Đường dẫn truy cập

Quan chức Trung Quốc rời Hong Kong với sự bảo đảm về nền tự trị


Ông Trương Đức Giang, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc (trái) và Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh (phải) nhìn vào mô hình các khu nhà ở công cộng mới được xây dựng dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay tại Hong Kong, ngày 19 tháng 5 năm 2016.
Ông Trương Đức Giang, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc (trái) và Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh (phải) nhìn vào mô hình các khu nhà ở công cộng mới được xây dựng dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay tại Hong Kong, ngày 19 tháng 5 năm 2016.

Quan chức cao cấp của Trung Quốc đặc trách sự vụ Hong Kong đã kết thúc chuyến thăm ba ngày đến cựu thuộc địa này của Anh với những bảo đảm được sắp xếp đúng lúc và cẩn thận rằng Bắc Kinh sẽ không tìm cách "đại lục hóa" lãnh thổ bán tự trị này hoặc vi phạm công thức một quốc gia, hai chế độ, vốn là nền tảng cho những quyền tự do riêng biệt của thành phố này không tìm thấy ở những nơi khác của Trung Quốc.

Công thức đó là cơ sở mà theo đó Hong Kong được hưởng một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và một hệ thống pháp luật hoạt động theo Thông luật, ít nhất là cho đến năm 2047. Tuy nhiên, nhiều người dân Hong Kong cảm thấy bản sắc văn hóa của mình đang bị tấn công, khơi lên một phong trào chính trị trọng bản địa mạnh mẽ.

Chuyến thăm đầu tiên của ông Trương trong 2 năm

Chuyến thăm của ông Trương Đức Giang, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc và nhân vật đứng thứ ba trong hệ thống cấp bậc chính trị của Trung Quốc, là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cao cấp kể từ khi Phong trào Ô Dù làm rung chuyển Hong Kong hai năm trước.

Chuyến thăm của ông Trương cũng diễn ra trong bối cảnh sắp sửa có cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Hong Kong vào tháng 9 và việc lựa chọn trưởng quan hành chính tiếp theo vào năm 2017. Những cuộc thăm dò đều cho thấy nhà lãnh đạo hiện nay Lương Chấn Anh và chính phủ của ông ta khiến nhiều người bất mãn cao độ.

Những vấn đề của Hong Kong

Tình cảm trọng bản địa đang gia tăng - được thúc đẩy bởi sự giận dữ về số lượng lớn những người mua sắm từ đại lục ùa vào một số khu phố để tìm kiếm hàng hóa bán lại qua biên giới, và bởi việc sử dụng tiếng Quan Thoại ngày càng nhiều trong xã hội nói tiếng Quảng Đông này - đã khiến bầu không khí xã hội căng thẳng và gia tăng cơ hội của những ứng cử viên cực đoan trọng bản địa giành được ghế trong cơ quan lập pháp, như đã từng xảy ra trong một cuộc bầu cử phụ hồi gần đây. Một số phe phái đang kêu gọi định đoạt tương lai của Hong Kong bằng một cuộc trưng cầu dân ý, trong khi những người khác đang kêu gọi sự độc lập hoàn toàn.

Ông Trương gọi tình cảm trọng bản địa là tự nhiên

Phát biểu tại một bữa tiệc có giấy mời bị tẩy chay bởi tất cả những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và được tổ chức tại một trung tâm hội nghị với hàng ngàn cảnh sát vây quanh, bao gồm cả lực lượng chống khủng bố, ông Trương nói rằng một người bày tỏ tình cảm mãnh liệt về quê hương bản quán của mình là điều tự nhiên, và rằng sự riêng biệt và những giá trị của Hong Kong được tôn trọng theo quan niệm "một quốc gia, hai chế độ" minh định trong Luật Cơ bản của lãnh thổ này.

Nhưng ông cảnh báo "một thiểu số rất nhỏ người dân (Hong Kong) chống lại một quốc gia và chính phủ Trung ương. Họ thậm chí còn giương cao ngọn cờ độc lập cho Hong Kong."

"Đó không phải là vấn đề tình cảm trọng bản địa mà là những nỗ lực tách rời Hong Kong khỏi đất nước nhân danh tình cảm trọng bản địa," ông nói.

Ông Trương nói "một quốc gia, hai chế độ" sẽ tiếp tục

Tìm cách xoa dịu những lo ngại của nhiều người rằng họ đang được cai trị bởi những người từ đại lục và đang mất đi bản sắc của mình, ông Trương nhắc tới tư tưởng nguyên thủy đằng sau công thức cho Hong Kong quay trở về nền cai trị của Trung Quốc, và tìm cách trấn an người dân Hong Kong rằng ý thức về bản sắc văn hóa của họ vẫn an toàn.

Ông nói: "Có những ý kiến nói rằng chính phủ Trung ương đang tìm cách đại lục hóa Hong Kong, hoặc thậm chí đổi một quốc gia, hai chế độ thành một quốc gia, một chế độ. Những ý kiến đó là hoàn toàn vô căn cứ."

Ông Trương nhắm trực tiếp vào những người nói rằng Hong Kong chỉ có thể giữ được bản sắc của mình nếu hoàn toàn tách khỏi Trung Quốc, gọi họ là "một thiếu số cực kỳ nhỏ," và nói thêm rằng đây không phải là tình cảm trọng bản địa mà là "sự ly khai nhân danh tình cảm trọng bản địa."

Gặp gỡ những người ủng hộ dân chủ

Ngay trước khi xuất hiện tại bữa tiệc, ông Trương cũng gặp gỡ với bốn đại diện của phái dân chủ trong cơ quan lập pháp tại bữa tiệc cocktail. Đó là cuộc gặp cấp cao nhất giữa những nhân vật ủng hộ dân chủ và một nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc nhận chủ quyền Hong Kong vào năm 1997.

Bốn người này là chủ tịch Đảng Dân chủ Emily Lau, lãnh đạo Đảng Công Dân Alan Leong, Cyd Ho của Công Đảng và nhà lập pháp không đảng phái Joseph Lee.

Bà Lau nói rằng mặc dù ông Trương đến muộn 10 phút nhưng ông cũng ở lại muộn, vì vậy cuộc họp của họ không bị rút ngắn. Nổi tiếng với phong cách thẳng thừng, bà Lau cho biết bà nói với ông Trương, trước mặt ông Lương Chấn Anh, rằng ông Lương nên được thay thế và tiến trình cải cách chính trị nên được tái khởi động.

Bà nói với VOA: "Tôi nói với ông ta rằng nhiều người dân Hong Kong rất bất mãn vì sự quản lý kém cỏi, bởi vì Bắc Kinh từ chối cho phép chúng tôi có cuộc bầu cử dân chủ, và Lương Chấn Anh không phải là người thích hợp làm trưởng quan hành chính, và chúng tôi hy vọng Bắc Kinh sẽ xem xét lại quyết định của NPCSC về cuộc bầu cử trưởng quan hành chính."

Bà Lau cũng nói với ông Trương rằng chính quyền đại lục nên điều tra vụ việc đáng lo ngại là nhà xuất bản sách Lý Ba ở Hong Kong, người dường như đã bị bắt cóc khỏi Hong Kong bởi những điệp viên đại lục và bị cưỡng ép đưa về Trung Quốc. Bà nói trường hợp này "đã làm suy yếu nghiêm trọng một quốc gia, hai chế độ."

Bà nói có những vấn đề trầm trọng về quản trị đang trở nên tồi tệ hơn dưới thời trưởng quan hành chính hiện tại.

Alan Leong, lãnh đạo Đảng Công dân, đến dự cuộc họp với ông Trương với cà vạt và khăn tay màu vàng, là màu của Phong trào Ô Dù biểu tình phản đối hồi năm 2014 khiến thành phố này tê liệt suốt vài tháng.

Trong lúc cuộc họp của phái dân chủ và ông Trương đang diễn ra, cảnh sát bên ngoài địa điểm tổ chức yến tiệc được bảo vệ nghiêm ngặt lấy đi bất kỳ vật nào có màu vàng của giới truyền thông, trong đó có một chiếc khăn lau tay nhỏ được một nhiếp ảnh gia sử dụng để lau ống kính máy ảnh của mình.

Những chỉ trích nhắm vào Lương Chấn Anh

Ông Leong cũng sử dụng vài phút ít ỏi của mình với ông Trương để chỉ trích ông Lương Chấn Anh, nói rằng trưởng quan hành chính hiện tại "không đạt đủ tiêu chuẩn được yêu cầu hoặc được mong muốn và tốt hơn không nên tìm cách tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa," ông nói.

Ông cũng mô tả bầu không khí là "nhã nhặn" và rằng ông Trương phần lớn đưa ra những câu trả lời cũ rích, không gây ngạc nhiên và không có gì là bất ngờ. Tuy nhiên, ông cho biết ông Trương dường như cho rằng kiểu đối thoại này nên được tiếp tục, lần đầu tiên thừa nhận địa vị của những nhà lập pháp phái dân chủ.

Ông Leong nói: "Tôi khá chắc chắn chuyến đi này của ông Trương Đức Giang đã được tiên định, được lên kế hoạch chặt chẽ, và không phải được sắp xếp một cách vội vàng và nửa vời. Nó phải dẫn tới một cái gì đó, nhưng cái gì đó là gì thì chúng ta phải đợi."

Ông Lương Chấn Anh vẫn chưa công khai bình luận về cuộc họp giữa ông Trương và những nhà lập pháp phái dân chủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG