ cũng câu lưu một số giới chức cấp cao của Huynh đệ Hồi giáo," ông Martini nói. "Họ đóng cửa trụ sở Ðảng Tự do và Công lý ở Cairo, là cánh chính trị của Huynh đệ Hồi giáo; đình chỉ hiến pháp, giải tán thượng viện Quốc hội và nắm quyền kiểm soát những tờ báo chính của nhóm này. Vì vậy, nhìn tổng thể, tôi thấy nó giống như một cuộc đảo chính."

Mỹ do dự

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Obama vẫn còn do dự trong việc gọi hành động của quân đội là một cuộc "đảo chính."

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney cho biết: "Đây là một tình hình vô cùng phức tạp và khó khăn."

Ông Carney cũng nói sẽ có "những hệ quả to lớn" nếu xác định hành động tiếp quản quân sự ở Ai Cập là một cuộc đảo chính.

Các chuyên gia cho rằng một trong những hệ quả là viện trợ. Đạo luật Viện trợ nước ngoài cũa Mỹ quy định rằng chính phủ Mỹ sẽ cắt viện trợ quân sự cho "bất cứ nước nào mà người đứng đầu chính phủ được bầu chọn chính đáng bị lật đổ bởi đảo chính quân sự."

Mỹ cấp viện nhiều cho Ai Cập

Ông Jeffrey Martini nói Mỹ cấp cho Ai Cập hai loại viện trợ.

"Dòng tiền lớn nhất gọi là Tài trợ Quân sự nước ngoài, hay FMF, khoảng1,3 tỉ đô la. Vậy nên Ai Cập hàng năm nhận được số tiền 1,3 tỉ đô la mà họ dùng để đầu tư vào quân trang như máy bay F-16, xe tăng M1-A1 Abrams, trực thăng tập kích. Rồi tất nhiên còn dùng vào việc vận hành và bảo trì sử dụng chúng nữa."

Chính vì viện trợ này mà chính quyền Tổng thống Obama khựng lại trong quyết định vụ việc xảy ra ở Ai Cập là một cuộc đảo chính.

Ông Martini cho biết loại viện trợ thứ hai cho Cairo là viện trợ phi quân sự, được gọi là "Quỹ Hỗ trợ Kinh tế" trị giá 250 triệu đô la trong năm tài khóa 2012.

Ông nói cho dù đó là viện trợ quân sự và kinh tế thì số tiền này cũng quay trở lại Mỹ.

Ví dụ, 1,3 tỉ đô la viện trợ quân sự này thực tế vào tay những nhà thầu quốc phòng của Mỹ, những công ty cung cấp thiết bị quân sự mà Ai Cập bỏ tiền ra mua.

Ông Martini nói khi các nhà lập pháp và các chuyên gia Mỹ đang thảo luận việc cắt viện trợ quân sự cho Ai Cập, trên thực tế họ cũng đang bàn về việc ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ bị thiệt hại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG