Đường dẫn truy cập

Quá thể, quá đáng, quá chừng, rồi gì nữa


Công an trước Tòa án Nhân dân TPHCM.
Công an trước Tòa án Nhân dân TPHCM.
Đọc các blog tự do trong nước gần đây, tôi hay gặp những lời nhận định, nhận xét «quá thể», «quá chừng», «quá đáng» …

Một bạn trẻ nhận định việc tuyên án luật sư Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam, rồi nhà báo Điếu Cày 12 năm tù giam, cô Tạ Phong Tần 10 năm tù giam … - trong khi viên công an giết ông Trịnh Xuân Tùng chỉ bị 4 năm tù giam - là những «sự trả thù không thể tưởng tượng nổi», là «quá thể, là phi lý», từ một chính quyền tự cho là chính đáng, theo chế độ pháp quyền, nghiêm chỉnh theo pháp luật.

«Quá thể» ở đây có nghĩa là vượt qua giới hạn cao nhất của sự phi lý, của sự chà đạp luật pháp có khả năng xảy ra, bình thường rất ít ai nghĩ đến, rất ít ai dám làm.

Việc đối xử với sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên cũng được mạng Dân Làm Báo cho là «quá đáng». Nguyễn Phương Uyên bị lực lượng công an bắt cóc không có lệnh bắt giữ, không báo cho gia đình, đưa lên tỉnh Long An, biệt tích một tuần lễ rồi mới gửi lệnh truy tố. Công an không cho cô gặp mẹ, gặp luật sư, bạn bè khi tạm giam, còn dọa sẽ bị xét xử về tội tham gia «âm mưu khủng bố bằng thuốc nổ». Quả là «quá đáng» khi cả một bộ máy nhà nước đàn áp thô bạo một cô gái tay không, khiến cô phải bỏ dở học hành, chỉ vì cô tham gia nhóm tuổi trẻ yêu nước chống bành trướng Trung Quốc. Trường hợp cô Nguyễn Hoàng Vy cũng «quá đáng» không kém. Cô bị công an phối hợp với các phần tử thuộc xã hội đen đe dọa, quấy rối, cố tình đụng xe, làm gãy một lúc 7 chiếc răng, rồi bị đuổi việc, chỉ vì cô tỏ ý chí chống bành trướng Trung Quốc.

Tệ tham nhũng của các quan chức gần đây bị đông đảo dư luận cho là «quá chừng»! Tham cũng phải có hạn, có chừng thôi chứ. Đã ăn cắp vài nghìn đôla, lại muốn vài vạn, vài vạn được rồi lại thèm vài chục vạn, hồi hàng triệu đô; có hàng triệu đô lại cố cuỗm thêm đến hàng tỷ đôla. Có quan đầu tỉnh ở Ninh Bình, Hải Dương, Bình Thuận, Long An có đến 5, 6 nhà và biệt thự cho mình, con trai, con gái và con rể, còn cho vợ hờ, tình nhân. Các nhà giàu xưa ở Bạc Liêu phải gọi họ bằng Cụ. Tiền ở đâu ra vậy? Tất nhiên là từ ngân sách, tiền thuế, tiền ăn bẩn, chia chác nhau, từ các sân sau các bộ là các tập đoàn quốc doanh lãi thật lỗ giả. Họ ăn hết phần do phát triển đất nước đem lại.

Quá chừng tham lam thối nát là việc ăn chia 20 triệu đôla đút lót từ công ty in bạc giấy Úc Securency qua môi giới của Đại tá công an Lương Ngọc Anh. Vụ tham nhũung này đã bị phía Úc khám phá, điều tra và công bố tường tận, vậy mà cả Bộ Chính trị vẫn im như thóc, cả Quốc hội vẫn tảng lờ, để rồi lại đua nhau hứa hẹn, thề thốt ra tay chống tham nhũng, «không bênh che, không chừa một ai». Thật quá chừng là tham, quá chừng là lừa bịp, đến mức nhà văn Nguyễn Quang Lập phải thốt lên là họ chơi trò đánh trận giả, quân ta giả vờ đánh quân mình, rồi lại liên hoan chia chác nhau hàng núi tiền của dân.

Ở Việt Nam đã có hơn 10 chủ nhật liên tiếp xuống đường trong năm 2011 chống tình hình của lãnh đạo trở nên tệ hại, «quá thể», «quá đáng», «quá chừng». Chắc chắn cuộc đấu tranh nhằm thay đổi cả hệ thống chính trị mục nát theo hướng dân chủ, tự do, có nhân quyền và pháp quyền, hội nhập với thế giới dân chủ văn minh sẽ bền bỉ và ngày càng mạnh mẽ hơn, dựa trên những kinh nghiệm rất quý của tuổi trẻ, trí thức, các doanh nhân vừa và nhỏ quốc tế.

Các chiến sỹ dân chủ, các nhà trí thức chân chính, mọi người dân lương thiện thật lòng yêu nước thương dân cùng với các đảng viên CS từ trẻ tuổi đến lão thành chưa bị bả vật chất quật ngã đang cùng nhau kết hợp trong cuộc đấu tranh chống thối nát, độc tài, đòi tự do, dân chủ, công lý và công bằng xã hội. Các lực lượng khỏe khoắn, trong sáng ấy của nhân dân sẽ tự tìm ra ẩn số x - lượng biến thành chất - để tìm ra những giải pháp thích hợp có thể là chìa khóa tháo gỡ bế tắc, mở cửa cho tương lai.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG